Lực lượng nào đóng vai trò 'giải mã' Nghị quyết 57?
Muốn hiện thực hóa Nghị quyết 57, yếu tố quyết định là con người. Cần xây dựng một lực lượng nhân lực mới – những con người có tư duy đột phá, năng lực đáp ứng những yêu cầu hoàn toàn mới của thời đại.
Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành với tầm nhìn chiến lược về việc sử dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như đột phá quan trọng để thúc đẩy phát triển đất nước trong kỷ nguyên số.

(Ảnh minh họa)
Một trong những mục tiêu cốt lõi của nghị quyết là phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng cán bộ, công chức và nhân viên có khả năng tổ chức và thực thi chuyển đổi số ở quy mô quốc gia.
Nghị quyết 57 - Nhân lực là nòng cốt trong kỷ nguyên vươn mình
Tại Diễn đàn Phát triển xung lực mới cho quốc gia mới đây, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, gần 10 năm đồng hành cùng cộng đồng doanh nhân và khu vực kinh tế tư nhân, mọi người luôn trăn trở với một câu hỏi lớn: Làm sao để kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân trong nước và nền kinh tế quốc gia?
“Trong suốt thời gian đó, chúng tôi không khỏi cảm thấy ấm ức khi nhận thấy mọi thứ vẫn còn dàn trải, thiếu chiều sâu – dù Việt Nam có rất nhiều người tài, doanh nghiệp mạnh, đầy khát vọng”, bà Thủy chia sẻ.
Theo bà Thủy, trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nếu chậm chân, chúng ta không chỉ lạc hậu mà còn có nguy cơ bị thay thế. Nghị quyết 57 đã cho chiến lược rõ ràng, nhưng khâu thực thi vẫn là một thách thức lớn. Để thực hiện hiệu quả, cần có sự đồng bộ và toàn diện từ cơ chế, chính sách, thể chế cho đến văn hóa tổ chức.
“Trong bối cảnh mới, yếu tố quyết định chính là con người - đội ngũ đủ năng lực để thực thi. Muốn hiện thực hóa Nghị quyết 57, chúng ta cần xây dựng một lực lượng nhân lực mới – những con người có tư duy đột phá, năng lực đáp ứng những yêu cầu hoàn toàn mới của thời đại”, bà Thủy nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa)
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) cho rằng Nghị quyết 57-NQ/TW là một cuộc cách mạng mở ra cơ hội to lớn cho quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học – công nghệ và phát triển nhân lực.
Ông Khoa cho rằng: “Hiện nay, khi ngay còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên có thể biết đến những bài toán chinh phục khoa học – công nghệ của đất nước. Các em hoàn toàn có thể hình dung và định hình tương lai của mình: trở thành kỹ sư điện tử, kỹ sư siêu thanh, chuyên gia công nghệ sinh học… Tôi tin rằng khi tốt nghiệp, các em sẽ có định hướng rõ ràng mình muốn trở thành ai, đóng góp như thế nào cho sự phát triển của đất nước”.
Tuy nhiên, để đem những bài toán lớn, bài toán cụ thể đó vào nhà trường, chúng ta đang đối mặt với thách thức lớn về nguồn lực triển khai. Nếu sinh viên được tiếp cận ngay từ đầu sẽ tạo nền tảng căn bản vững chắc.
“Các trường cần đưa những bài toán lớn của doanh nghiệp và quốc gia vào để giúp học sinh định hình vai trò tương lai như kỹ sư, nhà khoa học, nhà quản trị khoa học công nghệ. Đây là nền tảng căn bản để nuôi dưỡng lực lượng nhân sự chiến lược cho nền kinh tế tri thức. Mục tiêu đến 2045, Việt Nam sẽ có đội ngũ nhà quản trị và nhà khoa học tầm cỡ thế giới, góp phần xây dựng quốc gia phát triển dựa trên khoa học và công nghệ”, ông Khoa nêu ý kiến.

Tiến sỹ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường trường Đại học FPT
Theo Tiến sỹ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường trường Đại học FPT, trước bối cảnh khoa học công nghệ thay đổi nhanh chóng và tinh thần đổi mới thể hiện rõ trong các nghị quyết quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương, các cơ sở giáo dục cần ý thức rất rõ rằng: giáo dục không thể tiếp tục vận hành theo cách của 3 đến 5 năm trước.
