Luật Thủ đô (sửa đổi) thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về tổ chức chính quyền địa phương

Đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là sự thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về tổ chức chính quyền địa phương. Khi dự thảo Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua sẽ tạo một 'cú huých' đáng kể cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Những cây cầu nối liền hai bờ sông Hồng đã và đang góp phần thay đổi diện mạo của Thủ đô. Ảnh: Khánh Huy

Những cây cầu nối liền hai bờ sông Hồng đã và đang góp phần thay đổi diện mạo của Thủ đô. Ảnh: Khánh Huy

Ngày hôm nay (27/11), chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều; trong đó sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều. Đáng chú ý, dự thảo luật quy định về chính quyền Thủ đô, trong đó, về mô hình tổ chức, thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân phường ở Hà Nội theo Nghị quyết số 97 và bổ sung thành phố thuộc TP Hà Nội.

Theo tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TP Hà Nội sẽ thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường, đồng thời tăng số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân (từ 2 lên tối đa 3); mở rộng thành phần Thường trực Hội đồng nhân dân so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của Hội đồng Nhân dân.

Đặc biệt là quy định cơ cấu tổ chức của chính quyền thành phố thuộc TP Hà Nội (dự kiến thành lập theo Nghị quyết số 15-NQ/TW tại khu vực phía Bắc - thành phố logistics, dịch vụ - vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và phía Tây - thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học - vùng Hòa Lạc, Xuân Mai), với những đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã như tăng số lượng Phó chủ tịch Hội đồng, Ủy ban Nhân dân, đại biểu Hội đồng Nhân dân chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.

Dự thảo luật quy định một số nội dung đặc thù của Hội đồng Nhân dân thành phố thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, quận, huyện. Hà Nội được tăng thêm biên chế phù hợp với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng giao Thường trực Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội một số thẩm quyền như: Quyết định các biện pháp để giải quyết công việc đột xuất, khẩn cấp; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C; quyết định hỗ trợ các cơ quan Trung ương để thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn; hỗ trợ các địa phương khác trong trường hợp cần thiết.

Ngoài ra, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố thuộc TP Hà Nội được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù; tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan, tổ chức thuộc thành phố. Hội đồng Nhân dân quận, thị xã bố trí trong dự toán chi ngân sách của Ủy ban Nhân dân phường khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách phường để thực hiện một số nhiệm vụ chi như chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, quốc phòng, an ninh…

Góp ý về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là sự thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó dự thảo Luật đã lập một chương – Chương 2 hoàn toàn mới gồm 11 điều luật quy định về chính quyền tại thành phố Hà Nội. Điều này cho thấy, đây là một trong những nội dung trọng tâm nhất được sửa đổi, bổ sung trong lần sửa đổi Luật Thủ đô này. Quy định tại Chương 2 là nội dung bổ sung hoàn toàn mới so với Luật Thủ đô hiện hành. Dự thảo lần này thực hiện sửa đổi, bổ sung khá toàn diện về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của hầu như tất cả các cơ quan chính quyền địa phương tại Thủ đô gồm: HĐND, UBND các cấp thành phố, quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc Hà Nội.

Nội dung về tổ chức chủ yếu được sửa đổi, nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu là bổ sung mới so với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành và các luật sửa đổi một số nội dung của Luật này. Điều này làm rõ tính “đặc thù” của chính quyền địa phương tại đô thị mà Hà Nội là đô thị loại đặc biệt. Mặt khác, nội dung sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật cũng cho thấy tính tự chủ về tài chính – ngân sách cao hơn so với quy định của pháp luật hiện hành.

“Bằng thái độ làm việc trách nhiệm, khoa học, cẩn trọng và nỗ lực của Ban soạn thảo, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã từng bước hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu một cách nghiêm túc, đầy đủ ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nhân dân Thủ đô Hà Nội. Khi Dự thảo Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua sẽ tạo một “cú huých” đáng kể cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội”, vị đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam tin tưởng.

Góp ý về Luật Thủ đô (sửa đổi), bà Đàm Thị Diễm Hạnh, Đại học Mở Hà Nội chia sẻ, việc thành lập chính quyền thành phố trực thuộc Thủ đô bên cạnh hệ thống chính quyền hiện có là phù hợp với chủ trương: “Cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để phục vụ sự nghiệp phát triển Thủ đô”. Việc thành lập thành phố thuộc thành phố nói chung và thành phố thuộc Thủ đô đã có Hiến pháp và pháp luật. Song các quy định pháp luật hiện có chưa quy định cụ thể mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố thuộc thành phố đòi hỏi pháp luật trong đó có Luật Thủ đô (sửa đổi) cần thực nhiệm vụ này. Do đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định đầy đủ, cụ thể hơn tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố trực thuộc Thủ đô làm cơ sở pháp lý cũng như tổ chức thực hiện sau này tránh tình trạng tiếp tục hướng dẫn cụ thể bằng các văn bản dưới luật.

“Tôi hy vọng rằng với việc tạo hành lang pháp lý cho thành phố thuộc Thủ đô trong Luật Thủ đô sẽ tạo mô hình thể chế thực hiện được các nội dung khác của Luật này về phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa đáp ứng yêu cầu tạo sự đột phá cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới”, bà Đàm Thị Diễm Hạnh nhấn mạnh.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/luat-thu-do-sua-doi-the-che-hoa-duong-loi-chu-truong-cua-dang-ve-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-361510.html