Lúng túng vì không biết trường hợp nào thì được ghi 'Made in Viet Nam'

Với hàng hóa sản xuất trong nước hiện chưa có quy định như thế nào thì được thể hiện 'Sản phẩm của Việt Nam' hay 'Sản xuất tại Việt Nam'.

Bộ Công thương vừa có hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam (Nghị định).

DN lúng túng ghi xuất xứ hàng hóa lưu thông trong nước

Theo dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định gửi Chính phủ, Bộ Công thương cho biết Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu.

Với hàng hóa sản xuất trong nước, gồm cả hàng hóa sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được thể hiện là “Sản phẩm của Việt Nam” hay “Sản xuất tại Việt Nam”.

Điều này khiến nhiều tổ chức, cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ hay nguồn gốc trên nhãn sản phẩm, hàng hóa lưu thông trong nước.

Cụ thể, có công ty thực hiện lắp ráp một số mặt hàng điện tử với linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài hoặc mua trong nước với tỉ lệ là 90%.

Trong đó, đối với sản phẩm tivi, công ty thực hiện thiết kế sản phẩm, thiết kế bo mạch điện tử, hiệu chỉnh phần mềm, xây dựng ứng dụng cho sản phẩm. Sau đó mua linh kiện từ nhà cung cấp hoặc nhập khẩu để lắp ráp tại Việt Nam. Như vậy, khi các sản phẩm được bán, tiêu thụ, bảo hành tại thị trường Việt Nam, công ty cần ghi xuất xứ trên sản phẩm như thế nào?

Hay có công ty sản xuất đồ chơi trẻ em để bán tại thị trường Việt Nam. Công đoạn cắt, may đầu tiên được thực hiện tại Trung Quốc. Sau đó nhập khẩu về Việt Nam, nhà máy sản xuất tại Việt Nam thực hiện tiếp các công đoạn may, khâu, đính nhãn, nhồi bông, lộn bề mặt sản phẩm, khâu phần móc.... Với những công đoạn thực hiện ở Việt Nam, sản phẩm đồ chơi của công ty có thể được xác định, gắn nhãn “Made in Viet Nam” hay không?

Nếu không đáp ứng, để được gắn nhãn “Made in Viet Nam” công đoạn nào trong quy trình sản xuất bắt buộc phải thực hiện tại Việt Nam. Tỉ lệ giá trị nội địa của sản phẩm đạt trên 30% có được ghi nhãn “Made in Viet Nam” không?

Bộ Công thương nhận được các văn bản của các Công ty Ajinomoto Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty TNHH BASF Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam… đề nghị hướng dẫn việc xác định hàng hóa của DN có được phép dán nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hay không.

Tuy nhiên, hiện không có cơ sở pháp lý để hướng dẫn cụ thể mà chỉ có thể hướng dẫn DN thực hiện theo điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP.

 Quy định xuất xứ tại Việt Nam chỉ mới áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Ảnh minh họa: TÚ UYÊN

Quy định xuất xứ tại Việt Nam chỉ mới áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Ảnh minh họa: TÚ UYÊN

Nguy cơ gian lận xuất xứ “Made in Viet Nam”

Ngược lại, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng tự gắn nhãn “Sản xuất tại Việt Nam”. Điều này khiến người tiêu dùng bức xúc nhưng cơ quan chức năng không có căn cứ để phân xử.

Điển hình như cuối năm 2017, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện trong cửa hàng hệ thống KS có việc giả mạo xuất xứ, khăn lụa Trung Quốc thay thành mác “Made in Viet Nam”. Hoặc như Công ty Cổ phần Tập đoàn A nhập khẩu các linh kiện điện tử từ Trung Quốc về Việt Nam lắp ráp, sau đó đưa ra thị trường Việt Nam với nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam.

Thực chất, công ty có tiến hành công đoạn lắp ráp các sản phẩm điện tử tại nhà máy sản xuất ở Việt Nam. Căn cứ Nghị định 43/2017/NĐ-CP, công ty tự xác định xuất xứ và tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không có quy định về các tiêu chí dùng để xác định xuất xứ hàng hóa lưu thông trong nước. Do vậy, cơ quan chức năng không có cơ sở để xác định việc ghi nhãn xuất xứ Việt Nam của công ty là có vi phạm hay không.

Ngoài ra, tình trạng hàng hóa nước ngoài chỉ trải qua công đoạn gia công đơn giản, đóng gói tại Việt Nam nhưng cũng dán nhãn “Made in Viet Nam” rồi xuất khẩu đi nước thứ ba tiềm ẩn nguy cơ về gian lận xuất xứ.

Từ thực tế này, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định bộ tiêu chí để các DN có thể căn cứ vào đó xác định chính xác hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, tránh phát sinh thiệt hại không đáng có.

Theo Bộ Công thương, việc xây dựng Nghị định nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất xứ hàng hóa, bổ sung quy định về tiêu chí để hàng hóa được xác định là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam (xuất xứ Việt Nam) đối với hàng lưu thông trong nước.

Giải pháp để thực hiện là ban hành Nghị định Chính phủ quy định cụ thể hàng hóa được coi là sản xuất tại Việt Nam khi đáp ứng một trong các tiêu chí:

Hàng hóa có xuất xứ thuần túy Việt Nam, hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam từ toàn bộ nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam;

Hàng hóa trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa;

Quy định các tiêu chí cụ thể trong trường hợp hàng hóa trải qua công đoạn gia công, chế biến cơ bản cuối cùng tại Việt Nam: chuyển đổi mã số hàng hóa, tỉ lệ phần trăm giá trị hay công đoạn gia công cụ thể...

Bộ Công thương dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thông qua đề nghị xây dựng Nghị định vào tháng 11.

Tháng 6 đến tháng 7 -2025 hoàn thiện dự thảo Nghị định. Tháng 10 trình Chính phủ ban hành Nghị định.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/lung-tung-vi-khong-biet-truong-hop-nao-thi-duoc-ghi-made-in-viet-nam-post805522.html