Lực đẩy làng nghề truyền thống phát triển bền vững (đã đăng)

Ra đời từ chính nhu cầu thực tế, các nghề, làng nghề truyền thống đã đồng hành với người dân nhiều địa phương đi qua bao thăng trầm. Trong bối cảnh mới của xã hội, không ít làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một, hoặc biến mất hoàn toàn. Vì thế, để các nghề, làng nghề truyền thống phát triển bền vững sẽ là một câu chuyện dài, nếu không có sự tiếp sức kịp thời từ các đơn vị liên quan.

Đã bao đời, người dân xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) vẫn giữ nghề đan lát truyền thống, nhưng sản phẩm làm ra chỉ là cái quạt, cái nong, cái nia, cái rá, cái rổ phục vụ cuộc sống hàng ngày. Bước vào thời kỳ hội nhập, đồ nhựa lên ngôi, những sản phẩm làm từ tre, nứa, guột… dần bị thay thế, việc đan lát trong lúc nông nhàn cũng được thay thế bằng việc người lao động đi làm việc tại các nhà máy, công ty. Trước nỗi lo mất nghề truyền thống, tháng 5 - 2018, Tổ hợp tác mây tre đan xã Hùng Mỹ thành lập, mục tiêu là giữ nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Lúc mới thành lập, tổ hợp tác chỉ có 12 thành viên, sau hơn 1 năm hoạt động, số thành viên đã tăng lên 29 người, cộng với hơn 40 lao động làm việc liên tục tại xưởng. Bà Nguyễn Thị Hoan, Tổ trưởng tổ hợp tác chia sẻ, lao động làm việc trong tổ hợp tác tất cả đều là phụ nữ dân tộc thiểu số, họ đều được cha mẹ dạy cách đan lát từ những năm lên 9, 10 tuổi. May mắn của Tổ hợp tác mây tre đan Hùng Mỹ là có sự đồng hành của chính quyền địa phương. Từ trước khi thành lập, lãnh đạo xã Hùng Mỹ đã làm việc với một số cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ tại Chương Mỹ (Hà Nội) để đặt vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tìm nghệ nhân đến tận xã để mở lớp dạy nghề cho các thành viên. Hiện nay, Tổ hợp tác mây tre đan Hùng Mỹ cung cấp cho các cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ ở Chương Mỹ nhiều sản phẩm, như làn mây, làn bằng guột, hộp đựng trang sức, mỹ phẩm và nhiều sản phẩm được đặt hàng riêng như ấm ủ, cốc mây…

Tổ hợp tác mây tre đan Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Tổ hợp tác mây tre đan Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Trên thực tế, số lượng các làng nghề được công nhận trên địa bàn tỉnh vẫn còn ít so với số lượng các nghề truyền thống đang tồn tại. Toàn tỉnh hiện mới có 6 làng nghề được công nhận. Bao gồm các làng nghề chè tại thôn Đồng Hoan, xã Tú Thịnh; thôn Liên Phương, xã Phúc Ứng; thôn Yên Thượng, xã Trung Yên; thôn Cảy, xã Minh Thanh; thôn Đồng Đài, xã Hợp Thành và thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương). Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, số lượng các làng nghề còn ít, một phần do tại nhiều làng nghề, việc lưu giữ, làm nghề chủ yếu vẫn là các hộ gia đình, cá nhân mà chưa có sự tham gia của các hợp tác xã, tổ hợp tác; một phần do nhiều địa phương chưa chú trọng, quan tâm đến việc rà soát, làm các thủ tục công nhận các làng nghề.

Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh hiện có 16 nghề, làng nghề truyền thống cần bảo tồn lâu dài. Ngoài 6 làng nghề chè đã được công nhận, là các làng nghề trồng bông dệt vải tại xã Lăng Can; nghề nấu rượu thóc, men lá tại xã Lăng Can, Bình An; nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ tại xã Hồng Quang; nghề làm bún cổ truyền tại các xã Thượng Lâm, Phúc Yên, Bình An (Lâm Bình) và nghề chế biến rượu ngô men lá tại xã Sơn Phú (Na Hang). Ngoài ra, 3 nghề truyền thống chưa được công nhận là nghề sản xuất bánh gai, nghề đan cót xuất khẩu và nấu rượu chuối thủ công tại các xã Trung Hà, Kim Bình, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa). 3 nghề này hiện đang được huyện phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá các điều kiện để trình UBND tỉnh công nhận làng nghề.

Hỗ trợ các làng nghề, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 29/2009/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn… Tuy nhiên, trên thực tế, theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, số lượng các hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân được vay vốn từ các chương trình này rất hạn chế, chưa kể nhiều chương trình không giải ngân được do khâu xét duyệt còn nhiều thủ tục. Bên cạnh đó, năng lực quản lý và tổ chức của các cơ sở ngành nghề nông thôn còn nhiều hạn chế, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị còn yếu, thị trường đầu ra chưa ổn định dẫn đến sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa bền vững…

Giải pháp của ngành Nông nghiệp tỉnh hiện nay là quy hoạch, định hướng phát triển ngành nghề truyền thống nông thôn, làng nghề gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Từ đó phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Từ nguồn kinh phí này, đã có 3 làng nghề gồm làng nghề chè thôn Cảy, xã Minh Thanh; làng nghề chè thôn Đồng Đài, xã Hợp Thành và làng nghề chè thôn Liên Phương, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) được hỗ trợ 1,38 tỷ đồng. Mỗi làng nghề được hỗ trợ 460 triệu đồng. Nguồn kinh phí này được hỗ trợ đổi mới công nghệ, kỹ thuật sản xuất, phát triển mở rộng quy mô làng nghề và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Để phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn. Ngành Nông nghiệp tỉnh hiện đang rà soát lại các nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, để từ đó có kế hoạch lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ, phát triển theo hướng xây dựng nông thôn mới và kết nối cộng đồng làng nghề, bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch và hội nhập quốc tế.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/xuc-tien-dau-tu/luc-day-lang-nghe-truyen-thong-phat-trien-ben-vung-122698.html