Luật Thủ đô (sửa đổi) có thể quy định các cơ chế đặc thù cao hơn
Tại Phiên họp thứ 26 (ngày 20/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Tổng Thư ký Quốc hội vừa có văn bản số 2810/TB-TTKQH thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.
Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chất lượng
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) của Chính phủ. Hồ sơ Dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chất lượng, theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra và chính quyền Thành phố Hà Nội trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội của các cơ quan thẩm tra và của các chuyên gia, nhà khoa học.
Trong đó cần lưu ý một số nội dung sau: Luật Thủ đô là đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Việc sửa đổi Luật phải bám sát các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn về xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong xây dựng, bảo vệ phát triển Thủ đô.
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, đặc biệt, vượt trội, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ nhưng cũng giao trách nhiệm lớn cho chính quyền Thủ đô trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô. Các cơ chế, chính sách được thiết kế trong dự thảo Luật phải rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nội dung phân quyền; lĩnh vực phân quyền phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và có cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua việc quy định cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan.
Bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô trên tất cả các lĩnh vực hiện đã quy định trong Dự án Luật, như tổ chức bộ máy, kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, tài nguyên, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội,... để tiếp thu, chỉnh lý theo các yêu cầu nêu trên.
Cùng đó, nghiên cứu, làm rõ, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết khác đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ là trung tâm chính trị - hành chính của quốc gia; đồng thời là đô thị đặc biệt; hoàn thiện và có cơ chế bảo đảm thực hiện các quy hoạch, nhất là quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng; yêu cầu thúc đẩy đổi mới sáng tạo; xây dựng công nghiệp văn hóa, phát triển làng nghề, làng có nghề; giao chính quyền Thành phố Hà Nội được quy định các yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; cơ chế liên kết Vùng Thủ đô gắn với vai trò, trách nhiệm của Trung ương, chính quyền Thành phố Hà Nội và các địa phương khác trong Vùng...
Bên cạnh đó, thống nhất về kỹ thuật lập pháp, cách thức thể hiện trong toàn bộ Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), bảo đảm cụ thể, rõ nội dung, phạm vi, đối tượng phân quyền và cơ chế phân cấp, ủy quyền tiếp gắn với chế độ trách nhiệm; hạn chế những quy định không mang tính quy phạm. Không quy định lại các nội dung, các vấn đề đã được quy định trong các luật khác, kể cả so với một số nội dung trong các dự thảo luật đang trình Quốc hội xem xét, thông qua thì Luật Thủ đô cũng có thể quy định mức đặc thù cao hơn.
Các nội dung đã và đang được thực hiện thí điểm ở Hà Nội và các địa phương khác qua sơ kết, tổng kết thấy có hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Thủ đô và đạt được sự thống nhất cao thì nghiên cứu đưa vào Luật; các nội dung chưa rõ, chưa thật ổn địnhcòn có ý kiến khác nhau thì cần tiếp tục nghiên cứu. Sửa đổi quy định về điều khoản áp dụng pháp luật nhằm phát huy giá trị và hiệu lực của Luật Thủ đô nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không phá vỡ tính ổn định, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với cấp ủy, chính quyền Thành phố Hà Nội tham mưu, báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về những nội dung lớn, quan trọng của Dự án Luật; báo cáo Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023)…
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội tiến hành thẩm tra chính thức Dự án Luật để báo cáo Quốc hội.