Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều điểm mới mở ra kỳ vọng để Hà Nội phát triển mạnh mẽ

Luật Thủ đô (sửa đổi) với bố cục gồm 7 Chương, 54 Điều, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chỉ đạo, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; bám sát 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định khi bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh...

Một Thủ đô Hà Nội hiện đại, yên bình với những con phố xanh mát. Ảnh: Khánh Huy

Một Thủ đô Hà Nội hiện đại, yên bình với những con phố xanh mát. Ảnh: Khánh Huy

Bổ sung thẩm quyền của UBND phường

Một số điểm nổi bật tại Luật Thủ đô (sửa đổi) như:

Về tổ chức chính quyền đô thị (Chương II), trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được rà soát, chỉnh lý theo hướng quy định cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền tại thành phố Hà Nội không chỉ thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô mà cả quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (khoản 1 Điều 8); bổ sung thẩm quyền của UBND phường trong việc quyết định các nội dung mà theo quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác phải do HĐND cấp xã quyết định hoặc phải được HĐND cấp xã thông qua trước khi quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định (điểm e khoản 1 Điều 13).

Đồng thời, cùng với quy định về việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội (Điều 14), dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành cho các cơ quan của TP Hà Nội (Điều 49 và Điều 50) để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.

Về các chính sách xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô (Chương III, Chương IV), trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và ý kiến của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiếp thu, chỉnh lý các quy định về quản lý, sử dụng đất tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê, bảo đảm phù hợp với quy hoạch và yêu cầu về phòng, chống lũ (tại các Điều: 17, 18, 21 và 32).

Về cải tạo, chỉnh trang đô thị, UBTVQH đã cho rà soát các trường hợp cần thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị tại khoản 3 Điều 20 để bảo đảm không trùng lặp; bỏ quy định giao UBND TP tổ chức bán nhà ở cũ tại điểm e khoản 10 Điều 20 (dự thảo Luật trình Quốc hội tại đầu Kỳ họp thứ 7); thể hiện lại điểm a khoản 9 Điều 20 theo hướng giao HĐND quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn TP.

Về phát triển giáo dục và đào tạo, đã bổ sung quy định giao UBND TP quy định trình tự, thủ tục công nhận, thu hồi quyết định công nhận cơ sở giáo dục chất lượng cao, việc đánh giá, kiểm định, bảo đảm duy trì chất lượng của cơ sở giáo dục chất lượng cao (điểm b khoản 5 Điều 22) để bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ trong quá trình thực hiện.

Về chính sách đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, của Chính phủ và ý kiến của UBND TP Hà Nội, UBTVQH đã cho chỉnh lý các quy định liên quan đến hình thức giao đất, cho thuê đất, thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, quản lý đất đai trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc để vừa phù hợp với thực tiễn, vừa kết nối với các quy định của Luật Đất đai năm 2024, tránh gây xáo trộn quá lớn trong lĩnh vực này ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc (điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 và điểm đ khoản 3 Điều 24).

Đồng thời, để bảo đảm sự tiếp nối của các chính sách, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay, dự thảo Luật bổ sung thẩm quyền của HĐND Thành phố trong việc xác định mức thu, việc thu, nộp, sử dụng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn trả, tiền sử dụng hạ tầng, tiền xử lý nước thải và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với một số trường hợp cụ thể trong phạm vi Khu công nghệ cao Hòa Lạc (điểm c và điểm d khoản 4 Điều 24),...

Về thử nghiệm có kiểm soát, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: (1) không cho phép thử nghiệm trong lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lĩnh vực về biến đổi, chỉnh sửa gen người (điểm b khoản 3 Điều 25); (2) đưa ra nguyên tắc giới hạn các nhóm quy định của pháp luật mà tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm có kiểm soát có thể được phép không áp dụng, trên cơ sở đó, HĐND TP sẽ quyết định phạm vi không áp dụng các quy định của pháp luật phù hợp với từng dự án cụ thể cũng như yêu cầu, mục đích thử nghiệm (khoản 5 Điều 25); (3) quy định cụ thể hơn việc miễn trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, loại trừ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm, cá nhân thực hiện thử nghiệm trong trường hợp đã tuân thủ đúng và đầy đủ nội dung quy định và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền (điểm d khoản 4, điểm h khoản 7 Điều 25); (4) bổ sung, chỉnh lý quy định về điều chỉnh, gia hạn, chấm dứt thử nghiệm và làm rõ chế độ báo cáo của UBND TP, của cơ quan hướng dẫn quá trình thử nghiệm (điểm b và điểm e khoản 6, điểm e và điểm g khoản 7 Điều 25); (5) bổ sung trách nhiệm của Chính phủ trong việc tổ chức xem xét, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các nội dung thử nghiệm để hoàn thiện pháp luật làm cơ sở cho việc áp dụng chính thức (khoản 10 Điều 25).

Áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước

Về bảo vệ môi trường, UBTVQH đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và bổ sung vào dự thảo Luật quy định về điều chỉnh phân vùng môi trường (khoản 3 Điều 17); chỉ quy định về việc sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon (khoản 8 Điều 34), còn các nội dung khác liên quan đến giao dịch tín chỉ các-bon thì thực hiện thống nhất theo quy định của Chính phủ; bổ sung thẩm quyền của UBND TP trong việc thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND TP (khoản 5 Điều 37).

Các đại biểu Quốc hội chúc mừng Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua sáng 28/6 tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Các đại biểu Quốc hội chúc mừng Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua sáng 28/6 tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Về việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát kỹ và bổ sung các trường hợp áp dụng biện pháp này để khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật về phòng, chống cháy, nổ trên địa bàn TP thời gian qua (điểm c, điểm d khoản 2 Điều 33); bổ sung quy định chuyển tiếp về trách nhiệm bổ sung hợp đồng cung cấp dịch vụ điện, nước đã được giao kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (khoản 8 Điều 54).

Về thẩm quyền về đầu tư, dự thảo Luật đã bổ sung yêu cầu về bảo vệ môi trường trong việc xác định dự án trọng điểm của Thủ đô (khoản 1 Điều 37); không mở rộng thẩm quyền của HĐND TP trong việc quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất để hạn chế tối đa việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất (điểm a khoản 2 Điều 37 dự thảo Luật trình Quốc hội đầu Kỳ họp thứ 7).

Về thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), trên cơ sở nghiên cứu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh lý nội dung này theo hướng quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các nguyên tắc, điều kiện đối với việc thanh toán hợp đồng BT bằng ngân sách Nhà nước hoặc bằng quỹ đất, bảo đảm minh bạch, khả thi; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với yêu cầu thực tiễn (Điều 40).

- Về việc quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng, UBTVQH đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng mở rộng các công trình, hạng mục công trình thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, ngành trung ương đóng trên địa bàn TP cũng được thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Điều 39) và được nhượng quyền khai thác, quản lý (Điều 41).

Để tạo cơ sở cho việc thực hiện chủ trương xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực, dự thảo Luật quy định cho phép đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của TP Hà Nội, đơn vị sự nghiệp công lập có cơ sở trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ) và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị (điểm d khoản 2 Điều 24, khoản 3 Điều 41).

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khác trên địa bàn TP thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Quý bạn đọc có thể theo dõi chi tiết Luật Thủ đô (sửa đổi) tại đây

Nhật Nam

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/luat-thu-do-sua-doi-voi-nhieu-diem-moi-mo-ra-ky-vong-de-ha-noi-phat-trien-manh-me-385918.html