Lục Ngạn: Giải bài toán nhân lực thu hoạch vải thiều
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng lao động thời vụ đến huyện Lục Ngạn trong vụ vải năm nay rất ít. Nhiều hộ, doanh nghiệp (DN), cơ sở thu mua, đóng gói vải không có đủ lao động. Trước thực tế trên, cấp ủy, chính quyền huyện Lục Ngạn đã có giải pháp khắc phục kịp thời.
Thiếu hàng nghìn lao động
Sáng sớm, vườn vải thiều của hộ ông Vũ Như Miền, thôn Thượng Phương Sơn, xã Hồng Giang đã rộn tiếng nói cười của hội viên nông dân trong thôn đến thu hoạch giúp. Ngoài thu hái, hội viên còn giúp ông Miền mang vải đi bán.
Tranh thủ lúc giải lao, bà Phạm Thị Sâm, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân (HND) thôn Thượng Phương Sơn chia sẻ, thôn có 54 hộ/154 hộ và 87 người phải cách ly y tế để phòng, chống dịch (PCD) Covid-19.
Vì các hộ này có con em liên quan đến các khu công nghiệp thuộc huyện Việt Yên, trong đó có hộ ông Miền. Thôn có 70 ha vải thiều, hộ nhiều nhất khoảng 3 ha. Riêng hộ bà Sâm có 2 ha, năm ngoái thuê nhân công thu hoạch mất 15 triệu đồng. “Vụ này đã không thuê được người hái vải, thôn lại có gần 200 trường hợp bị cách ly nên càng thiếu người làm. Vì thế, hội viên nông dân, phụ nữ và cựu chiến binh… đều tham gia thu hoạch vải, hỗ trợ các hộ trong thôn”, bà Sâm nói.
Theo Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện Lục Ngạn, mỗi năm, huyện cần từ 5-7 nghìn lao động thời vụ thu hoạch vải. Năm nay, hầu hết lao động ngoại tỉnh như: Lạng Sơn, Hải Dương, Thanh Hóa, Thái Nguyên… đều không đến. Nguyên nhân chủ yếu là do lo ngại dịch Covid-19.
Tại các điểm, cơ sở thu mua, đóng gói vải thiều và sản xuất hàng phụ trợ phục vụ mùa vải cũng đang thiếu nhân công. Chị Đinh Thị Thơm, chủ cơ sở thu mua đóng gói vải thiều xuất khẩu tại phố Kim, xã Phượng Sơn chia sẻ: “Năm trước chỉ cần ra “chợ lao động” ở thị trấn Chũ hoặc gọi điện là có người làm. Vụ này tìm mãi mới được hơn chục lao động trong huyện”.
Còn ông Vũ Mạnh Lân, chủ cơ sở sản xuất đá cây Lân Huệ, khu Trần Phú, thị trấn Chũ cho biết, những vụ vải trước, cơ sở này sử dụng 120 lao động (hầu hết là người Lạng Sơn và Thanh Hóa) nhưng nay chỉ có 8 người làm, chính vụ cũng có chưa đến 20 lao động. “Bình thường chúng tôi xuất xưởng 6 nghìn cây đá/ngày nhưng nay chỉ đạt khoảng 30%. Lao động ít nên ai có nhu cầu thì tự mang xe đến chở đá về”, ông Lân nói.
Tìm hiểu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu, xã Phượng Sơn, được biết, mỗi vụ, Công ty cần từ 300- 500 lao động thời vụ để sơ chế, đóng gói vải thiều. Nguồn lao động thường được DN lựa chọn, hợp đồng từ đầu năm với một số đơn vị nhưng nay DN mới bố trí được 200 lao động.
Thực tế, mỗi vụ vải Lục Ngạn cần từ 5-7 nghìn lao động thời vụ. Năm nay, hầu hết lao động ngoại tỉnh như: Lạng Sơn, Hải Dương, Thanh Hóa, Thái Nguyên… đều không đến. Nguyên nhân chủ yếu là do lo ngại dịch Covid-19. Đây là bài toán khó đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Huy động nguồn tại chỗ
Để khắc phục, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn đã đề nghị Ủy ban MTTQ huyện, UBND các xã, thị trấn, phòng, ngành liên quan và các đoàn thể huy động hội viên, đoàn viên tích cực giúp nhân dân thu hoạch vải, với phương châm phát huy tối đa nguồn lực tại chỗ. Theo đó, các đoàn thể, tổ chức hội như: HND, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên tại 100% xã, thôn đều lập tổ xung kích, vừa hỗ trợ thu hoạch vải, vừa tuyên truyền PCD Covid-19.
Tiêu biểu như HND huyện, với số hội viên chiếm ưu thế nên đoàn thể này là nòng cốt của các tổ xung kích. Đến nay, các cấp HND đã thành lập 317 tổ (tương ứng mỗi chi hội 1 tổ) với hơn 2,8 nghìn thành viên. Các tổ giúp chính quyền rà soát, thống kê các hộ trồng vải có nhu cầu lao động để bố trí nhân lực hỗ trợ thu hoạch luân phiên cho bà con.
Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn La Văn Nam cho biết, trước mắt huyện huy động tối đa nhân lực tại chỗ và lực lượng quân đội đóng trên địa bàn, phấn đấu đáp ứng khoảng 80% số nhân lực thiếu hụt. Về lâu dài, trong vụ cam, bưởi hoặc các năm tiếp theo gặp khó khăn, huyện sẽ sớm có văn bản đề nghị các tỉnh, TP bạn để các địa phương này lựa chọn, tạo điều kiện cho thương nhân, lao động ở nơi không có dịch vào Bắc Giang thu mua, làm việc.
Để bảo đảm an toàn PCD Covid-19, huyện Lục Ngạn đang áp dụng đối với lực lượng lao động từ Hải Dương và Hà Nam vào huyện thu mua, sấy vải theo cách đề nghị địa phương có lao động lập danh sách, xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 và gửi về UBND huyện Lục Ngạn tiếp nhận.
Tại các cơ sở thuê những lao động này đến làm việc sẽ được tổ giám sát Covid-19 cộng đồng theo dõi, giám sát. “Chỉ cần lao động trước khi đến có chứng nhận xét nghiệm âm tính với vi-rút SARS-CoV-2 thì huyện sẽ đón nhận. Bù lại, cứ 3 ngày, huyện tổ chức test nhanh vi-rút SARS-CoV-2 cho lao động một lần và yêu cầu chủ sử dụng lao động bảo đảm vệ sinh phòng dịch cho họ. Đồng thời lao động phải cam kết tuân thủ các quy định PCD tại địa phương”, ông Nam cho hay.
Với cách làm này, hy vọng vụ vải năm nay và các vụ kế tiếp, Lục Ngạn sẽ giải được bài toán nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động thời vụ tại địa phương.
Bài, ảnh: Thế Đại