Lục địa vẫn đang chia tách và hình thành đại dương mới
Theo các nhà khoa học, hàng triệu năm nữa, khu vực Bắc Phi có thể sẽ là nơi hình thành một đại dương mới khi các mảng kiến tạo 'xa rời' nhau dọc theo Đới tách giãn Đông Phi.

Em nhỏ lấy nước trên sông Shabelle ở thành phố Gode, Ethiopia. Ảnh tư liệu: AFP/ TTXVN
Tờ USA Today (Mỹ) đưa tin, các chuyên gia từ lâu đã biết rằng một số nơi của châu Phi đang tách ra tới 7,62 mm mỗi năm. Bằng chứng về núi lửa và địa chất tại Ethiopia cũng như những nơi khác ở châu Phi cho thấy một ngày nào đó, các đại dương hiện tại có thể tràn vào vết nứt đang phát triển, và chia tách một phần nhỏ của lục địa khỏi phần lớn châu Phi.
Vậy điều gì đang diễn ra ở khu vực Bắc Phi khiến một đại dương mới có thể hình thành?
Các nhà khoa học không chắc chắn 100% rằng một đại dương mới sẽ hình thành, nhưng họ cho biết tác động địa chất của các mảng kiến tạo đang tách ra là dấu hiệu điều đó có khả năng xảy ra. Một quá trình tương tự đã tạo ra bán đảo Saudi Arabia gần đó.
Các nhà khoa học sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và bản đồ vệ tinh để theo dõi cách các mảng kiến tạo đang tách ra bên dưới châu Phi, cụ thể là ở khu vực vùng trũng Afar, bao gồm miền Bắc Ethiopia, Djibouti và Eritrea.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) nhận định rằng nếu quá trình tách giãn tiếp tục diễn ra, ba mảng kiến tạo giao nhau ở rìa lục địa châu Phi hiện nay sẽ tách rời hoàn toàn, khiến nước biển Ấn Độ Dương tràn vào khu vực này và biến phần cực Đông của châu Phi (vùng Sừng châu Phi) thành hòn đảo lớn.
Các mảng kiến tạo trong khu vực này đang bị đẩy ra xa nhau một phần do magma dâng lên từ sâu dưới lòng đất. Theo một số nghiên cứu, các yếu tố khác cũng có tác động bao gồm lượng nước bên dưới khu vực này.
Các ước tính cho rằng thời điểm có thể hình thành đại dương mới sẽ vào khoảng từ 1 đến 20 triệu năm nữa. Đây là tốc độ khá nhanh trên thang địa chất.
Lần gần đây nhất chúng ta ghi nhận một đại dương mới là vào năm 2021. Các nhà khoa học của Hội Địa lý Quốc gia Mỹ chính thức công nhận Nam Đại Dương bao quanh Nam Cực là vùng biển riêng biệt. Các nhà khoa học Mỹ từng coi đây là một đại dương riêng biệt trong nhiều thập niên, nhưng phải đến khi Hội Địa lý Quốc gia có động thái chính thức vào năm 2021 thì Nam Đại Dương mới được chấp nhận rộng rãi hơn.
Sự công nhận đó đã đưa Nam Đại Dương lên ngang hàng với Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương. Các chuyên gia cho biết Nam Đại Dương được hình thành cách đây khoảng 30 triệu năm khi các khối đất liền của Nam Cực và Nam Mỹ tách ra, tạo ra Eo biển Drake.