Luật Viễn thông thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Ngày 22/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành cần thiết sửa đổi luật để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Khẳng định việc sửa đổi, bổ sung Luật Viễn thông nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, ĐBQH Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, thực tế hiện nay rất nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài FDI đang sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu của các DN nước ngoài do nhu cầu xử lý thông tin và dữ liệu diễn ra ở bên ngoài Việt Nam, nhất là các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các công ty tài chính, bảo hiểm nước ngoài hoặc các hoạt động thương mại xuyên biên giới.
“Các DN này sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hoặc trung tâm dữ liệu nước ngoài không thể tiếp tục cung cấp dịch vụ cho họ đáp ứng các yêu cầu trong dự thảo luật, như lập văn phòng đại diện hoặc có hợp đồng thương mại với các DN viễn thông trong nước. Vì vậy, các quy định hạn chế đối với loại hình dịch vụ này cũng có thể khiến môi trường đầu tư tại nước ta kém hấp dẫn và kém cạnh tranh hơn” - ông Bình nói và cho rằng, để tạo điều kiện phát triển lĩnh vực này nên đưa ra các quy định theo hướng thu hút DN nước ngoài đầu tư trung tâm dữ liệu tại Việt Nam và tiếp cận theo hướng quản lý về mặt kỹ thuật, cho phép cung cấp dịch vụ nếu đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật thay cho việc yêu cầu về việc đặt văn phòng đại diện hay có thỏa thuận thương mại với các DN Việt Nam.
Theo ĐBQH Tráng A Dương (đoàn Hà Giang), dự thảo quy định đối tượng áp dụng bao gồm cả tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài. Quy định này khó khả thi, nhất là đối với các pháp nhân không có sự hiện diện tại Việt Nam. Để duy trì một môi trường pháp lý thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài cũng như các nhà cung cấp dịch vụ số, ông Dương kiến nghị cần giới hạn phạm vi áp dụng của luật đối với những cá nhân và tổ chức được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật của Việt Nam.
ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) đề nghị, Ban soạn thảo cần đánh giá kỹ hơn về sự cần thiết của việc sửa đổi dự thảo Luật Viễn thông, phải xuất phát từ thực tiễn của viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Đồng thời bổ sung đầy đủ hơn về đánh giá tác động của các chính sách mới được quy định trong dự thảo luật. Bà Sang lưu ý, phải rà soát phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo luật để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không chồng chéo với các lĩnh vực khác, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
“Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet hay còn gọi là OTT, dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây cũng cần cân nhắc về mức độ quản lý cho phù hợp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo chặt chẽ, khả thi và hạn chế việc tăng chi phí tuân thủ của DN, hạn chế ảnh hưởng đến lợi ích mà các dịch vụ thuộc lĩnh vực mới mang lại và phù hợp với cam kết quốc tế” - bà Sang bày tỏ.
ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khẳng định: Hạ tầng số là thiết yếu, đảm bảo an toàn thông tin mạng là then chốt, ưu tiên đầu tư phát triển nhanh đi trước một bước, việc phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác sẽ tạo nền tảng cho việc phát triển kinh tế số, xã hội số. Từ đó, bà Hằng đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm quy định đối với diện tích đất để xây dựng các công trình viễn thông. Bởi hiện nay các công trình viễn thông tại khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khu vực khó khăn, đa số xây trên đất rừng, đất nông nghiệp, các DN muốn xây dựng công trình phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cần quy định đối với các loại đất để xây dựng công trình viễn thông.
Trong khi đó, ĐBQH Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) kiến nghị, dự thảo luật cần quy định rõ dịch vụ ứng dụng QR Code là một dịch vụ viễn thông cần được quản lý. Bởi ứng dụng QR Code ngày càng trở nên phổ biến và quan trọng đối với tất cả các lĩnh vực, từ quản lý nhà nước, trong kinh tế, trong thương mại cũng như trong tài chính, ngân hàng, đặc biệt là trong chuyển đổi số.
Phát biểu giải trình, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn các ý kiến đóng góp sâu sắc, nhiều chiều, có tính xây dựng cao của đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật.
Bộ trưởng cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát cân đối giữa quy định cứng nguyên tắc của luật và sự linh hoạt ở tầm Nghị định đối với những vấn đề về công nghệ mới, dịch vụ mới có sự thay đổi nhanh chóng, cân đối giữa quản lý và phát triển, giữa phát triển và bền vững, cũng như hài hòa lợi ích của ba nhà: nhà dân, nhà cung cấp dịch vụ và nhà nước; quản lý ở mức tối thiểu nhưng thực thi nghiêm minh; vấn đề giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp và chi phí thực thi pháp luật của nhà nước; vấn đề hội tụ của viễn thông công nghệ thông tin và công nghệ số.
Ngày 24/6 xem xét công tác nhân sự
Ngày 22/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trên cơ sở đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, ý kiến cơ quan thẩm tra, sau khi xem xét kỹ hồ sơ tài liệu, thấy đủ điều kiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung nội dung phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vào chương trình kỳ họp thứ 5, đồng thời điều chỉnh chương trình kỳ họp. Theo đó, bố trí nội dung xem xét công tác nhân sự vào ngày 24/6, trong đó trình và thảo luận tại đoàn vào cuối buổi sáng; bỏ phiếu kín vào đầu giờ chiều, nghe kết quả kiểm phiếu và biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm.