Lực lượng vũ trang tỉnh - Điểm tựa cho toàn dân đánh giặc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh
Với hơn 30 học viên được huấn luyện quân sự ở khu căn cứ Tu Lý - Hiền Lương (Đà Bắc) vào tháng 2/1945, đây là lớp huấn luyện quân sự đầu tiên của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Hòa Bình. Từ một đội quân được trang bị vũ khí thô sơ, LLVT tỉnh đã từng bước trưởng thành và trở thành điểm tựa cho toàn dân giành chính quyền trong cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc trong các giai đoạn cách mạng sau này.
Với hơn 30 học viên được huấn luyện quân sự ở khu căn cứ Tu Lý - Hiền Lương (Đà Bắc) vào tháng 2/1945, đây là lớp huấn luyện quân sự đầu tiên của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Hòa Bình. Từ một đội quân được trang bị vũ khí thô sơ, LLVT tỉnh đã từng bước trưởng thành và trở thành điểm tựa cho toàn dân giành chính quyền trong cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc trong các giai đoạn cách mạng sau này.
Là địa bàn có vị trí chiến lược án ngữ phía Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng, do vậy, Hòa Bình luôn là mục tiêu tấn công của cả Pháp, Nhật và đế quốc Mỹ. Thế nhưng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tinh thần yêu nước vẫn luôn được người dân xứ Mường phát huy mạnh mẽ. Nhất là trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường của quân và dân Hòa Bình đã lập nên nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc. Nổi bật như dân quân du kích Yên Lương - Phú Lẫm (Lạc Sơn) dùng rượu cần trộn lá ngón tiêu diệt 250 tên lính lê dương. Trong 2 năm 1947 - 1948, đội du kích Cộng Hòa (Lạc Sơn) trực tiếp chiến đấu và phối hợp bộ đội chủ lực tổ chức đánh 520 trận, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Không dừng lại ở đó, trong chiến dịch Lê Lợi (năm 1949), quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã phối hợp bộ đội chủ lực tiến công đồng loạt trên nhiều mặt trận từ đường 6 đến đường 12, đường thủy trên sông Đà. Trước sức tiến công của ta buộc địch phải rút chạy. Trong chiến dịch đó ta đã tiêu diệt 10 đồn giặc, bức rút 13 đồn, diệt 867 tên địch, phá hủy 37 xe vận tải, giải phóng một khu vực rộng hơn 2.000 km2, phá vỡ tuyến phòng thủ hành lang Đông - Tây của địch. Thất bại đó đã buộc quân Pháp lần lượt rút khỏi các vị trí chiếm đóng, đến ngày 8/11/1950, Hòa Bình được giải phóng lần thứ nhất.
Dù thất bại nặng nề nhưng chưa từ bỏ âm mưu đánh chiếm Hòa Bình, Pháp đã tập trung lực lượng đánh chiếm Hòa Bình lần thứ hai. Quyết không để cho thực dân Pháp thực hiện dã tâm xây dựng "Xứ Mường tự trị”, thực hiện chủ trương của Đảng và Bác Hồ, ta đã mở chiến dịch Hòa Bình (1951 - 1952). Trong chiến dịch này, quân và dân tỉnh ta đã phối hợp bộ đội chủ lực phục kích bắn cháy, bắn chìm nhiều tàu chiến của địch trên sông Đà và trên tuyến quốc lộ 6. Theo ông Nguyễn Văn Hai (95 tuổi) ở tổ 11, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình), người trực tiếp tham gia chiến dịch Hòa Bình kể lại, trong hơn 100 ngày đêm diễn ra chiến dịch, quân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã hiệp đồng với bộ đội chủ lực chiến đấu hàng chục trận, tiêu diệt hơn 6 nghìn tên địch, thu trên 800 khẩu súng, phá hủy 156 xe các loại, bắn chìm 17 tàu chiến, ca nô, bắn rơi 9 máy bay... buộc địch phải tháo chạy khỏi Hòa Bình. Chiến thắng này đã đập tan "bức tường thép bên sông Đà” và âm mưu lập "Xứ Mường tự trị” của thực dân Pháp.
Tiếp nối tinh thần quật khởi và truyền thống đấu tranh anh dũng, LLVT tỉnh đã có những bước trưởng thành vượt bậc, đóng góp to lớn vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trong kháng chiến chống Mỹ, với ý chí quyết tâm cao độ, chỉ bằng vũ khí thô sơ nhưng quân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã dũng cảm, mưu trí, sáng tạo chống trả hiệu quả các cuộc tập kích bằng không quân của Mỹ, lập nên những chiến công vang dội. Trong đó phải kể đến trận đánh của dân quân xóm Lục, xã Liên Hòa (nay là xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn) dùng súng trường bộ binh bắn rơi 1 máy bay F4H của Mỹ, ghi một dấu son sáng chói, chiến công đầu của lực lượng dân quân Quân khu 3 dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay Mỹ. Tiếp đó, dân quân xã Trung Thành (Đà Bắc) cũng bắn rơi 1 máy bay phản lực bằng súng bộ binh. Ngày 20/7/1966, bằng 2 loạt đạn súng trường, dân quân xã Thu Phong (Cao Phong) bắn rơi máy bay F105 của không quân Mỹ. Trong 12 ngày đêm, từ 18 - 29/12/1972, chia lửa với quân và dân Thủ đô, quân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ, bắt sống 5 giặc lái. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân tỉnh ta đã phối hợp bộ đội chủ lực bắn rơi 49 máy bay, bắt sống và tiêu diệt hàng chục giặc lái. Chiến công đó đã góp phần to lớn vào chiến thắng chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Phát huy truyền thống, những năm qua, quân và dân tỉnh ta triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Công tác xây dựng lực lượng được tổ chức theo hướng "tinh gọn, rộng khắp”, đến nay, 100% xã, phường, thị trấn và trên 90% cơ quan, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng được lực lượng dân quân tự vệ đảm bảo đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.