Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần có cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội cho Hà Nội

Chia sẻ tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, bản dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) rất công phu, trên nhiều lĩnh vực thể hiện phải có cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội cho Hà Nội và toàn diện trên các mặt kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, môi trường,…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chia sẻ tại buổi họp. Ảnh: Công Phương.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chia sẻ tại buổi họp. Ảnh: Công Phương.

Sáng 27/7, Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã làm việc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm rõ một số vấn đề liên quan tới chức năng quản lý Nhà nước của ngành.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng - Phó trưởng Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì buổi làm việc.

Thông tin tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, trong dự thảo Luật hiện hành có liên quan đến chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được quy định tại Chương IV (Tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô) và Chương V (Liên kết, phát triển Vùng Thủ đô), cụ thể tại các Điều: 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng Luật còn một số nội dung liên quan đến lĩnh vực quản số lý nhà nước của Bộ ta cần được tiếp tục nghiên cứu, trao đổi để thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 15-NQ/TW.

Cụ thể, về tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, Điều 38 dự thảo Luật giao HĐND TP quyết định (1) cho phép tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể đối với các dự án nhóm B, nhóm C; (2) quyết định mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm đầu tư của dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng tại quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể; (3) ban hành danh mục các dự án đầu tư thực hiện tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư quy định tại Điều này.

Căn cứ chủ trương đầu tư dự án tổng thể, Chủ tịch UBND TP Hà Nội quyết định đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm để thực hiện, đồng thời là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất.

Trường hợp điều chỉnh dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng phát sinh yếu tố phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tổng thể, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tổng thể trước khi Chủ tịch UBND TP điều chỉnh dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.

Về thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Điều 39 dự thảo Luật nêu cho phép mở rộng phạm vi áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa và thể thao; trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% trong tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không đảm bảo khả năng hoàn vốn, HĐND TP được xem xét, quyết định tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia nhưng không lớn hơn 70% tổng mức đầu tư của dự án và giao HĐND TP quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa.

Về thực hiện mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, Điều 40 dự thảo Luật cho phép việc thực hiện các dự án TOD theo cơ chế dự án phát triển đô thị và dự án giao thông nằm trong một tổng dự án và chỉ áp dụng đối với dự án giao thông công cộng lớn (tuyến đường sắt đô thị);

HĐND TP được sử dụng ngân sách TP để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường giao thông thuộc địa phận TP để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư tại chỗ, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ theo quy định.

Các đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại buổi họp. Ảnh: Công Phương.

Các đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại buổi họp. Ảnh: Công Phương.

UBND TP Hà Nội quy hoạch và thu hồi đất tại vùng phụ cận và khai thác quyền sử dụng đất, không gian ngầm, không gian trên cao tại các điểm đấu nối và vùng phụ cận theo hình thức đấu giá hoặc đấu thầu. Hà Nội được giữ lại nguồn lực từ đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, không gian ngầm, không gian trên cao của điểm kết nối giao thông và vùng phụ cận và được phân bổ toàn bộ kinh phí thu được vào xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phát triển hệ thống giao thông.

Về thực hiện hình thức hợp đồng theo phương thức xây dựng chuyển giao, Điều 41, thành phố được thực hiện hình thức hợp đồng theo phương thức xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT) đối với các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội, theo đó cho phép TP được thực hiện BT bằng tiền và BT bằng đất.

Về thẩm quyền đầu tư, Điều 44 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định phân quyền mạnh mẽ thẩm quyền đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho HĐND, UBND TP Hà Nội; Phân quyền cho HĐND TP Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công hiện đang thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo Luật Đầu tư công đối với một số dự án,…

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cũng trình bày các nội dung ở Điều 45 đến 52 và mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phát biểu tại cuộc họp, Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Vụ Phát triển hạ tầng và đô thị, Vụ Quản lý các khu kinh tế, Vụ Pháp chế, Cục Đầu tư nước ngoài, Cục Quản lý đấu thầu,… đã góp ý xây dựng vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhiều nội dung thiết thực, sát thực tiễn.

Chia sẻ tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, bản dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) rất công phu, trên nhiều lĩnh vực thể hiện phải có cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội cho Hà Nội và toàn diện trên các mặt kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, môi trường,…

“Chúng tôi đồng tình với 5 quan điểm trong dự thảo tờ trình và đề nghị bổ sung trong quan điểm một số cơ chế chính sách đột phá vượt trội có thêm chữ cạnh tranh quốc tế. Bởi lẽ, chúng ta có một số chính sách chiến lược thu hút đầu tư quốc tế. Chúng tôi đồng tình cơ chế đặc thù, trần không được trái Hiến pháp còn các quy định có thể khác các luật khác để đảm bảo tính đặc thù, vượt trội, cạnh tranh quốc tế”, ông Đông nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, qua rà soát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có 59 Điều, 6 chương, 124 cơ chế. Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham gia góp ý kiến vào Luật Thủ đô (sửa đổi) và trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục góp ý thêm vào các vấn đề đấu thầu, PPP, TOD,…

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/luat-thu-do-sua-doi-can-co-co-che-chinh-sach-dac-thu-vuot-troi-cho-ha-noi-345946.html