Luật trừng phạt Tòa án Hình sự Quốc tế: Hạ viện Mỹ thông qua, Tổng thống phản đối

Hạ viện Mỹ, do đảng Cộng hòa chiếm đa số, đã thông qua luật áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) sau khi tòa án này xin lệnh bắt giữ các quan chức Israel liên quan đến cuộc chiến ở Gaza. Tuy nhiên, dự luật không nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Biden và do đó khó có thể trở thành luật.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson phát biểu. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson phát biểu. Ảnh: Reuters

Dự luật trừng phạt các quan chức ICC đã được Hạ viện Mỹ thông qua ngày 4.6 với 247 phiếu thuận, 155 phiếu chống.

Theo dự luật được đề xuất, “Tổng thống sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức ICC không muộn hơn 60 ngày sau ngày ban hành đạo luật nếu ICC tham gia vào bất kỳ nỗ lực nào để điều tra, bắt giữ, giam giữ, hoặc truy tố bất kỳ người nào thuộc đối tượng bảo vệ của Mỹ”. Đối tượng được bảo vệ ở đây bao gồm: quân nhân Hoa Kỳ, quan chức Hoa Kỳ và các quan chức, quân nhân của một số quốc gia đồng minh, trong đó có Israel.

Ngoài ra, dự luật cũng cấm nhập cảnh, từ chối cấp thị thực, hủy thị thực vào Mỹ với các quan chức có liên quan đối với các thành viên ICC và các thành viên gia đình trực tiếp của họ và từ chối cấp thị thực hoặc các giấy tờ khác để nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Ngoài ra, dự luật kêu gọi Tổng thống thực hiện tất cả các quyền hạn của mình để ngăn chặn và cấm mọi giao dịch về tất cả tài sản và lợi ích tài sản của bất kỳ cá nhân nào chịu lệnh trừng phạt.

Dự luật cũng làm rõ rằng Mỹ và Israel không phải là các bên tham gia Quy chế Rome hoặc thành viên của ICC, và do đó Tòa án không có tính hợp pháp hoặc quyền tài phán đối với Mỹ hoặc Israel.

Phát biểu sau khi dự luật được thông qua, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson của đảng Cộng hòa nói: "Việc ICC có ý định phát lệnh bắt Thủ tướng Israel, Bộ trưởng Quốc phòng Israel vào thời điểm nước này đang chiến đấu với Hamas vì sự tồn vong của quốc gia là không thể chấp nhận được”.

Trong khi đó, một số đảng viên Dân chủ cảnh báo dự luật trừng phạt có thể ảnh hưởng đến một số đồng minh của Mỹ, những nước đã phê chuẩn Quy chế Rome và chấp nhận quyền tài phán của ICC. "Các đồng minh của Mỹ nếu ủng hộ ICC cũng có thể bị Mỹ trừng phạt. Đó là điều nguy hiểm", Hạ nghị sĩ Gregory Meeks, đảng viên Dân chủ, nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden của đảng Dân chủ đã lên tiếng phản đối dự luật. Dự luật nhiều khả năng cũng sẽ không được chuyển lên Thượng viện để bỏ phiếu và do vậy khó trở thành luật.

Tuy nhiên phiên cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện mang tính biểu tượng, cho thấy sự ủng hộ dành cho Israel ở Quốc hội Mỹ bất chấp những chỉ trích quốc tế đối với chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza. Các dân biểu Mỹ cho rằng, việc thông qua dự luật, dù chỉ là ở Hạ viện cũng gửi thông điệp mạnh mẽ tới thế giới, rằng Washington luôn đứng về phía Israel.

Quỳnh Vũ (Theo The Guardian)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/luat-trung-phat-toa-an-hinh-su-quoc-te-ha-vien-my-thong-qua-tong-thong-phan-doi-i374600/