Lực lượng Cảnh sát nhân dân Công an tỉnh Bình Dương không ngừng phát huy truyền thống
Trưởng thành trong gian khó
Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh hợp nhất các Sở Cảnh sát, Liêm phóng thành Việt Nam Công an vụ. Lực lượng cảnh sát cùng với các lực lượng vũ trang bảo vệ an toàn chính quyền cách mạng và cùng toàn dân kháng chiến chống Pháp. Trải qua 9 năm kháng chiến đầy hy sinh gian khổ, lực lượng CSND đã lập nhiều thành tích, chiến công, bảo vệ vững chắc trật tự trị an vùng căn cứ, vùng tự do, chiến đấu diệt địch, phá tề, truy quét tội phạm, bài trừ lưu manh, quản lý nhân hộ khẩu… góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và nhân dân thực hiện cuộc kháng chiến chống Pháp đến ngày thắng lợi.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an cùng đoàn công tác Bộ Công an và lãnh đạo tỉnh đến thăm và chỉ đạo công tác tại Công an tỉnh Bình Dương. Ảnh: PX03
Thực hiện Hiệp định Giơnevơ, nước ta bị chia cắt làm 2 miền, lực lượng CSND đã đẩy mạnh các biện pháp quản lý hành chính trị an, đấu tranh chống bọn phản cách mạng và bọn phạm tội hình sự, giữ vững công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, thực hiện cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Năm 1956, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Nghị định số 892/TTg về việc thành lập Cục CSND thuộc Bộ Công an. Ngày 20-7-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của CSND và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan CSND của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Pháp lệnh xác định: “Lực lượng CSND Việt Nam là lực lượng vũ trang thuộc Bộ Công an, thừa hành pháp luật Nhà nước, đấu tranh chống bọn phản cách mạng và những kẻ phạm tội khác, giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ tài sản công cộng, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân…”. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ cấp bậc đối với sĩ quan, hạ sĩ quan CSND thể hiện sự quan tâm, tin tưởng của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng CSND. Đây là sự kiện quan trọng, là mốc son đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng CAND nói chung.
Với ý nghĩa lớn lao trên, Bộ Công an đã quyết định lấy ngày 20-7 là ngày truyền thống của lực lượng CSND; hàng năm tổ chức kỷ niệm, nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của lực lượng cảnh sát; đồng thời động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ biết giữ gìn, phát huy truyền thống, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Không ngừng rèn luyện, phấn đấu
Lực lượng CSND Công an tỉnh Bình Dương là một bộ phận của lực lượng Công an Bình Dương cũng ra đời từ những ngày đầu giành được chính quyền tháng 8-1945. Trong suốt chặng đường chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, lực lượng Công an Bình Dương luôn được sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng, lãnh đạo bộ, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Qua các thời kỳ luôn quán triệt quan điểm lấy dân làm gốc, dựa vào dân để hoạt động, dù trong chiến tranh hay thời bình, luôn được nhân dân hết lòng tin yêu, giúp đỡ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, với các tổ chức tiền thân như Trại giáo hóa, Ban điều tra, Ban trừ gian, Công an xung phong, Quốc vệ đội ở cấp tỉnh; ở cấp huyện có Ban Cảnh sát trật tự đã cùng với các lực lượng khác của cách mạng sẵn sàng vượt qua khó khăn gian khổ, chiến đấu trừ gian, diệt ác, trấn áp bọn phản cách mạng, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tuyệt đối an toàn cán bộ lãnh đạo và vùng căn cứ kháng chiến, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân...
Lãnh đạo Công an tỉnh cùng cán bộ, chiến sĩ chụp hình lưu niệm tại Đài tưởng niệm Khu di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam tại tỉnh Tây Ninh
Rõ nét nhất là hoạt động của lực lượng Quốc vệ đội 1 và 2, tham gia tổ chức phát động các phong trào “Bảo vệ trị an”, “Bảo mật phòng gian”, phong trào “Ba không”, “Ba phòng”... góp phần phục vụ chiến dịch Lê Hồng Phong năm 1948 giành thắng lợi. Nhiều tên ác ôn khét tiếng phải đền tội trong thời kỳ này; vùng căn cứ, vùng giải phóng được xây dựng và ngày càng mở rộng, góp phần cùng toàn quân, toàn dân, đánh thắng thực dân Pháp xâm lược.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trước tình hình khó khăn chung của cách mạng miền Nam, được sự lãnh đạo của Xứ ủy - Trung ương Cục miền Nam, Tỉnh ủy Bình Dương quyết định thành lập Ban An ninh tỉnh, lúc đầu chỉ có vài đồng chí làm nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ an ninh trật tự vùng căn cứ (thời kỳ 1961-1962) sau đó hình thành lực lượng An ninh vũ trang, Chấp pháp, Trại giam, Cảnh vệ, Khoa học hình sự, Trinh sát hình sự (giai đoạn 1972-1973) để phục vụ công cuộc kháng chiến...
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy cam go, ác liệt, hoạt động trước nanh vuốt của kẻ thù, trong lửa và máu của các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, lực lượng Công an tỉnh đã dũng cảm, mưu trí len lõi vào vùng địch, diệt hàng trăm tên ác ôn nguy hiểm, làm cho địch hoang mang, dao động; đã kề vai sát cánh cùng với quân đội và các lực lượng cách mạng lập nhiều thành tích xuất sắc trong diệt ác, phá kiềm, bảo vệ an toàn hệ thống giao liên, hành lang căn cứ, đẩy lùi những đợt càng quét quy mô lớn của kẻ thù vào các vùng căn cứ, mở đường máu đưa cán bộ lãnh đạo vượt vòng vây về đến vị trí tập kết an toàn; bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân ở vùng giải phóng. Thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất đất nước đã có phần đóng góp xứng đáng của nhiều thế hệ Công an Bình Dương, trong đó có lực lượng CSND - những chiến sĩ sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc.
Khi nước nhà được thống nhất, nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự càng phức tạp và nặng nề. Ngay những năm đầu sau giải phóng, được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, của các cấp ủy Đảng và chính quyền, lực lượng Cảnh sát Công an Sông Bé (nay là Bình Dương và Bình Phước) đã từng bước được củng cố và trưởng thành. Nhiều đơn vị nghiệp vụ, như: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát Quản lý hành chánh - trị an, Cảnh sát hình sự, Chấp pháp, Trại giam, Cảnh sát khu vực… được thành lập, phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang, chính quyền cơ sở và đoàn thể quần chúng giải tỏa các nguy cơ, tổ chức cho các đối tượng trình diện, học tập cải tạo, đồng thời trấn áp các tổ chức, cụm, toán vũ trang phản cách mạng, mau chóng ổn định trật tự an toàn xã hội, bảo vệ bà con về quê cũ làm ăn. Ở thời kỳ này, lực lượng cảnh sát tuy mới hình thành và củng cố lại nhưng đã lập nhiều chiến công hiển hách. Qua 10 năm đổi mới 1986-1996, lực lượng Cảnh sát Công an Sông Bé đã điều tra khám phá hàng trăm băng ổ nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm.
Từ khi tái lập tỉnh Bình Dương năm 1997 đến nay, trên tinh thần phát huy truyền thống, đoàn kết, năng động, lực lượng CSND Công an tỉnh tiếp tục được kiện toàn, phát triển mô hình tổ chức theo các chủ trương của Đảng, Nhà nước và ngành công an, nhất là hệ thống các văn bản trong chính sách hình sự mới vừa ra đời, nhằm bảo đảm cho lực lượng công an hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Quá trình công tác, chiến đấu chúng ta tự hào nhận thấy: Cùng với cả nước, lực lượng CSND Công an tỉnh đã hun đúc nên bản chất cao đẹp và truyền thống anh hùng. Đó là truyền thống: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; đoàn kết thống nhất, kỷ luật nghiêm minh; bản lĩnh, văn hóa, nhân văn; mưu trí, dũng cảm, sắc bén về nghiệp vụ, chắc chắn về pháp luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, phối hợp chặt chẽ với Quân đội nhân dân, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác hiệu quả; tận tâm cống hiến, tận tụy phục vụ, sẵn sàng hy sinh vì an ninh Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân…