Lực lượng đặc biệt thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được đề xuất hưởng lương hưu vượt trội

Bộ Tư pháp đang thẩm định Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân do Bộ Quốc phòng xây dựng.

Khoản 3 Điều 18 Dự thảo Nghị định này đề xuất mức lương hưu hằng tháng của người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội “Mức lương hưu hằng tháng của đối tượng là người lao động thuộc một số nghề, công việc đặc biệt đặc thù trong lực lượng vũ trang nhân dân do Chính phủ quy định. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước” như sau:

Người lao động khi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định này đang làm nghề, công việc đặc biệt, đặc thù theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, khi tính mức lương hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đạt mức tối đa 75% thì được tính như sau: 20 năm đầu đóng bảo hiểm xã hội bằng 65%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 3%, mức hưởng tối đa không quá 75%; mức hưởng lương hưu tăng thêm theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Bộ đội Lữ đoàn Đặc công 113, Binh chủng Đặc công biểu diễn võ thuật.

Bộ đội Lữ đoàn Đặc công 113, Binh chủng Đặc công biểu diễn võ thuật.

Cách tính lương hưu nêu trên không áp dụng đối với các trường hợp vi phạm kỷ luật Quân đội, Công an, vi phạm pháp luật của Nhà nước buộc phải thôi phục vụ tại ngũ, thôi phục vụ Quân đội hoặc thôi việc.

Như vậy, mức hưởng và tỷ lệ tích lũy lương hưu như đề xuất cao hơn so với lao động làm việc trong điều kiện bình thường. Cùng tham gia 20 năm bảo hiểm xã hội và đủ điều kiện hưởng hưu trí, tỉ lệ hưởng của nhóm này 65% với mức tích lũy 3% mỗi năm, trong khi lao động nam nghỉ hưu trong điều kiện bình thường hưởng 45% và nữ là 55%, mức tích lũy mỗi năm 2% cho đến khi đạt tối đa 75%.

Lực lượng vũ trang có tính đặc thù cao, liên quan đến an ninh quốc gia, quốc phòng, nhất là nhóm làm những công việc có tính chất đặc biệt đặc thù (lực lượng chống khủng bố, bộ đội hóa học, tàu ngầm, phi công chiến đấu…), đòi hỏi cường độ, áp lực cao cả về thể lực và trí lực; bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành trước các nguy hiểm kể cả các nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy nhiên, do yêu cầu cao về tuổi đời lẫn sức khỏe nên thời gian đóng bảo hiểm xã hội của nhóm này thường ngắn hơn so với lao động làm việc trong điều kiện bình thường và cũng chỉ được hưởng chế độ này khi nghỉ hưu (không áp dụng đối với trường hợp phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, thôi việc), đồng thời phải có ít nhất 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành cũng chưa ghi nhận quy định mức lương hưu hằng tháng của nhóm làm công việc đặc biệt, đặc thù, trong khi lĩnh vực quốc phòng, an ninh luôn đặt ra yêu cầu phát triển nghề nghiệp có tính chất nguy hiểm, áp lực cao về trí lẫn lực. Do vậy, tính toán mức hưởng hưu trí phù hợp là cần thiết để đảm bảo an sinh, tạo động lực cho người lao động trong quá trình công tác, cống hiến cho lực lượng; thu hút nguồn lực chất lượng cao trong xây dựng lực lượng vũ trang.

Nữ chiến đấu viên Lữ đoàn Đặc công 113, Binh chủng Đặc công biểu diễn võ thuật.

Nữ chiến đấu viên Lữ đoàn Đặc công 113, Binh chủng Đặc công biểu diễn võ thuật.

Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (trước đây) cho rằng, lực lượng vũ trang có tính đặc thù cao, liên quan đến an ninh quốc gia, quốc phòng. Việc quy định quá chi tiết có thể ảnh hưởng đến bí mật quân sự, an ninh quốc phòng: Các ngành nghề, công việc đặc biệt đặc thù trong lực lượng vũ trang rất đa dạng, thay đổi theo yêu cầu nhiệm vụ, trang bị kỹ thuật. Việc liệt kê chi tiết có thể không bao quát hết, dễ dẫn đến thiếu sót.

Đồng thời, đề xuất Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo thẩm quyền quy định chi tiết về các nghề, công việc đặc biệt, đặc thù trong lực lượng của mình. Vì việc quy định chi tiết trong nghị định có thể dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định riêng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; đồng thời, việc không quy định quá chi tiết giúp tạo sự linh hoạt trong việc điều chỉnh, bổ sung các nghề, công việc đặc biệt đặc thù khi cần thiết.

Đề xuất này của Bộ Quốc phòng nhận được sự đồng tình, thống nhất của nhiều bộ, ngành như: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (trước đây); Bộ Công an; Ban Cơ yếu Chính phủ; Bảo hiểm xã hội Việt Nam và đề nghị giữ nguyên.

Tin, ảnh: ĐỨC TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/luc-luong-dac-biet-thuoc-bo-quoc-phong-bo-cong-an-duoc-de-xuat-huong-luong-huu-vuot-troi-821297