Lực lượng công an triển khai đồng bộ các phương án ứng phó với bão số 5

Cùng với người dân thành phố, lực lượng CATP Đà Nẵng đang tăng cường phối hợp với các lực lượng khác và chính quyền địa phương khẩn trương triển khai đồng bộ các phương án ứng phó phòng tránh bão.

Cùng với người dân thành phố, lực lượng CATP Đà Nẵng đang tăng cường phối hợp với các lực lượng khác và chính quyền địa phương khẩn trương triển khai đồng bộ các phương án ứng phó phòng tránh bão.

CAP Thọ Quang hỗ trợ ngư dân kéo tàu thuyền lên bờ.

CAP Thọ Quang hỗ trợ ngư dân kéo tàu thuyền lên bờ.

Kích hoạt các phương án ứng phó bão

Trước tình hình bão số 5 diễn biến phức tạp, CATP Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp khẩn để triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 5. Cuộc họp được thực hiện theo hình thức trực tuyến kết nối với Công an 7 quận, huyện và các đơn vị nghiệp vụ khác. Tại cuộc họp, lãnh đạo CATP yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương kích hoạt các phương án phòng, chống bão, tổ chức trực chiến, sẵn sàng ứng phó với các tình huống cũng như tham gia giúp đỡ nhân dân.

Theo đó, Đại tá Lê Ngọc Hai, Phó Giám đốc CATP đề nghị Công an các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên tiếp nhận chỉ đạo để chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền về bão, mưa lớn, không cho tàu thuyền ra khơi; hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu, tránh trú bão an toàn tại khu vực tránh bão Âu thuyền Cảng cá Thọ Quang, vịnh Mân Quang...

Ngoài ra, các lực lượng cũng rà soát, có phương án phân công, bố trí lực lượng, phương tiện cảnh báo, kiểm soát, điều hòa, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nguy hiểm, bị ngập úng, đường ngập nước, đò ngang, đò dọc, các tuyến đường sắt... sẵn sàng lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả do mưa, bão, lũ gây ra và bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm tại khu vực nhân dân sơ tán; khu vực xảy ra thiên tai. "Đội ứng cứu sập đổ công trình của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã được huấn luyện nghiệp vụ chuyên ngành cũng sẵn sàng phương tiện để xử lý tai nạn, sự cố sập đổ công trình, cây cối… ngay sau khi bão đi qua", Đại tá Lê Ngọc Hai yêu cầu.

Đối với các địa phương, Đại tá Lê Ngọc Hai cũng yêu cầu chủ động tham mưu chính quyền địa phương rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.

Đồng chủ trì cuộc họp, Đại tá Trần Phòng, Phó Giám đốc CATP yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát, kiểm tra, bảo dưỡng, phát huy hiệu quả các phương tiện, trang thiết bị hiện có và đề xuất trang cấp, bổ sung để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

* Quảng Nam - Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng- Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam, CA các đơn vị, địa phương quán triệt phương châm "4 tại chỗ"; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, kịp thời triển khai ứng phó khi có yêu cầu. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về bảo đảm an toàn cho nhân dân. Trong sáng 17-9, CBCS Phòng CSGT đường thủy CA tỉnh Quảng Nam đã hướng dẫn, giúp đỡ ngư dân sắp xếp phương tiện, neo đậu tại âu thuyền Hồng Triều (H. Duy Xuyên) để tránh bão đồng thời huy động lực lượng, phương tiện chuẩn bị sẵn sàng ứng phó, cứu nạn, cứu hộ khi cần thiết.

* TT-Huế - Ngày 17-9, CA tỉnh TT- Huế chỉ đạo CA các huyện, thị xã thuộc vùng xung yếu, ven biển như Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà tổ chức trực ban 24/24 giờ; thực hiện phương án "4 tại chỗ", chuẩn bị phương tiện và lực lượng cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng di dời dân ở vùng bị ảnh hưởng đến nơi tránh trú an toàn. Ngoài ra, sẽ thực hiện phương án điều hòa giao thông tại các điểm giao thông đường bộ, đường sắt xung yếu trên địa bàn tỉnh có thể bị ách tắc do mưa lũ gây ra.

* Quảng Trị- Đại tá Lê Phương Nam-Phó Giám đốc CA tỉnh Quảng Trị cho hay, CA tỉnh đã ra công điện khẩn yêu cầu toàn lực lượng, CA các đơn vị địa phương trong tỉnh khẩn trương, tích cực thực hiện các phương án ứng phó với bão số 5 và mưa lũ, sạt lở đất trên toàn địa bàn. Đặc biệt ưu tiên việc bố trí lực lượng ứng trực, sẵn sàng di dời dân đến nơi an toàn; đảm bảo ANTT tại những nơi sơ tán dân. Tại huyện miền núi Đakrông, CAH tổ chức, huy động lực lượng 12 tổ công tác với mỗi tổ từ 4 đến 6 CBCS tăng cường về cơ sở, phối hợp với CAX những vùng dễ xảy ra ngập lụt, sạt lở triền núi để giúp địa phương ứng phó với bão số 5. Đến thời điểm hiện tại, lực lượng đã giúp dân chằng chống trên 900 căn nhà.

