Luật Thanh tra năm 2022: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra
Việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 là cần thiết, nhằm thể chế quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra trong quản lý nhà nước.
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng
Theo Thanh tra Chính phủ, Luật Thanh tra năm 2010 được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, đến nay Luật Thanh tra chưa có những quy định cụ thể hóa quan điểm đổi mới của Đảng trong 10 năm qua và Hiến pháp năm 2013, cụ thể như Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 yêu cầu: Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, phạm vi hoạt động mối quan hệ công tác của Kiểm toán nhà nước và các cơ quan kiểm tra, thanh tra các cấp để không chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ.
Nghị quyết số 26-NQ/TW chỉ rõ nhiệm vụ: Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất; theo chuyên đề, chuyên ngành, của cấp trên đối với cấp dưới; cấp dưới giám sát cấp trên; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng kinh tế.
Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đặt ra yêu cầu đối với ngành Thanh tra thực hiện hiệu quả hơn các chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Luật Thanh tra 2010 đã bộc lộ nhiều hạn chế
Mặt khác, qua quá trình triển khai thực hiện, Luật Thanh tra 2010 đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, không đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, cụ thể như:
Tổ chức thanh tra chưa phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý của từng bộ, ngành, địa phương, chưa thể hiện thanh tra là công cụ đắc lực của cơ quan quản lý và việc phân cấp, phân quyền, tự chủ của các cơ quan quản lý trong việc tổ chức cơ quan thanh tra.
Sự phân định về phạm vi thanh tra giữa các cơ quan thanh tra chưa rõ ràng, chưa phân biệt rõ giữa thanh tra và hoạt dộng kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý, sự chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước còn khá phổ biến.
Quy định hình thức thanh tra, thời hạn thanh tra là chưa phù hợp; việc ban hành Kết luận thanh tra còn chậm so với quy định.
Việc giám sát hoạt động Đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra chưa được quy định cụ thể, rõ ràng, làm cơ sở cho tổ chức thực hiện.
Việc thực hiện kiến nghị trong các Kết luận thanh tra còn hạn chế, bất cập; hiệu quả thu hồi tiền, tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích vẫn còn thấp do chưa quy định cụ thể trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân nhất là những người đứng đầu.
Do vậy, việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 là cần thiết, nhằm thể chế quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra trong quản lý nhà nước.