Lùi ngày điều chỉnh giá xăng dầu trong nước sang 5/9
Theo quy định, ngày 1/9 là đến kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, do trùng với ngày nghỉ lễ 2/9 nên việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ lùi sang ngày 5/9.
Trên thị trường thế giới, ngày 1/9 giá dầu Brent lên mức 86,73 USD/thùng, tăng 0,87 USD, tương đương 1,01% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 82,72 USD/thùng, tăng 1,09 USD, tương đương 1,34% so với phiên liền trước.
Theo nhiều dự báo, giá xăng dầu bán lẻ trong nước tại kỳ điều hành sắp tới có thể sẽ tăng theo đà tăng của thị trường xăng dầu thế giới.
Tại kỳ điều chỉnh ngày 21/8, giá xăng được điều chỉnh tăng, dầu giảm nhẹ. Giá xăng E5 tăng 510 đồng/lít, giá bán là 23.330 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 610 đồng/lít, giá tăng lên 24.600 đồng/lít.
Giá dầu diesel giảm 70 đồng/lít, giá bán là 22.350 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 420 đồng/lít, giá bán không cao hơn 22.309 đồng/lít. Giá dầu mazut không cao hơn 17.981 đồng/kg, tăng 313 đồng/kg.
Cũng tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với tất cả mặt hàng xăng dầu và tiếp tục không chi quỹ đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel, dầu hỏa, dừng chi quỹ với mặt hàng dầu mazut.
Mới đây, Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá mặt hàng xăng dầu và đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa. Nhờ tích cực triển khai các giải pháp và thực hiện các nhiệm vụ được Lãnh đạo Chính phủ giao, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước đến nay và dự báo các tháng cuối năm 2023 cơ bản được đảm bảo.
Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến khó lường của một số yếu tố quốc tế như: Lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga và việc OPEC+ quyết định giữ nguyên các biện pháp hạn chế sản lượng; Lạm phát vẫn ở mức cao khiến nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao để đối phó với áp lực lạm phát; Kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh; Lo ngại về nguồn cung do chiến sự giữa Nga và Ukraine; Triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn…đã và đang ảnh hưởng đến giá bán lẻ xăng dầu và nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Để thị trường trong nước không gián đoạn nguồn cung, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu các Cục, Vụ theo dõi sát thực hiện tổng nguồn cung xăng dầu tối thiểu năm nay của các thương nhân đầu mối kinh doanh. Trường hợp cần thiết, các đơn vị tham mưu cho lãnh đạo Bộ điều chỉnh phân giao tổng nguồn tối thiểu và quy định cụ thể tiến độ nhập khẩu, mua hàng trong nước; bổ sung hạn mức nhập cho một số thương nhân có năng lực, bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống…