Lục Nam: Xây dựng vùng sản xuất tập trung, tăng hiệu quả canh tác
Những năm qua, huyện Lục Nam quan tâm khuyến khích người dân khai thác lợi thế về đất đai, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Cách làm này mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Mở rộng diện tích các cây trồng thế mạnh
Những ngày đầu xuân, trên thửa ruộng của gia đình, chị Nguyễn Thị Lý ở thôn Muối, xã Lan Mẫu đang tất bật dỡ nốt những luống khoai tây để kịp bán cho thương nhân. Chị chia sẻ, ban đầu chỉ canh tác trên vài sào ruộng của gia đình, khi thấy hiệu quả, chị thuê lại ruộng của các hộ khác, mở rộng diện tích trồng khoai tây lên hơn 10 ha. Khoai dỡ đến đâu, đơn vị bao tiêu mua hết tại ruộng đến đó. Với năng suất đạt 20 tấn/ha, giá bán trung bình từ 7 - 8 nghìn đồng/kg, gia đình thu lãi hơn 400 triệu đồng mỗi năm từ tổng diện tích khoai tây.
![Người dân thôn Muối, xã Lan Mẫu thu hoạch khoai tây.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_409_51417071/56708769bf2756790f36.jpg)
Người dân thôn Muối, xã Lan Mẫu thu hoạch khoai tây.
Theo chị Lý, làm ruộng giờ đỡ vất vả nhờ đưa cơ giới hóa vào hầu hết các công đoạn, như làm đất, thu hoạch nông sản... Ông Nguyễn Hồng Phong, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lan Mẫu nói: "Toàn xã có hơn 200 ha khoai tây, khoai lang, tập trung ở các thôn: Muối, Chính Thượng, Lan Hoa. Các hộ dân đã liên kết sản xuất, tham gia vào tổ hợp tác dịch vụ nông nghiệp để vừa được hỗ trợ sản xuất, ổn định đầu ra cho nông sản vừa được tập huấn kỹ thuật mới về chăm sóc cây trồng".
Triển khai nghị quyết về phát triển kinh tế vườn đồi, từ năm 2022, UBND xã Trường Giang đã quan tâm xây dựng các mô hình sản xuất với quy mô tập trung. Toàn xã đang duy trì gần 500 ha trồng cây lâu năm, chủ yếu là vải thiều và cây ăn quả có múi. Ngoài tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, địa phương còn thành lập các tổ liên kết sản xuất. Tiêu biểu như Tổ liên kết sản xuất vải thiều với 250 hộ gia đình tham gia.
Các thành viên trong Tổ đã tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó năng suất, chất lượng sản phẩm cao, thu hoạch khoảng 7 tấn/ha/năm. Cùng đó, xã tích cực chỉ đạo người dân mở rộng diện tích rừng trồng với hơn 4,2 nghìn ha để phát triển các loại cây trồng giá trị kinh tế cao như keo lai, bạch đàn. Sau khi được tập huấn chuyển giao kỹ thuật và được vay vốn ưu đãi, nhiều hộ gia đình đã phủ xanh vườn rừng. Mỗi năm thu từ sản xuất nông lâm nghiệp đạt hàng trăm tỷ đồng.
Ở xã Bảo Sơn, trước đây, người dân để dứa ra quả tự nhiên vào tháng 5, 6 dương lịch, trùng thời điểm thu hoạch nhiều loại quả khác nên khó bán, giá thấp. Để tăng hiệu quả kinh tế, một số hộ áp dụng thành công kỹ thuật cho dứa ra quả trái vụ. Đến nay, vùng trồng dứa hơn 200 ha của xã đều được xử lý cho quả vào dịp Tết Nguyên đán và những tháng mùa xuân, giá bán cao gấp 2 - 3 lần so với chính vụ.
Quan tâm hỗ trợ sản xuất
Nhằm mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp tập trung, thời gian qua, huyện Lục Nam đã triển khai chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Huyện quan tâm hỗ trợ các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển một số sản phẩm chủ lực ở địa phương như: Na dai, dứa, nhãn và một số loại rau màu, dược liệu… Mặt khác, tích cực hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ công nhận chuỗi liên kết, xây dựng sản phẩm đặc trưng, chủ lực của địa phương khi tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
![Mô hình trồng dưa lưới của hộ dân thôn Chấu, xã Bảo Đài.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_409_51417071/7894aa8d92c37b9d22d2.jpg)
Mô hình trồng dưa lưới của hộ dân thôn Chấu, xã Bảo Đài.
Năm 2024, toàn huyện có 16 HTX được thụ hưởng chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng; 4 HTX được hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết... Từ nguồn hỗ trợ, các HTX thiết kế, in bao bì, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng theo Chương trình OCOP… Tại HTX Dược liệu Lựu Chanh, xã Trường Sơn, sau hơn 5 năm, từ 10 ha cây trà hoa vàng của 9 thành viên, đến nay HTX đã có hơn 30 ha. Đặc biệt, HTX đã xây dựng khu nhà xưởng chế biến, khu trưng bày sản phẩm rộng khoảng 1 nghìn m2 và có văn phòng giới thiệu sản phẩm tại TP Hà Nội. HTX đạt doanh thu khoảng 2,4 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 20-30%.
Bằng nguồn vốn khuyến nông quốc gia và ngân sách huyện, hằng năm, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện lựa chọn triển khai hỗ trợ từ 4 - 5 mô hình tiêu biểu. Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 70% giá giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc tiên tiến như tưới tự động, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị máy bay không người lái.
Chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung đã giúp tăng quy mô sản xuất một số loại cây trồng thế mạnh ở địa phương. Nhiều sản phẩm nằm trong nhóm các huyện dẫn đầu tỉnh (vùng lúa chất lượng tập trung gần 700 ha, vùng cây ăn quả gần 7.000 ha). Người dân tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP, GlobalGAP đã góp phần tăng năng suất, giá trị, thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Năm 2024, giá trị bình quân/ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện đạt 130 triệu đồng, tăng hơn 8 triệu đồng/ha so với năm 2020.
Đồng chí Dương Công Định, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xác định nông nghiệp là trụ đỡ trong phát triển kinh tế của huyện, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ và an toàn sinh học theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Chú trọng hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô vừa và lớn trên cơ sở vận động nông dân tích tụ ruộng đất để thành lập HTX hoặc cho doanh nghiệp thuê đất; tập trung vào các sản phẩm chủ lực của huyện là vải, cam, bưởi, na, dứa, nhãn, lúa, rau màu. Mặt khác tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ mở rộng, phát triển mới các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp.