Lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Hòa Bình trưởng thành từ 'áo vải, cờ đào'
Cũng giống như Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, ban đầu, lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng của tỉnh Hòa Bình chỉ có hơn 30 học viên được đào tạo, huấn luyện quân sự một cách bài bản ở chiến khu Hiền Lương - Tu Lý (Đà Bắc) được Ban Cán sự Đảng tỉnh tổ chức vào tháng 2/1945. Đây là lớp huấn luyện quân sự đầu tiên của tỉnh và những người tham gia lớp quân sự này cũng chính là những
Cũng giống như Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, ban đầu, lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng của tỉnh Hòa Bình chỉ có hơn 30 học viên được đào tạo, huấn luyện quân sự một cách bài bản ở chiến khu Hiền Lương - Tu Lý (Đà Bắc) được Ban Cán sự Đảng tỉnh tổ chức vào tháng 2/1945. Đây là lớp huấn luyện quân sự đầu tiên của tỉnh và những người tham gia lớp quân sự này cũng chính là những "hạt giống đỏ” đầu tiên của LLVT cách mạng tỉnh.
Lớp huấn luyện quân sự được mở trong bối cảnh phong trào cách mạng ở khu vực thị xã Hòa Bình đã bước sang một giai đoạn mới. Thời điểm cuối năm 1944 đầu năm 1945, từ trong bóng tối phong trào cách mạng trên toàn tỉnh vừa hoạt động công khai, vừa hoạt động bí mật, phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Đồng thời, bắt đầu xuất hiện những thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân khi Nhật, Pháp và bè lũ tay sai có những dấu hiệu suy yếu, nhượng bộ phong trào cách mạng của Việt Minh.
Nhận thấy rõ những thời cơ trước mắt, cũng như nhận được chỉ thị của trên về việc chuẩn bị lực lượng tại địa phương cho việc khởi nghĩa giành lại chính quyền, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã thống nhất tổ chức lớp tập huấn quân sự để làm nòng cốt cho khởi nghĩa cách mạng giành chính quyền. Xóm Giằng Sèo thuộc chiến khu Hiền Lương - Tu Lý được lựa chọn làm nơi tổ chức lớp huấn luyện quân sự. Ban Cán sự Đảng tỉnh do đồng chí Vũ Thơ đứng đầu đã cùng với Mặt trận Việt Minh tuyển chọn hơn 20 người là những thanh niên mưu trí, gan dạ, có sức khỏe và là nòng cốt của phong trào cách mạng ở thị xã Hòa Bình đưa đi tập huấn quân sự. Các đội viên đã vượt sông, băng rừng lội suối vào vùng rừng núi Giằng Sèo. Tại đây, ngoài hơn 20 người được lựa chọn trong số các đội viên đội "tự vệ đỏ” của thị xã Hòa Bình, còn có những thanh niên ưu tú ở địa phương cùng một số chiến sỹ cách mạng từ Ninh Bình theo đồng chí Vũ Thơ lên cùng tham gia. Qua đó, nâng tổng số học viên của lớp huấn luyện quân sự lên hơn 30 người, trong đó có 2 nữ.
Là vùng rừng núi hiểm trở, dân cư ở không tập trung nên trong những ngày đầu tập huấn, các học viên gặp không ít khó khăn, thiếu thốn về trang bị vũ khí tập luyện và cái ăn, chốn ở. Để có phương tiện tập luyện, các học viên phải chặt cây đẽo thành súng gỗ. Ngoài việc được huấn luyện về chính trị, học viên còn được tập huấn bài bản, có chiều sâu việc nắm bắt tình hình để tổ chức phương án đánh tập kích địch. Không thể kể hết những khó khăn, vất vả, gian khổ của học viên phải dầm mình trong sương muối, giá rét vùng núi cao để luyện tập. Dù vậy, sau khi kết thúc lớp huấn luyện ai cũng phấn khởi, mong được trở về tiếp tục hoạt động trong phong trào cách mạng đang sục sôi khí thế.
Sau lớp huấn luyện, học viên được phân công về các địa phương tiếp tục gây dựng và phát triển phong trào cách mạng, trở thành nòng cốt xây dựng phong trào, nhân tố tích cực trong việc tuyên truyền, huy động lực lượng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trên địa bàn tỉnh mùa Thu tháng 8/1945. Ngày 26/8/1945 đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình, ngày nhân dân đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ, giành chính quyền, mở ra một chương mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng, tạo đà cho LLVT cách mạng của tỉnh ngày càng lớn mạnh.
Phát huy truyền thống "Quyết chiến, quyết thắng” của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, LLVT cách mạng tỉnh Hòa Bình từ một đội quân "áo vải, cờ đào” đã thực sự trở thành nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Góp thêm những trang sử hào hùng của cuốn sử vàng truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng...