Lượm lặt tháng Bảy

Nửa năm trôi qua quá nhanh với quá nhiều sự kiện trong và ngoài nước xảy ra nối tiếp nhau, thu hút sự chú ý của dư luận. Và chỉ trong nửa đầu tháng 7, cũng có vài câu chuyện lượm lặt đáng để chúng ta suy ngẫm dù trong đó, có những chuyện không hẳn là nổi bật như tâm điểm quan tâm của dư luận.

1. Xác nhận sinh trắc các ứng dụng ngân hàng có lẽ là câu chuyện ồn ào nhất của tháng 7/2024. Bắt đầu từ ngày 1/7, việc xác nhận sinh trắc để sử dụng các ứng dụng ngân hàng là bắt buộc. Và cũng kể từ ngày đó, nhiều tranh luận ồn ào đã nổ ra.

Một trong những bước quan trọng là phải xác thực khuôn mặt

Một trong những bước quan trọng là phải xác thực khuôn mặt

Đầu tiên là những phàn nàn về chuyện không thể xác nhận sinh trắc được. Để bàn về chuyện này, tôi xin kể một chuyện mà tôi chứng kiến. Sáng hôm 3/7, ở tiệm ăn sáng ngay kế cơ quan, tôi thấy một người đàn ông đang hướng dẫn làm xác nhận sinh trắc cho bạn mình. Hóa ra anh bạn kia không thực hiện được xác nhận mấy ngày trời là vì một lý do rất trời ơi. Để quét NFC bằng điện thoại thông minh, thay vì áp mặt sau của CCCD nơi có con chip, anh ta cứ áp cái mặt trước. Qua câu chuyện ấy, tôi nghĩ, nhiều khi, cái mà chúng ta nghĩ là phiền hà, hóa ra lại do chính sự thiếu tìm hiểu cẩn thận của chính mình.

Nhưng chuyện đáng nói hơn là việc nhiều ứng dụng ngân hàng bị "sập" đúng 2 ngày 1-2/7. Nhiều khách hàng không thể thực hiện được các giao dịch trong những ngày này. Đúng là không có gì hoàn hảo cả và tất cả các ngân hàng đều cần thời gian để hoàn thiện ứng dụng của mình. Song, cái đáng nghĩ hơn ở đây chính là một tập quán khá xấu của người Việt hiện nay. Ấy là cái tật "nước đến chân mới nhảy".

Các ngân hàng thường chỉ chuẩn bị kịch bản cho các cao điểm hàng ngày, cao điểm hàng tháng chứ không ngân hàng nào sẵn sàng cho một kịch bản cho cả thế kỷ hoặc cho cả một đời người cả. Ngay cả các ngân hàng quốc tế tốt nhất cũng vậy thôi. Và câu chuyện cập nhật sinh trắc học chính là một kịch bản hi hữu như vậy.

Bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7 nhưng thực sự, từ trước đó nhiều ngày, các ứng dụng ngân hàng đã được cập nhật mới và có thông báo cho người dùng tiến hành cập nhật sinh trắc. Song, quá nhiều người đã bỏ qua các thông báo kia với suy nghĩ kiểu "chưa cần vội, tới 1/7 làm cũng được". Mà thực tế việc cập nhật có mất quá nhiều thời gian gì cho cam. Cùng lắm chỉ tốn của chúng ta 10 phút mà thôi. Và chỉ vì bỏ qua nhiều lần 10 phút đó, chúng ta cùng dồn nhau lại một cục ở đúng một thời điểm khiến việc cập nhật lại phải kéo dài thành nhiều ngày.

Hình ảnh Châu Bùi thay quần áo bị camera quay lén ghi lại. Ảnh: Facebook Châu Bùi

Hình ảnh Châu Bùi thay quần áo bị camera quay lén ghi lại. Ảnh: Facebook Châu Bùi

Nói đến đây, có lẽ cũng đủ để ngẫm và sửa lại chính mình nhằm tránh thói quen xấu nước tới chân mới nhảy.

2. Có một chuyện thứ hai cũng xảy ra trong nửa đầu tháng Bảy, không ồn ào lắm, nhưng lại khá nghiêm trọng là chuyện cô người mẫu Châu Bùi bị kẻ gian đặt camera ghi hình lén cảnh cô thay đồ khi chuẩn bị cho một bộ ảnh thời trang. Rất may, cô phát hiện sớm, và cơ quan chức năng cũng đã tóm được kẻ gian cũng như hình ảnh kín đáo của cô chưa bị phát tán. Nhưng chuyện này rất đáng phải lên tiếng, dù thực tế nó không mới, bởi hệ lụy của nó cho các nạn nhân là rất lớn.

Khoảng 2 năm trước, Công an TP Hồ Chí Minh đã phá một vụ tương tự, khi một nữ diễn viên cầu cứu vì bị tống tiền bằng hình ảnh nhạy cảm. Khi thực hiện chụp bộ ảnh ở một studio, diễn viên này đã không kiểm tra gắt gao và chính người trong ê-kip nhiếp ảnh kia đã không xóa một số bức ảnh khá trần trụi của cô. Sau đó, đe dọa tống tiền, thậm chí cả tống tình được gửi tới. Sự hoảng sợ ban đầu đã khiến cô thỏa hiệp nhưng áp lực quá lớn kéo dài đã đưa cô đến quyết định đúng đắn là trình báo cơ quan Công an. Quyết định ấy của cô thực sự sáng suốt bởi sau khi phá án, cơ quan điều tra phát hiện ra cô không phải là nạn nhân duy nhất của tổ chức kia. Chúng đã và đang tống tiền nhiều cô gái trẻ khác một cách thành công và điều đáng ngại là tuổi đời của những đối tượng phạm tội còn quá trẻ, toàn ở lứa tuổi 19-20.

Thận trọng với hình ảnh cá nhân và hình ảnh người thân là việc mà nhiều khi chúng ta xuề xòa bỏ qua vì quá bận rộn với những thường nhật mưu sinh khác. Chỉ đơn cử chuyện đăng tải hình ảnh của con mình lên mạng xã hội thôi cũng vẫn còn không ít người thiếu cân nhắc khi để chế độ công khai thay vì cài đặt riêng tư chặt chẽ hơn. Và đó mới chỉ là chuyện của những người bình thường mà thôi. Với nhiều người nổi tiếng, thói quen phải PR bản thân nhiều khi khiến họ sử dụng chính cả hình ảnh con cái của mình lên làm chất liệu để quảng bá. Chưa nói đến chuyện đúng - sai về pháp luật mà chỉ nói tới cái phản cảm của chuyện cha mẹ dùng con làm công cụ PR thôi cũng đã đủ để phải lắc đầu ngán ngẩm rồi. Và hệ lụy sẽ còn lớn hơn nữa nếu như những hình ảnh ấy được khai thác bởi những đối tượng xấu, vì mục đích xấu.

Hai chuyện lượm lặt đầu tháng Bảy không thể đủ để lột tả diện mạo xã hội cũng như đầy đủ các xu hướng của thời gian qua nhưng nó cũng đủ để chúng ta cần phải suy nghĩ thấu đáo hơn, cân nhắc kỹ lưỡng hơn thái độ và hành động của mình. Đặc biệt, có những chuyện tưởng như không ảnh hưởng tới bản thân, chúng ta sẽ dễ dàng bỏ qua và chỉ đến khi "nước đến chân" rồi, ta mới hiểu rằng mình không còn kịp "nhảy" nữa.

Văn Đoàn

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/luom-lat-thang-bay-i737440/