Lực lượng vũ trang Bình Phước phát huy truyền thống 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành

BPO - Bình Phước là địa bàn chiến lược trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Đây là chiến trường giằng co giữa ta và địch, cũng là nơi quân và dân ta làm nên những chiến công vang dội góp phần vào thắng lợi cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau giải phóng, ở mặt trận biên giới Tây Nam vẫn là nơi thử thách khắc nghiệt với các lực lượng vũ trang (LLVT) ta. Trên một địa bàn như vậy, LLVT nhân dân tỉnh Bình Phước không ngừng được rèn luyện, thử thách, trưởng thành và lớn mạnh đủ sức đảm đương nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân.

Bài 1
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Khởi nguồn từ các đội tuyên truyền vũ trang trên địa bàn Hớn Quản, Bà Rá, Bù Đốp, LLVT tỉnh Bình Phước được hình thành trên nền tảng của cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại. Các tổ chức tiền thân như “Thanh niên cứu quốc quân”, “Cộng hòa vệ binh”, “Tự vệ chiến đấu quân” lần lượt ra đời, trở thành lực lượng nòng cốt trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân.

Ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định phải kịp thời lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trước khi quân đồng minh kéo vào Đông Dương. Quán triệt Nghị quyết của Trung ương và Xứ ủy Nam Kỳ về tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một tổ chức cuộc họp Tỉnh ủy mở rộng. Hội nghị quyết định: Thành lập Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Văn Công Khai phụ trách; các cơ sở lập ngay Ủy ban khởi nghĩa; ngày 25-8-1945 tập trung lực lượng toàn tỉnh giành chính quyền tại các thị xã; các thị trấn, đồn điền cao su đồng loạt khởi nghĩa.

Tại Lộc Ninh, ngày 24-8-1945, đội tự vệ do đồng chí Lê Đức Anh chỉ huy cùng với công nhân cao su và quần chúng tiến vào thị trấn cướp chính quyền. Sau 15 phút chiến đấu, đội tự vệ đã tiêu diệt 18 tên địch, thu được 40 súng, buộc chúng phải xin đầu hàng. Cùng ngày, tại Bù Đốp, ta bao vây đánh địch, thu được một kho súng (đây là nguồn vũ khí giúp LLVT Lộc Ninh đánh địch sau này). Lộc Ninh là một trong những nơi cướp chính quyền sớm nhất trong tỉnh Thủ Dầu Một.

Quân dân Lộc Thái, Lộc Ninh tổ chức luyện tập chuẩn bị cho giải phóng năm 1972 - Ảnh tư liệu

Quân dân Lộc Thái, Lộc Ninh tổ chức luyện tập chuẩn bị cho giải phóng năm 1972 - Ảnh tư liệu

Tại Hớn Quản (Bình Long), sáng 25-8-1945, công nhân và nhân dân các đồn điền Quản Lợi, Xa Cam, Xa Trạch, Bình Sơn… tổ chức mít-tinh rồi chuyển thành biểu tình có trang bị vũ khí, chiếm nơi làm việc của bọn chủ, giành quyền làm chủ đồn điền. Sau đó, lực lượng Thanh niên Tiền phong cùng công nhân kéo về chợ Hớn Quản tổ chức mít-tinh biểu dương lực lượng, sau đó cướp chính quyền quận lỵ.

Cũng trong ngày 25-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa cử khoảng 100 công nhân Lộc Ninh - Hớn Quản và 50 công nhân người dân tộc thiểu số có trang bị vũ khí đến thị xã Thủ Dầu Một tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Ở Bà Rá, bọn chỉ huy và binh lính không dám đi khủng bố, chờ quân đồng minh đến để giao nộp vũ khí.

Thắng lợi Cách mạng tháng Tám của quân dân tỉnh Thủ Dầu Một, trong đó có quân dân các huyện phía Bắc (Bà Rá, Lộc Ninh, Hớn Quản) cùng với cả nước xóa bỏ chế độ thực dân, phát xít, xây dựng nước Việt Nam độc lập; đồng thời tạo những tiền đề quan trọng cho việc hình thành, thống nhất LLVT tỉnh, chuẩn bị cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhưng rất vẻ vang.

Từ sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, để bảo vệ chính quyền cách mạng, yêu cầu đặt ra là tổ chức và xây dựng LLVT. Trên cơ sở những tổ chức quần chúng có vũ trang trong Tổng khởi nghĩa và sự tập hợp tự nguyện của đông đảo công nhân, nông dân, hàng loạt các đơn vị vũ trang tập trung được hình thành và phát triển nhanh chóng, với quân số, vũ khí trang bị và tên gọi khác nhau nhưng cùng chung lý tưởng bảo vệ nền độc lập non trẻ của Nhà nước cách mạng. Tại Hớn Quản, ngoài lực lượng tự vệ còn tổ chức một đội vũ trang tập trung gọi là Vệ quốc quân, sau đổi tên thành Vệ quốc đoàn. Lực lượng này thu hút hàng trăm thanh niên tích cực trong các làng cao su tham gia. Tại đồn điền cao su ở Thuận Lợi, lực lượng “Việt Nam mới” của đồng bào dân tộc thiểu số như S’tiêng, M’nông, Châu Ro được duy trì, tăng cường và trang bị thêm vũ khí, song hầu hết vẫn là cung tên nên lực lượng này được gọi là “đội quân cung tên”.

Nữ du kích người S'tiêng trở về sau ngày giải phóng - Ảnh: Nghi Quân

Đêm 22, rạng sáng 23-9-1945, Pháp núp bóng quân Anh tấn công UBND Nam Bộ và cơ quan tự vệ Sài Gòn. Trước dã tâm cướp nước của kẻ thù, sáng 23-9, Xứ ủy và UBND Nam Bộ ra lời kêu gọi đồng bào đứng lên kháng chiến và thành lập Ủy ban kháng chiến Nam Bộ. Ở đồn điền Lộc Ninh, quận Hớn Quản có khoảng 1 đại đội do đồng chí Lê Đức Anh chỉ huy nhanh chóng tiến về chi viện cho Sài Gòn tại mặt trận số 1 (mặt trận miền Đông). Lực lượng “đội quân áo nâu” (trừ một số cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Lê Đức Anh chỉ huy chi viện cho mặt trận Sài Gòn) còn lại ở Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đốp tiếp tục hoạt động, tổ chức lực lượng lập 2 phòng tuyến chống địch ở Tà Bái và Bù Ka phía Đông dòng sông Bé. Trong khi đó, trên quốc lộ 13, lực lượng vệ quốc đoàn, du kích, tự vệ cùng với nhân dân tiến hành đào đường, lập chướng ngại vật, ngăn chặn quân Pháp, phục kích chờ địch đánh ra.

Tháng 11-1945, đồng chí Nguyễn Bình, đặc phái viên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào miền Nam để xây dựng, thống nhất các LLVT. Tại Thủ Dầu Một, được sự giúp đỡ của Tỉnh ủy, ngày 20-11-1945, đồng chí Nguyễn Bình triệu tập “Hội nghị quân sự Nam Bộ”. Hội nghị bàn việc thống nhất LLVT ở Nam Bộ, thống nhất tên gọi, hình thức biên chế chi đội (đối với LLVT địa phương, phân chia khu vực hoạt động, đề ra những giải pháp tiến hành chiến tranh du kích). Hội nghị thống nhất cử đồng chí Nguyễn Bình làm Tổng Tư lệnh Quân giải phóng Nam Bộ. Đồng thời quyết định biên chế các LLVT Nam Bộ thành 25 chi đội (mỗi chi đội tương đương 1 trung đoàn), mỗi chi đội chịu trách nhiệm 1 tỉnh. Trong đó, Chi đội 1 thuộc tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương, Bình Phước ngày nay). Chi đội có 3 đại đội (mỗi đại đội tương đương 1 tiểu đoàn), Đại đội 3 hoạt động vùng cao su Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đốp và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước. Ban chỉ huy Đại đội 3 do đồng chí Nguyễn Văn Ngọ (Tư Quý) làm Đại đội trưởng, Nguyễn Văn Hội làm Đại đội phó, Lê Đức Anh làm Chính trị viên. Địa bàn hoạt động gồm cả chiến trường Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đốp. Trong giai đoạn này, LLVT tỉnh Bình Phước với nòng cốt là Đại đội 3 (hạt nhân đầu tiên để phát triển LLVT cách mạng) trong đội hình Chi đội 1, đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của tỉnh.

Theo đề nghị của Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh, ngày 26-3-2009, Chính ủy Quân khu 7 đã ký Quyết định số 309/QĐ-BTL công nhận ngày 25-12-1945 - ngày Thành lập Đại đội 3/Chi đội 1, tổ chức vũ trang đầu tiên của tỉnh là Ngày Truyền thống của LLVT tỉnh Bình Phước.

Trung tá Bùi Viết Hùng
Trưởng ban Tuyên huấn, Bộ CHQS tỉnh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/3/139640/luc-luong-vu-trang-binh-phuoc-phat-huy-truyen-thong-77-nam-xay-dung-chien-dau-va-truong-thanh