Lực lượng CAND tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong kỷ nguyên mới

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, lực lượng CAND đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh để phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Những năm gần đây, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí gắn với xây dựng chỉnh đốn Đảng đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, ngày càng tạo động lực mạnh mẽ cho công cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”.

Hiện nay, trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, tạo thế và lực vững chắc đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình thì công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngày càng đặt ra cấp bách, khẩn trương. Với vai trò là lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, lực lượng CAND đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh để phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ phải thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí.

Nếu để xảy ra tham nhũng, lãng phí sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, ảnh hưởng đến tiền đồ tươi sáng của cách mạng: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ. Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”. Trong tư tưởng của Người: “chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng. Cách mạng là tiêu diệt những cái gì xấu, xây dựng những cái gì tốt”.

Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy những thành tựu của đất nước qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, trên cơ sở nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”; Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Chỉ thị 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, với vai trò nòng cốt trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về tham nhũng, tiêu cực lãng phí.

Các cơ quan điều tra trong CAND đã chủ động nhận diện nhiều vấn đề nóng, phức tạp dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, quyết liệt áp dụng nhiều biện pháp đấu tranh, điều tra, thu thập chứng cứ hành vi phạm tội, kết luận điều tra đề nghị truy tố, xét xử theo đúng pháp luật.

Điển hình như các vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn (thu hồi hơn 300 tỷ đồng, gần 2 triệu USD, hơn 1.400 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hơn 500 cây vàng SJC), vụ Xuyên Việt Oil (đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa trên 1.100 tỷ đồng, gần 700.000 USD và nhiều tài sản giá trị khác)...

Ngoài ra, Công an một số đơn vị địa phương bước đầu nhận diện, đấu tranh với các hành vi gây thất thoát, lãng phí nguồn lực Nhà nước và nhân dân trên một số lĩnh vực như đầu tư dự án, quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản (Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố Giám đốc Công ty Cổ phần Thiên Nam về tội vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên; Công an tỉnh Nghệ An khởi tố làm rõ sai phạm trong quá trình đầu tư Dự án hồ chứa nước Bản Mồng do bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước)…

Có thể khẳng định, kết quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của lực lượng CAND thời gian qua là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Dù việc phát hiện, khởi tố, điều tra số lượng các vụ việc đã tăng lên đáng kể nhưng vẫn còn một số vụ án tham nhũng, đặc biệt là một số vụ án lớn, phức tạp còn chậm so với mục tiêu, yêu cầu đề ra. Chất lượng điều tra một số vụ liên quan đến lãng phí, tiêu cực còn hạn chế; tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung vẫn còn; số lượng án tồn đọng chưa được khắc phục triệt để.

Để góp phần ngăn chặn, tiếp tục đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong thời gian tới, góp phần xây dựng, phát triển đất nước, hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với vai trò là lực lượng chủ công, nòng cốt, xung kích đi đầu trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, lực lượng CAND nêu cao quyết tâm chính trị, đẩy mạnh toàn diện trên tất cả các mặt công tác, trong đó tập trung làm tốt một số nội dung sau đây:

Một là, nâng cao chất lượng công tác tham mưu trong xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội cũng như các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó tiếp tục góp ý, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tố cáo…; đề xuất những giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hiệu quả, phù hợp với điều kiện mới, loại bỏ những giải pháp còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; hình thành hệ thống các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, sự liêm chính công vụ.

Hai là, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát hiện, điều tra, xử lý hành vi tham nhũng, lãng phí trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của CAND. Cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp tổ chức kiểm điểm, đánh giá thực trạng tình hình và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua tại đơn vị, địa phương mình; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị để kịp thời phát hiện, giải quyết, ngăn chặn sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Đặc biệt, trong công tác truy tố, xét xử, cần tiến hành nhanh chóng, công khai. Tập trung đấu tranh ở các lĩnh vực trọng điểm, như tài chính, ngân hàng, xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên... Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý “tham nhũng vặt”, trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức.

Ba là, cấp ủy lãnh đạo các cấp trong toàn lực lượng CAND thường xuyên tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Cùng với đó, đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, luôn nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người Công an cách mạng, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, danh lợi; làm cho bản chất cách mạng, hình ảnh người chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân ngày càng tỏa sáng, được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”.

Thực hiện nghiêm những chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, các bài viết, bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với sắp xếp, tinh gọn bộ máy; tăng cường kiểm soát quyền lực, cải cách hành chính, chuyển đổi số, minh bạch, kiểm soát thu nhập, hoàn thiện cơ chế để nhân dân giám sát hiệu quả…

Bốn là, công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển cán bộ cần được tiến hành một cách khách quan và thận trọng, bảo đảm nguyên tắc tập trung và dân chủ, sắp xếp, bố trí đúng người, đúng việc. Đồng thời, phải tiếp tục nghiên cứu, cải cách chính sách tiền lương, có chế độ ưu đãi gắn liền với nâng cao trách nhiệm đối với cán bộ, chiến sĩ Công an. Thực hiện từng bước tăng lương theo đề án cải cách tiền lương; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để cán bộ không cần, không muốn, không thể tham nhũng, tiêu cực.

Điều cốt yếu để CAND hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là gắn bó mật thiết với nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để chiến đấu, công tác; thông qua việc tố giác hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí từ phía nhân dân, lực lượng Công an tiếp tục triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.

PGS,TS Bùi Thị Tỉnh(Học viện Chính trị CAND)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/luc-luong-cand-tang-cuong-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-lang-phi-trong-ky-nguyen-moi-i756776/