'Lực đẩy' Du lịch Tây Bắc bứt phá
Tây Bắc bao gồm các tỉnh: Hòa Bình, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái - có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của cả nước. Đây cũng là vùng di sản với bề dày văn hóa được hình thành, lưu giữ, phát triển lâu đời của đông đảo đồng bào các dân tộc đang sinh sống với những giá trị lịch sử, văn hóa riêng biệt và tiềm năng du lịch to lớn. Tuy nhiên, tại miền đất di sản giàu tài nguyên này, sự đầu tư, phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa, con người có lúc, có nơi chưa xứng tầm. Sự phát triển kinh tế, xã hội, còn nhiều bất cập.
Theo các chuyên gia, ngoài yếu tố khách quan do vị trí địa lý hiểm trở, dân số phân bố không đồng đều, trình độ dân trí một số khu vực còn thấp, thì còn có những nguyên nhân từ sự hạn chế trong quản lý của một số địa phương, nhận thức của cộng đồng trong việc phát huy sức mạnh nội sinh của các dân tộc từ việc giữ gìn bản sắc văn hóa.
Quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước trong chấn hưng, phát triển văn hóa, những năm gần đây, nhiều địa phương đã tập trung các chính sách trong định hướng quy hoạch, hỗ trợ, thu hút đầu tư; kêu gọi người dân cùng nỗ lực chung tay giữ gìn bản sắc dân tộc mình để vươn lên cải tạo cuộc sống, chuyển đổi kinh tế từ thuần nông sang du lịch, dịch vụ để tạo “lực đẩy” cho Tây Bắc bứt phá.
Bài 1: Từ “cửa ngõ Tây Bắc”
Được coi là “cửa ngõ Tây Bắc”, lại tiếp giáp với với Hà Nội - trung tâm du lịch lớn của cả nước, Hòa Bình được ví như “cánh cổng” để dẫn dụ du khách tới thiên đường của vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa và cảnh sắc thần tiên của Tây Bắc Việt Nam. Từ đây, những lợi thế để phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng nhờ vào sự đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc được khơi dậy, trở thành một mảnh ghép trong bức tranh du lịch nhiều sắc màu ở vùng núi phía Bắc.
Nguồn sáng ở “nóc nhà xứ Mường”
Tờ mờ sáng, xóm Chiến, xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc đã xôn xao tiếng rủ nhau đi làm nương. Hé mở cửa sổ tại homestay Thu Bi, cảnh sắc buổi sớm bình yên và trong trẻo. Chẳng trách, không ít du khách tìm đến đây để trải nghiệm cảm giác “sống chậm”. Du lịch cộng đồng mới nhen nhóm tại xóm Chiến, khơi nguồn hy vọng giúp bà con thoát nghèo.
Xã Vân Sơn cách quốc lộ 6 chừng 20km. Con đường vùng cao tuy nhỏ nhưng mới được tu sửa nên cơ bản đi khá thuận lợi. Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc Lê Chí Huyên niềm nở giới thiệu: “Lên xóm Chiến - Vân Sơn, khí hậu như Sa Pa, Đà Lạt, Tam Đảo, một ngày có hẳn 4 mùa”.
Xóm Chiến là một bản Mường nhỏ, cảnh sắc hoang sơ với hơn 70 hộ dân sinh sống. Nơi đây cao hơn mực nước biển 1.000m, rừng bao phủ còn nhiều, tạo nên một hệ sinh thái thiên nhiên khác biệt. Chiều cuối hè mà thời tiết se lạnh, khác hoàn toàn cái nắng nóng ở trung tâm huyện Tân Lạc.
Theo cán bộ văn hóa huyện Tân Lạc, xóm Chiến là một trong những bản hiếm hoi còn giữ được nguyên vẹn những nếp nhà sàn của người Mường, được chọn làm thí điểm mô hình du lịch cộng đồng dựa vào việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Tại xóm Chiến hiện có 3 gia đình làm homestay, đó là: Hải Thạn, Thu Bi, Xuân Trường.