* Quảng Ngãi- CAH Lý Sơn phối hợp với BQL cảng Lý Sơn trong sáng 17-9 đã cảnh báo và bố trí đưa khoảng 300 du khách rời đảo Lý Sơn, đồng thời cũng bố trí hai chuyến tàu đưa khoảng 150 hành khách từ đất liền về lại Lý Sơn.

Đưa tàu thuyền đến nơi an toàn

Tại khu vực vịnh Mân Quang, Sơn Trà, nơi neo đậu thúng máy, ghe nang đánh bắt cá gần bờ của ngư dân, ngay từ sáng sớm, các CBCS Công an phường Thọ Quang, dân quân, dân phòng đã được huy động, ra sức giúp đỡ ngư dân di chuyển. Việc di chuyển được triển khai hết sức khẩn trương khi bão số 5 được dự báo đang mạnh thêm và tiến nhanh vào bờ.

Thượng tá Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, đơn vị đã cắt cử lực lượng đến làm việc với các chủ tàu dầu hoạt động trên Âu thuyền Thọ Quang chuyển đến vị trí khác an toàn hơn, tránh xa nơi neo đậu tàu thuyền khác đồng thời rút hết dầu trong khoang đề phòng dầu tràn khi có sự cố. Bên cạnh đó cũng phối hợp với các lực lượng hướng dẫn sắp xếp lại tàu thuyền, đảm bảo giãn cách và an toàn PCCC.

Trong buổi sáng 17-9, Đại tá Lê Quốc Dân, Phó giám đốc CATP đã trực tiếp xuống hiện trường sông Hàn chỉ đạo lực lượng CSGT đường thủy đến từng hộ nuôi trồng thủy sản trên sông, vịnh nhắc nhở người dân chấp hành các quy định về phòng chống bão, tuyệt đối không ở lại lồng bè. Cùng với đó, nhắc nhở gần 20 chủ tàu thuyền đang neo đậu trên sông Hàn đưa tàu thuyền về nơi tránh trú; tuyên truyền vận động chủ tàu tại khu âu thuyền chằng chống bão.

Trao đổi với phóng viên, Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT CATP cho biết, để chủ động đối phó với bão, bên cạnh chỉ đạo CA toàn thành phố ứng trực 100% quân số, giám đốc CATP đã giao nhiệm vụ cho lực lượng CSGT huy động CBCS phối hợp với các ngành, địa phương triển khai phòng bão, ngập lụt, đồng thời cắt cử lực lượng điều tiết giao thông tại các điểm ngập úng, giúp dân trong vùng lũ, nhất là các vùng thấp trũng như Hòa Vang, Cẩm Lệ, Liên Chiểu... đảm bảo tính mạng và tài sản cho nhân dân. Riêng những khu vực trọng yếu, lực lượng CSGT TP cùng các quận huyện chuẩn bị sẵn sàng phương án cắm chốt điều hòa giao thông, không cho nhân dân đi vào khu vực ngập sâu, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Tại những nơi thấp trũng, có nguy cơ ngập lụt cao khi bão vào kèm theo mưa lớn, lãnh đạo Phòng chỉ đạo phải trực chốt 24/24 giờ nhằm cảnh báo người dân không đi vào vùng nguy hiểm, tránh xảy ra tai nạn.

Trên sông Hàn, Đội CSGT đường thủy đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền về bão; tập trung hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền của ngư dân thành phố và các tỉnh lân cận neo đậu tránh trú bão an toàn tại khu vực Âu thuyền Cảng cá Thọ Quang, vịnh Mân Quang… Tàu du lịch, tàu vận tải được hướng dẫn neo đậu tại các vị trí an toàn không ảnh hưởng tới luồng giao thông.

Thiếu tá Lê Ngọc Huân, Đội CSGT đường thủy cho biết: "Đối với những tàu thuyền sau khi được cảng vụ cho phép neo đậu vào trong khu vực lòng sông Cổ Cò, sông Hàn, đội sẽ hướng dẫn ngư dân neo đậu đúng chỗ quy định, đồng thời giảm tình trạng va đập, tránh thiệt hại tài sản cho ngư dân. Các cán bộ chiến sĩ tổ chức trực ban 24/24 giờ, nêu cao quyết tâm, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ".

M.VINH - D. HUYỀN - C. HẠNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/105_231644_luc-luong-cong-an-trien-khai-dong-bo-cac-phuong-an-ung-pho-voi-bao-so-5.aspx