Lực lượng hải chiến nước xanh của Qatar

Được thúc đẩy bởi các yếu tố địa chính trị và năng lượng, Qatar đặt mục tiêu tăng cường an ninh hàng hải, bảo vệ các cơ sở hạ tầng biển trọng yếu, thể hiện sức mạnh trong khu vực trong khi nước này vẫn đang đối mặt với những thách thức đối với việc duy trì một hạm đội tàu hiện đại và giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân sự.

Với khoảng 35.000 km2, lãnh hải Qatar rải rác với hàng trăm giàn khoan dầu, khí đốt, còn lực lượng hải quân với vài chục tàu tuần tra, Hải quân tiểu vương Qatar (QEN) đã đấu tranh một thời gian dài nhằm đảm bảo an ninh cho các vùng lãnh hải của mình, chưa nói đến việc thể hiện sức mạnh tại các vùng nước ngoài eo biển Hormuz. Sau hàng thập kỷ bỏ bê, việc phát triển năng lực hải quân nước xanh đã nhận được sự chú ý lớn hơn theo cấp số nhân từ giới lãnh đạo Qatar kể từ giữa thập niên 2010.

Tính đến thời điểm hiện tại (dù vẫn còn hạn chế về quy mô) hạm đội tàu của QEN bao gồm một số tàu tiên tiến nhất về mặt công nghệ ở Vùng Vịnh, thể hiện quyết tâm của nước này trong việc khẳng định sức mạnh trong lĩnh vực hàng hải.

Tên lửa diệt hạm Exocet được trang bị cho hạm đội hải chiến nước xanh.

Tên lửa diệt hạm Exocet được trang bị cho hạm đội hải chiến nước xanh.

Sự ổn định kinh tế và chính trị của Qatar phụ thuộc rất nhiều vào năng lực khai thác và xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), và an ninh của cả trữ lượng khí đốt khổng lồ ngoài khơi, cùng cơ sở hạ tầng hàng hải quan trọng của Doha, cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp năng lượng của nước này sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của đất nước. Trong khi QEN đã có những bước tiến nhảy vọt trong việc xây dựng năng lực hải quân đủ sức bảo vệ các lợi ích chiến lược của Qatar trên biển, thì bối cảnh mối đe dọa trên biển đang diễn ra gấp gáp hơn.

Những vụ tấn công phá hoại trong tháng 9/2022 vào đường ống dẫn khí đốt Nord Stream ở biển Baltic, cùng việc tấn công của các tàu nổi không người lái của Ukraine nhắm vào hạm đội Hắc Hải ở Sevastopol của Nga hồi tháng 10/2022 là những minh họa điển hình về tính dễ bị tổn thương của các cơ sở hạ tầng hàng hải quan trọng.

Đầu tư vào sức mạnh hải quân

Với lực lượng quân sự quy mô nhỏ và nằm kẹp giữa các cường quốc quân sự lớn trong khu vực Vùng Vịnh (Saudi Arabia, Iran và Iraq), từ trước đến nay Qatar vẫn luôn tìm cách đảm bảo an ninh đất nước bằng cách vun đắp quan hệ ngoại giao vững chắc với những thế lực quốc tế có tầm ảnh hưởng cũng như thông qua việc dùng tiền thuê bên ngoài nhằm ngăn chặn các mối họa quân sự bên ngoài của các cường quốc hải ngoại. Ngày nay, Qatar lệ thuộc chủ yếu vào “chiếc ô” an ninh từ các lực lượng quân sự Mỹ, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp. Trong khi các bên an ninh bên ngoài giúp duy trì vai trò nổi bật về cơ cấu quốc phòng cho Qatar thì có 3 nhân tố chính buộc nước này phải tự tăng cường năng lực quân sự.

Thứ nhất, dù có căn cứ không quân khổng lồ của Mỹ ở Al Udeid nhưng vẫn còn đó sự hoài nghi hướng tới sự sẵn sàng của Washington trong việc duy trì cấu trúc an ninh và áp lực tìm kiếm sự bảo vệ cao cấp bên ngoài quỹ đạo Mỹ đã dần lan rộng trong giới lãnh đạo Qatar. Thứ hai, khủng hoảng ngoại giao 9 tháng trong năm 2014 và lệnh phong tỏa trong giai đoạn 2017-2021 đã tái định hình đáng kể nhận thức về mối đe dọa và tư duy chiến lược của giới lãnh đạo Qatar.

Trong khi Qatar và các nước đồng minh Vùng Vịnh Arab đã có những bước đi ý nghĩa nhằm khôi phục mức độ tin cậy và gắn kết tối ưu trong số các thành viên của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) thì Doha đã học được bài học đắt giá rằng họ không thể lệ thuộc hoàn toàn vào sự ủng hộ của các nước láng giềng cận kề nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Thứ ba, Qatar đã thể hiện quyết tâm ngày càng tăng trong việc theo đuổi những lợi ích quốc gia và các tham vọng chiến lược với nhiều tự do và ít phụ thuộc hơn vào sự chống lưng của các bên bảo đảm an ninh bên ngoài.

Yếu tố năng lượng cũng được quan tâm. Năm 2022, sản xuất khí đốt và xuất khẩu LNG của Qatar đạt doanh thu 132 tỷ USD, biến Qatar trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới. Hầu hết các hoạt động xuất khẩu năng lượng của Qatar đều đến từ các mỏ khí đốt thiên nhiên và dầu khí xa bờ, chẳng hạn như mỏ khí ngưng tụ North Dome (NDF). Mặt khác, với đội tàu gồm 70 tàu thuê, QatarEnergy LNG hiện đang vận hành hạm đội tàu chở LNG lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, đường ống xuất khẩu năng lượng duy nhất của Qatar - Dự án khí đốt Cá Heo - đang đặt ngầm dài 364 km từ Ras Laffan đến Taweelah (UAE), nó kết nối với các cơ sở hạ tầng tái phân phối trên bờ đưa khí đốt Qatar đến thành phố cảng Fujairah của UAE và nhà nước Oman.

Tàu chiến lớp Al Zubarah của Qatar.

Tàu chiến lớp Al Zubarah của Qatar.

Nhu cầu hiện đại hóa hải quân nước xanh

Suốt phần lớn lịch sử của mình, QEN chỉ đơn thuần là lực lượng hải quân nước nông. Ngoài hàng chục tàu đánh chặn và tàu tuần tra nhanh được triển khai ở các vùng biển nông của lãnh thổ, từ lâu QEN phụ thuộc vào một nhúm tàu tấn công nhanh (FACs) để đảm bảo an ninh cho các vùng biển lãnh thổ của mình. Vào cuối thập niên 1990, QEN nhận 4 chiếc tàu FAC lớp Barzan từ hãng đóng tàu Vosper Thornycroft khi đó là của Anh. Con tàu dài 56 m có tầm hoạt động 1800 nm, vận tốc 12 hải lý và gồm 35 thủy thủ đoàn.

Ngoài việc được trang bị tên lửa diệt hạm Exocet và tên lửa đất đối không Mistral, tàu FAC lớp Barzan còn có nền tảng phòng không và trên biển riêng biệt. Sau nhiều thập kỷ đóng vai trò lực lượng cảnh sát biển, QEN đã bắt tay vào cuộc đại tu toàn diện về tư duy quân sự cùng chính sách mua sắm ngay từ giữa thập niên 2010. Chương trình cải tổ hải quân của Qatar xoay quanh 3 trụ cột chính: 1) nâng cấp hạm đội thông qua việc mua lại các chiến hạm cao cấp; 2) phát triển năng lực hải quân mạnh; 3) mở rộng cơ sở hạ tầng xa bờ để hỗ trợ hạm đội đang phát triển. Nhằm hiện đại hóa đội tàu già cỗi của mình, Qatar đã liên hệ với 2 nước có thành tựu về đóng tàu và kinh nghiệm vững chắc trong việc chế tạo các chiến hạm hàng đầu: Ý và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tháng 8/2017, Doha và Rome cùng ký một thỏa thuận trị giá 5 tỷ euro nhằm cung cấp 7 chiếc tàu nổi: 4 tàu hộ tống, 2 tàu tuần tra xa bờ (OPVs), và 1 tàu đổ bộ (LDP). Fincantieri (nhà vô địch đóng tàu của Ý) đã được trao đơn đặt hàng và hoàn thành đợt giao tàu cuối cùng trong tháng 5/2023. Tàu hộ tống lớp Al Zubarah là tàu đa năng dài 107 m có khả năng tiến hành đa nhiệm chẳng hạn như trinh sát, cứu hộ biển, ngăn chặn và tuần tra.