Anh Hà Văn Bi, sinh năm 1986, là người nhanh nhẹn, hợp thời. Năm 2019, khi tổ chức AOP (tổ chức phi Chính phủ của Australia) hỗ trợ triển khai dự án cải thiện sinh kế bền vững thông qua phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Tân Lạc và lựa chọn xóm Chiến để xây dựng điểm du lịch cộng đồng, anh Bi tiên phong làm du lịch. Anh dùng toàn bộ số tiền gom góp bấy lâu, vay thêm được 150 triệu đồng để cải tạo ngôi nhà sàn đang ở làm nơi đủ điều kiện đón khách.
“Nhà sàn của chúng tôi đã cũ, nhiều chỗ bị dột. Tôi gia cố lại ngôi nhà, xây thêm khu vệ sinh, sơn lại cửa. Tổ chức AOP hỗ trợ chúng tôi rèm, đệm và đào tạo cách làm dịch vụ, nấu ăn phục vụ khách”, anh Bi kể.
Thời gian đầu chưa có khách, anh Bi và cả gia đình rất hoang mang. May mắn, vài tháng sau, một vị khách phương Tây trên hành trình đi phượt đã ghé đến xóm Chiến, ngủ lại homestay Thu Bi một đêm. Cả bản đón vị khách nước ngoài đầu tiên, vừa mừng vừa lo. “Chúng tôi chưa bao giờ đón khách, bỗng đón một người Pháp, ai nấy đều lúng túng và lo lắng. Tôi dùng Google dịch và mọi cử chỉ để nói chuyện với vị khách. Ông ấy cũng hiểu và rất thoải mái với cách đón tiếp. Thật may, công nghệ hỗ trợ khiến chúng tôi tự tin hơn”, anh Bi chia sẻ.
Sau chuyến ghé thăm tình cờ của vị khách nước ngoài, thông tin về bản du lịch cộng đồng xóm Chiến lan dần trên mạng xã hội. Những người Mường ở bản Chiến bắt đầu có sự chuyển biến về tư duy làm du lịch. Họ bắt đầu làm quen với công nghệ, tác phong làm dịch vụ đón khách. Một vài hộ gia đình như Xuân Trường, Hải Thạn chuyển đổi từ làm nông sang làm dịch vụ. Sau bỡ ngỡ ban đầu, đến giờ, các chủ cơ sở homestay đã biết lập trang fanpage Facebook để quảng bá điểm du lịch và địa chỉ lưu trú.
Thành công của bản Chiến có sự đóng góp rất lớn của chính quyền, từ “cầm tay chỉ việc” trở đi. Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Tân Lạc Bùi Minh Hồng chia sẻ, khi lựa chọn xóm Chiến làm nơi thực hiện mô hình thí điểm du lịch cộng đồng, chị và các cán bộ xã Tân Lạc thường xuyên đến bản để họp bàn với người dân. Hơn 30km đường núi từ huyện đến xã trở thành con đường quen thuộc. Hôm có việc gấp, bất chấp tối muộn, chị Hồng vẫn một thân một mình phi xe lên bản.
“Du lịch cộng đồng là người dân phải cùng chung tay và hưởng lợi. Chúng tôi đang xây dựng mô hình cộng đồng dịch vụ, sẽ có những gia đình chuyên về lưu trú, có gia đình chuyên cung cấp thực phẩm hay dịch vụ trải nghiệm... Lợi ích được chia sẻ thì người dân mới đồng lòng”, chị Bùi Minh Hồng nói.
Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, bản du lịch cộng đồng xóm Chiến tuy vẫn còn ở hình thái sơ khai, nhiều dịch vụ còn thiếu, không gian cảnh quan còn cần được bổ sung, hoàn thiện để hấp dẫn hơn nhưng xóm Chiến đã được định vị, có tên trên bản đồ du lịch của Hòa Bình.
Người Mường ở bản tin rằng, làm du lịch cộng đồng là cách thức để họ thoát nghèo khó, có cuộc sống bền vững hơn.
Bà Đinh Thị Đằng hơn 70 tuổi chia sẻ, cả đời vốn chỉ quen dắt trâu đi cày ruộng, làm nương, vô cùng vất vả. Từ ngày cả bản được chỉ cách làm du lịch, gia đình bà đã đỡ khổ hơn.