“Chúng tôi đang đối mặt với nhiều thách thức – điển hình là sự “xâm nhập” mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo vào hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, dẫn tới sự thay đổi căn bản về cách học, nội dung học và mục tiêu học. Và đó mới chỉ là một khía cạnh”, Tiến sỹ Lê Trường Tùng cho hay.
Về mặt trách nhiệm, Tiến sỹ Lê Trường Tùng cho rằng điều cấp thiết hiện nay là phải đặt lại câu hỏi: Nội dung chương trình đào tạo cần thay đổi như thế nào để phù hợp với bối cảnh mới?
Với một loạt Nghị quyết như 57, 68, 59… của Bộ Chính trị, nếu không có sự đổi mới sâu sắc trong giáo dục, thế hệ trẻ sẽ thiếu hụt nhiều kỹ năng thiết yếu, không thể phát huy được vai trò trong thời đại mới.
“Khi đó, rõ ràng các tổ chức giáo dục như chúng tôi sẽ không hoàn thành sứ mệnh của mình”, Tiến sỹ Lê Trường Tùng nói.
Nghị quyết 57 là biểu tượng của sự thay đổi lớn lao và quyết liệt
Theo các chuyên gia, năm 1945, Việt Nam cần bình dân học vụ để mọi người dân biết đọc, biết viết, thì ngày nay mỗi người cần biết sử dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo để có thể bắt kịp sự phát triển của thế giới. Trong đó, mỗi học sinh, sinh viên Việt Nam hôm nay cần trang bị kiến thức về công nghệ, kỹ năng về trí tuệ nhân tạo, và khả năng làm việc cùng chuyên gia quốc tế.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 6/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu triển khai hiệu quả “bộ tứ chiến lược” gồm: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57); Hội nhập quốc tế (Nghị quyết 59); Xây dựng và thực thi pháp luật (Nghị quyết 66); Phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68).
Theo đó, chúng ta phải tạo ra những thế hệ trẻ có kiến thức, kỹ năng về trí tuệ nhân tạo, phát huy sức mạnh toàn dân - như từng làm trong kháng chiến. Từ trung ương đến địa phương, từ chính quyền đến giới trẻ - tất cả cần cùng nhau đổi mới, dấn thân vì sự phát triển của dân tộc. Thế hệ trẻ, với kỹ năng công nghệ và tư duy sáng tạo, sẽ là lực lượng quyết định giúp Việt Nam vượt qua các thách thức và gia nhập cộng đồng quốc tế.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho rằng, Việt Nam đang trải qua quá trình thay đổi quyết liệt, thần tốc.
Dự kiến ngày 1/7/2025 bộ máy chính quyền địa phương chuyển sang mô hình chính quyền 2 cấp, chỉ còn cấp tỉnh và cấp cơ sở. Ngày 1/9 tới, bộ máy sẽ chính thức vận hành theo cơ chế mới sáp nhập tỉnh và tinh gọn bộ máy.
“Không có nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện được cải cách hành chính với tốc độ và quy mô như vậy. Đó chính là niềm tin vào Việt Nam – một đất nước đang vươn lên mạnh mẽ. Với tốc độ phát triển như vậy, chúng ta buộc phải “vừa chạy vừa xếp hàng” – kể cả trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo”, ông Trương Gia Bình đánh giá.
Theo Chủ tịch HĐQT FPT, con số 57 giờ đây không chỉ là một nghị quyết, mà là biểu tượng cho những thay đổi lớn lao và quyết liệt của đất nước, như Nghị quyết 68, 66, 59...
Giờ đây, các đơn vị, sở, ngành và địa phương đều sẵn sàng tiếp nhận lực lượng kỹ sư cho khoa học công nghệ. Vậy nên yêu cầu đặt ra là phải đào tạo gấp, đào tạo thực tiễn, đào tạo trong thời gian chưa từng có tiền lệ.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/luc-luong-nao-dong-vai-tro-giai-ma-nghi-quyet-57-post1198876.vov