Lục Yên tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái núi, du lịch xanh

Lục Yên sẽ phát triển du lịch mạo hiểm - trải nghiệm các giá trị địa hình núi cao, thám hiểm hang động; phát triển du lịch nông nghiệp kết hợp bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống.

Thung lũng Tùng Lâm, thôn Bó Mi, xã Tân Phượng, Lục Yên - khu vực nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái núi.

Thung lũng Tùng Lâm, thôn Bó Mi, xã Tân Phượng, Lục Yên - khu vực nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái núi.

Trên cơ sở tài nguyên du lịch tự nhiên, huyện Lục Yên đã và đang tập trung khảo sát vẻ đẹp các mùa trong năm tại nơi có tài nguyên du lịch để có kế hoạch khai thác, đầu tư phù hợp, xây dựng thành sản phẩm chủ đạo để phục vụ quanh năm theo hướng "xanh, bản sắc, hấp dẫn”.

Cụ thể, Lục Yên sẽ phát triển du lịch mạo hiểm - trải nghiệm các giá trị địa hình núi cao, thám hiểm hang động, không gian du lịch tại các điểm như: hang Diêm (xã Khai Trung); hang Thẳm Luông, hang Thẳm Dường, hang Bản Khéo (xã Lâm Thượng); hang Mó Mạ (xã Mai Sơn); hang Hùm, hang Chùa São (xã Tân Lập); hang Nặm Lùn Su Mạ, hang Xê Hai (xã An Phú); hang Tông Mộ (xã Khánh Thiện); hang Bó My (xã Tân Phượng); hang Phật Thủ (thị trấn Yên Thế)…

Cùng với đó, huyện cũng tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm chợ đá quý Lục Yên, chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp để du khách được trải nghiệm tại các trang trại cam tại xã Khánh Hòa, thị trấn Yên Thế, xã Tân Lĩnh; vườn nho Hạ Đen ở Liễu Đô, thị trấn Yên Thế… ;duy trì mô hình chế tác đá mỹ nghệ và làm tranh đá quý tại thị trấn Yên Thế, xã Liễu Đô, xã Vĩnh Lạc, Tân Lĩnh… Đồng thời, khai thác có hiệu quả các sản phẩm đặc trưng và sản phẩm OCOP của huyện để làm sản phẩm quà tặng du lịch (lạc đỏ, vịt bầu, gà trống thiến, tranh đá quý…).

Đặc biệt, huyện tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới kết hợp với bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống; ưu tiên sử dụng các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương như: các sản phẩm OCOP (dầu lạc đỏ, dầu lạc trắng, dầu vừng, dây thìa canh, cao gắm, giảo cổ lam, gạo nếp Lào Mu, măng mai…); các sản phẩm VietGAP (cam sành, khoai tím, cam Vinh…); các sản phẩm đặc trưng có tiềm năng phát triển đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao (thịt lợn gác bếp, thịt lợn ba chỉ hun khói, lạp xưởng, thịt trâu sấy khổ, các sản phẩm từ cốm Khánh Thiện...) để phục vụ khách du lịch…

Để hiện thực hóa các hướng đi này, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, huy động xã hội hóa đầu tư cho du lịch, huyện cũng tập trung xây dựng kế hoạch hỗ trợ, bồi dưỡng kiến thức và kĩ năng phục vụ khách du lịch cho cá nhân, hộ gia đình tham gia cung cấp dịch vụ du lịch, hỗ trợ xúc tiến sản phẩm du lịch cộng đồng trên cơ sở phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc đặc trưng trong vùng như Tày, Dao...

Thành Trung

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/226/327849/luc-yen-tap-trung-phat-trien-san-pham-du-lich-sinh-thai-nui-du-lich-xanh.aspx