Với tốp thủy thủ đoàn cốt lõi lên tới 98 người và thêm 14 thành viên, tàu có thể hoạt động liên tục 21 ngày, tầm hoạt động xa 3.500 hải lý, vận tốc 15 hải lý, tàu hộ tống lớp Al Zubarah là một nền tảng hải quân đa năng và linh hoạt cho các nhiệm vụ động học và phi động học tại các vùng biển mở. Tàu lớp Al Zubarah được trang bị hệ thống chiến đấu tiên tiến và mạnh mẽ. Gói vũ khí của loại tàu này bao gồm các loại tên lửa Aster 30 Block 1NT của MBDA và RAM của Raytheon dùng trong những tình huống tác chiến phòng không (AAW), hay tên lửa diệt hạm Exocet dùng cho các hoạt động chiến tranh chống tàu nổi (ASuW).

Ngoài ra tàu lớp Al Zubarah còn được trang bị các cảm biến điện tử tiên tiến và mồi nhử hiện đại cùng các hệ thống tác chiến diệt tàu ngầm (ASW) nhằm tăng cường phòng thủ của con tàu. Cuối cùng, tàu hộ tống có thể chứa xuồng cao tốc, sân bay, khoang chứa máy bay để đậu 1 chiếc trực thăng hàng hải NH90 NFH có trang bị hệ thống ASW. Hay tàu OPV lớp Musherib có chiều dài 64 m, tầm hoạt động 1500 hải lý, di chuyển 15 hải lý, hoạt động liên tục 7 ngày, và thủy thủ đoàn gồm 38 người, khiến OPV trở thành nền tảng hải quân hiệu quả cho các vai trò giám sát và chiến đấu giữa các vùng nước nông và những vùng biển xung quanh.

Tàu OPV lớp Musherib được trang bị hệ thống chiến đấu tiên tiến để tiến hành các nhiệm vụ AAW và AsuW. Bên cạnh đó tàu LDP lớp Al Fulk là một nền tảng hải quân hàng đầu của QEN. Với tầm hoạt động 7.000 hải lý và di chuyển 15 hải lý, con tàu chở theo 152 thuyền viên, sức chứa lên đến 400 hành khách, nó là chiến hạm nước xanh hoàn chỉnh đầu tiên của Qatar.

Tàu LDP thể hiện năng lực AAW mạnh mẽ: một mặt loại radar Knonos Power Shield L-Bank của hãng Leonardo được trang bị bên trong tàu giúp nó phát hiện những hiểm họa đang đến gần ở phạm vi lên tới 1.500 km; nó còn được trang bị tên lửa đất đối không Aster 30 Block có thể đánh chặn hiệu quả các loại tên lửa đạn đạo chiến thuật. Mặt khác, Qatar cũng đang tập trung kiện toàn lực lượng cảnh sát biển. Kể từ năm 2014, những triển lãm vũ khí đẳng cấp nhất thế giới do nước này đăng cai (chẳng hạn như Hội chợ và Triển hãm phòng thủ hàng hải quốc tế Doha (DIMDEX) và MILIPOL (Qatar) đã là địa điểm yêu thích của Doha trong việc cải tạo các đội tàu tuần tra và ven biển của mình. Trong vòng 6 năm qua, Doha đã mua 31 tàu mặt nước từ hãng đóng tàu ARES Shipyard (Thổ Nhĩ Kỳ) và ký vài hợp đồng mua sắm tàu mới với công ty đóng tàu Yonca Onuk (Thổ Nhĩ Kỳ).

Bên cạnh đó, Qatar nhắm mục tiêu xây dựng các căn cứ mới để hỗ trợ các hạm tàu đang phát triển và mở rộng lợi ích hàng hải của mình. Tháng 7/2019, Tổng cục An ninh biển và biên giới Qatar đã khánh thành một căn cứ hải quân mới toanh ở Al Daayen. Cách thủ đô Doha chỉ 30 km, bao quát diện tích gần 640.000 m2, căn cứ Al Daayen được trang bị cảng biển, các xưởng bảo trì, các cơ sở huấn luyện, và nhà ở cho nhân viên. Đến năm 2020, Qatar cho hoạt động căn cứ hải quân Umm Al Houl. QEN dự kiến sẽ tái dời hạm đội từ căn cứ Ras Abu Aboud (ngoại ô Doha) đến cơ sở Umm Al Houl.

Tháng 2/2023, QEN đã khánh thành hệ thống phòng thủ tên lửa ven biển tại Umm Al Houl. Được trang bị các hệ thống tên lửa diệt hạm Marte ER của MBDA và Exocet, căn cứ Umm Al Houl cung cấp năng lực ASuW cao cấp. Và ngay tại sự kiện DIMDEX 2022, công ty an ninh và quốc phòng Leonardo (Ý) và Qatar cùng ký thỏa thuận thành lập một Trung tâm tác chiến hải quân (NOC) để phục vụ cho các tham vọng bành trướng hải quân của QEN.

Thành phố công nghiệp Ras Laffan, nơi sản xuất và xuất khẩu khí hóa lỏng thiên nhiên (LNG) của Qatar.

Thành phố công nghiệp Ras Laffan, nơi sản xuất và xuất khẩu khí hóa lỏng thiên nhiên (LNG) của Qatar.

Phát triển năng lực con người

Hiện tại, QEN có 2.500 đơn vị nhân sự, và đặt mục tiêu tăng lên 6.000 thành viên vào năm 2025. Tháng 2/2019, Học viện hàng hải Mohammed Bin Ghanem Al Ghanem đã khai giảng khóa học đầu tiên. Học viện vận hành chương trình 4 năm chuyên về khoa học biển cả, kỹ thuật hàng hải, cung ứng và quản lý hàng hải. Lứa cán bộ đầu tiên của Học viện đã tốt nghiệp từ tháng 2/2023. Bên lề sự kiện DIMDEX 2018, Qatar đã trao hợp đồng cho công ty Các giải pháp ứng dụng quốc phòng hiện đại (MDS, Thổ Nhĩ Kỳ) xây dựng Trung tâm huấn luyện tác chiến hàng hải đặc biệt Buroq. Nằm ở vịnh Zekreet thuộc duyên hải phía Tây của Qatar, đây là nơi cung cấp đào tạo chống khủng bố trên biển cho 200 cán bộ cùng lúc, đồng thời tổ chức các chương trình huấn luyện song phương với những lực lượng đặc nhiệm từ các đối tác an ninh của Qatar. Theo báo cáo của Janes, địa điểm Buroq hiện đang được sử dụng.

Vấn đề duy trì nhân sự đang là thực trạng ở Qatar. Với dân số chỉ khoảng 300.000 người, nước này hết sức chật vật trong việc lấp đầy hàng ngũ các lực lượng vũ trang. Theo truyền thông Qatar, một trong những cách hiệu quả mà chính phủ nước này làm là tuyển lính nước ngoài vào lực lượng vũ trang của mình. Theo một ước tính, có đến 85% nhân sự trong các lực lượng an ninh Qatar không phải là công dân nước này.

Một biện pháp khác nhằm chấm dứt tình trạng thiếu hụt nhân lực là đưa ra lệnh nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Lần đầu tiên xảy ra ở bán đảo Arab, năm 2013, Qatar thi hành lệnh nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam giới và đến năm 2018 là áp dụng với nữ giới. Như các nghiên cứu sâu rộng của ông Zoltan Barany, giáo sư tại Đại học Texas và ông Kenneth M. Pollack, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Georgetown, thì quân đội các nước Arab thường ưu tiên mua sắm trang thiết bị quân sự tiên tiến nhất cũng như ồ ạt tích trữ các hệ thống vũ khí đắt tiền thay vì nuôi dưỡng văn hóa bảo trì và sửa chữa.

Phan Bình (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/luc-luong-hai-chien-nuoc-xanh-cua-qatar-i741683/