Luật sư phân tích vụ va chạm giữa xe nâng và xe máy gây chết người

Theo quy định, xe nâng hàng được xem là một loại xe máy chuyên dùng, được phép tham gia giao thông đường bộ nếu đủ điều kiện.

Chiều 23/10, vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn quận Bình Tân khiến một sinh viên 18 tuổi tử vong. Đây là vụ tai nạn hy hữu, khi người điều khiển xe nâng (xe chuyên dụng được sử dụng để nâng hạ hàng hóa trong các kho) di chuyển trên đường và xảy ra va chạm.

Hiện trường vụ tai nạn giữa xe nâng và xe máy khiến một sinh viên tử vong. Ảnh: T.K

Hiện trường vụ tai nạn giữa xe nâng và xe máy khiến một sinh viên tử vong. Ảnh: T.K

Trước đo, vào 13h ngày 23/10, ông Đ.V.S (52 tuổi, ngụ quận Bình Tân) lái xe nâng chạy trên đường số 1, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Khi xe nâng rẽ trái vào đường số 14D đã xảy ra va chạm với xe máy do N.H.D (18 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) cầm lái.

Cú va chạm khiến anh D té xuống đường, bị xe nâng cán qua người, tử vong tại chỗ. Theo nguồn tin, N.H.D là sinh viên năm nhất của một trường đại học trên địa bàn TP.HCM. Nam sinh đang trên đường đi học về thì gặp nạn.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Phùng Thị Huyền, Phó giám đốc công ty luật A+, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, theo quy định, xe nâng hàng được xem là một loại xe máy chuyên dùng.

Luật sư Phùng Huyền, Đoàn luật sư TP.HCM.

Luật sư Phùng Huyền, Đoàn luật sư TP.HCM.

Căn cứ khoản 21 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 (sửa đổi, bổ sung 2018), phương tiện tham gia giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông đường bộ và xe máy chuyên dùng. Do đó, xe nâng là phương tiện giao thông được phép tham gia giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, xe nâng muốn tham gia giao thông phải có đủ hệ thống hãm có hiệu lực; có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực; có đèn chiếu sáng; bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển; các bộ phận chuyên dùng phải lắp đặt đúng vị trí, chắc chắn, bảo đảm an toàn khi di chuyển; bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường.

Ngoài ra, xe nâng phải có đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và hoạt động trong phạm vi quy định, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình đường bộ khi di chuyển.

Trong vụ tai nạn nêu trên, nếu xác định lỗi thuộc về xe nâng, dù có điều khiển xe chuyên dụng trong phạm vi hoạt động hay không vẫn bị xử lý hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo đó, người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

Trường hợp người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe hoặc gây tai nạn khi có sử dụng rượu bia có thể bị phạt tù lên đến 10 năm (khoản 2).

Luật sư Huyền nói thêm, căn cứ Điều 601 Bộ luật Dân sự và Điều 12 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP, xe nâng được xác định là một trong những nguồn nguy hiểm cao độ nên người lái xe nâng còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân theo Điều 591 và khoản 3 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015.

Bao gồm các khoản chi phí như: Chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng, tiền bù đắp tổn thất tinh thần cho người thân của nạn nhân…

Mỹ Quỳnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/luat-su-phan-tich-vu-va-cham-giua-xe-nang-va-xe-may-gay-chet-nguoi-192241024094939218.htm