Khách du lịch đến khiến bản vui hơn. Mọi người học hát, múa, biểu diễn nghệ thuật đón khách. Ban ngày vẫn làm nương nhưng tối đến đã trở thành nghệ sĩ. Người dân đã có tiền từ việc phục vụ khách”, bà Đằng tâm tình với ánh mắt rạng ngời hạnh phúc.
“Tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14-10-2021, của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025” xác định: Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu và gắn với phát triển du lịch là 1 trong 10 dự án trọng điểm. Điều đó cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đất nước.
Thoát nghèo nhờ chuyển đổi tư duy
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 6 dân tộc chính cùng sinh sống, đông nhất là người Mường, chiếm 63,3%. Tỉnh Hòa Bình được coi là cái nôi của người Mường cổ với bốn Mường “Bi, Vang, Thàng, Động” và nền “văn hóa Hòa Bình”. Nhiều giá trị nghệ thuật, văn hóa của người Mường như dân ca, nghệ thuật chiêng, mo, sử thi Đẻ đất - Đẻ nước... vẫn lưu giữ và được đánh giá cao trong nền văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đó là điều kiện để Hòa Bình có thể tạo nên nét riêng trong phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình Bùi Xuân Trường cho biết, nhiều bản du lịch cộng đồng của người Mường đang trở thành điểm đến mới thu hút du khách, điển hình như: Xóm Chiến (Vân Sơn, Tân Lạc) rất độc đáo với địa hình trên núi, có khí hậu mát mẻ; khu vực hồ Hòa Bình có các bản du lịch cộng đồng xóm Ké, điểm du lịch Đá Bia của người Mường Ao Tả (huyện Đà Bắc), xóm Ngòi Hoa (huyện Tân Lạc), xóm Tiện, bản Giang Mỗ (huyện Cao Phong)...
Du lịch và dịch vụ đang mang lại cho người Mường tại các bản du lịch một cuộc sống mới. Nhiều hộ dân thoát nghèo, thậm chí đã có được một cuộc sống khấm khá nhờ việc đón khách du lịch. Tư duy, tác phong lao động của người Mường ở nhiều bản làng đã đổi khác. Họ chủ động cập nhật thông tin, quảng bá điểm đến, giới thiệu nét hóa dân tộc mình tới du khách.
Bản Ngòi (xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc) nhiều năm gần đây là điểm du lịch hút khách quốc tế. Cuộc sống của các hộ dân người Mường hoàn toàn đổi khác kể từ khi cả bản cùng nhau làm du lịch. Năm 2016, UBND tỉnh Hòa Bình đã công nhận bản Ngòi là Điểm du lịch văn hóa cộng đồng dân tộc Mường. Trước kia, 100% đồng bào dân tộc Mường tại đây lấy sinh kế là làm nương, đánh bắt thủy sản trên hồ Hòa Bình. Hiện bản có 7 hộ gia đình làm du lịch cộng đồng, đón khách.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Suối Hoa Bùi Văn Mùi chia sẻ, thành công trong việc làm du lịch tại bản Ngòi là sự tham gia nhiệt tình của người dân. Các hộ dân ở đây vẫn còn giữ được nếp nhà sàn truyền thống cùng nhiều nét sinh hoạt xưa như đánh bắt thủy sản trên hồ, làm nương. “Đời sống của bà con trước đây gặp nhiều khó khăn, từ khi có một số hộ tiên phong chuyển sang làm du lịch cộng đồng, diện mạo ở bản từng bước thay đổi, số hộ nghèo giảm xuống còn 27,7%. Du lịch bản Ngòi được định hướng phát triển gắn với việc bảo tồn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái”, ông Bùi Văn Mùi cho biết.
Nói về những đổi mới của địa phương kể từ khi định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc Lê Chí Huyên bày tỏ, thành công trong các chiến lược phát triển của huyện là bước đầu đã làm thay đổi được tư duy, cách làm dịch vụ của bà con các dân tộc thiểu số. Sự thay đổi ở những bản dân tộc Mường đang tạo nên một sinh khí mới cho địa phương trong phát triển kinh tế, nơi trước kia là là vùng đất cổ Mường Bi, cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng.