Lực cản trong phân luồng học sinh sau THCS

Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 ban hành theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14-5-2018 đã xác định mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

Thực hiện mục tiêu này, những năm qua, ngành GD-ĐT Đồng Nai nói chung và các địa phương nói riêng đã có nhiều nỗ lực trong việc phân luồng học sinh sau THCS nhằm định hướng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS hướng đi vào các luồng để tiếp tục học tập theo chương trình giáo dục khác nhau hoặc tham gia vào thị trường lao động, tùy thuộc vào năng lực, sở trường, nguyện vọng của bản thân học sinh và điều kiện thực tế, nhu cầu nhân lực của xã hội.

Việc phân luồng cho học sinh sau THCS mấy năm nay gặp thuận lợi do số lượng học sinh tăng cao hàng năm nhưng số lượng trường lớp lại tăng không đáng kể. Do vậy, việc cạnh tranh một vé vào lớp 10 THPT công lập ngày càng khó khăn. Trong khi đó, các trường ngoài công lập ngày càng có điều kiện nâng cao chất lượng đầu vào, loại thẳng những hồ sơ không đạt yêu cầu. Hơn nữa, với mức học phí khá cao ở trường tư, không phải gia đình học sinh nào cũng đủ điều kiện cho con theo học. Lựa chọn học tập ở cơ sở GDNN đang là một hướng đi được nhiều phụ huynh và học sinh lựa chọn.

Tuy nhiên, đúng khi các cơ sở GDNN có cơ hội đẩy mạnh tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo theo định hướng phân luồng sau THCS thì những bất cập của hệ thống giáo dục này bắt đầu thể hiện rõ. Đó là tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị đầu tư chưa tương xứng nên khó mở rộng quy mô lớp học, ngành nghề đào tạo. Bên cạnh đó, thiếu đội ngũ giáo viên cơ hữu cũng khiến cho các cơ sở này bị ảnh hưởng trong hoạt động. Không ít cơ sở GDNN thời gian qua đành từ chối học sinh muốn theo học vì điều kiện về vật chất, nhân lực không thể đáp ứng được nếu xin thêm chỉ tiêu hoặc đào tạo vượt chỉ tiêu.

Để đảm bảo quyền lợi học tập cho thí sinh theo đúng mục tiêu phân luồng học sinh sau THCS, đã đến lúc những “lỗ hổng” trong các cơ sở GDNN phải được lấp đầy. Có như thế, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ học sinh sau THCS của Đồng Nai tham gia học tập tại các cơ sở GDNN đạt 40% mới có thể trở thành hiện thực.

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/thoidam/202308/luc-can-trong-phan-luong-hoc-sinh-sau-thcs-3173664/