Luật Thủ đô (sửa đổi): Quy định về tổ chức chính quyền có điểm gì mới?

Quốc hội vừa thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử, được kỳ vọng sẽ là kim chỉ nam cho Thủ đô bứt phá.

Luật hóa quy định bỏ Hội đồng nhân dân cấp phường

Ngoài việc quy định Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội; là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là thành phố trực thuộc trung ương, là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước, thì một trong những vấn đề dư luận quan tâm là Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này quy định về tổ chức chính quyền thế nào?

Theo đó, Luật quy định rõ chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Còn riêng chính quyền địa phương ở phường tại thành phố Hà Nội chỉ còn Ủy ban nhân dân phường.

Điều này cho thấy, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã bảo đảm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Luật đã luật hóa quy định không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp phường được quy định trong Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Mặt khác, theo quy định Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này Ủy ban nhân dân phường gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các công chức khác của phường. Phường loại I và loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, phường loại III có 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường là công chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý của Ủy ban nhân dân phường; Ủy ban nhân dân phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường là người đứng đầu Ủy ban nhân dân phường, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường; trực tiếp quản lý, sử dụng công chức phường theo quy định; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, ủy quyền; quản lý toàn diện mọi hoạt động của Ủy ban nhân dân phường; ký và chịu trách nhiệm về các văn bản của Ủy ban nhân dân phường với chức danh Chủ tịch, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở phường.

Quốc hội mới thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) kỳ vọng tạo điều kiện cho Hà Nội bứt phá. (Ảnh: kinhtedothi.vn)

Quốc hội mới thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) kỳ vọng tạo điều kiện cho Hà Nội bứt phá. (Ảnh: kinhtedothi.vn)

Ngoài ra, Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định, Thành phố Hà Nội được bầu 125 đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, trong đó có ít nhất là 25% tổng số đại biểu hoạt động chuyên trách (tăng 30 đại biểu so với hiện tại). Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội hoạt động chuyên trách có không quá 11 thành viên, gồm Chủ tịch, không quá 3 Phó Chủ tịch (tăng 1 Phó Chủ tịch và 4 thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố).

Nếu theo quy định tại Luật thì Hội đồng nhân dân thành phố sẽ phải thực hiện tăng thêm trên 80 nội dung nhiệm vụ, quyền hạn. Do đó, việc tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách sẽ thêm sức mạnh cho bộ máy hoạt động để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, bảo đảm thực chất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Đề cao thu hút, trọng dụng nhân tài

Đáng chú ý, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này quy định rõ việc thu hút, trọng dụng người có tài năng.

Theo đó, công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức.

Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn theo quy định trên được ký hợp đồng để thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội.

Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định rõ việc tổ chức chính quyền. (Ảnh minh họa, nguồn: hanoimoi.vn)

Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định rõ việc tổ chức chính quyền. (Ảnh minh họa, nguồn: hanoimoi.vn)

Hay, người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Người được xét tuyển, tiếp nhận hoặc được ký hợp đồng làm việc quy định tại các quy định trên sẽ được hưởng các chế độ, chính sách do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định.

Đối với việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô, Luật quy định rõ ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế ở các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô trong từng giai đoạn.

Hỗ trợ từ ngân sách của thành phố Hà Nội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia trên địa bàn thành phố.

Hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị do thành phố quản lý, học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn thành phố học tập tại các cơ sở đào tạo của nước ngoài.

Hỗ trợ hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội; hỗ trợ học phí cho học viên học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao của thành phố.

Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, trừ một số trường hợp cụ thể được quy định khác.

Minh Quang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/luat-thu-do-sua-doi-quy-dinh-ve-to-chuc-chinh-quyen-co-diem-gi-moi-329174.html