Luôn hướng về cộng đồng

Những năm gần đây, Báo Người Lao Động nổi bật với các chương trình công tác xã hội thể hiện trách nhiệm, tấm lòng của một tờ báo luôn hướng về cộng đồng

Trong các chương trình sau mặt báo của Báo Người Lao Động, "Tự hào cờ Tổ quốc" là một chương trình nổi bật về ý tưởng sáng tạo và quy mô lớn, độ lan tỏa rộng, được nhiều thành phần công chúng và bạn đọc hưởng ứng.

Lan tỏa mạnh mẽ tinh thần yêu nước

Xuất phát từ ý tưởng "mỗi ngư dân với lá cờ trên tàu là một "cột mốc sống" khẳng định chủ quyền biển đảo", từ tháng 6-2019, Báo Người Lao Động phát động chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" (tiền thân của "Tự hào cờ Tổ quốc"). Hơn 6 năm qua, chương trình đã gây được tiếng vang trên toàn quốc.

Từ chương trình ban đầu là "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" hướng về ngư dân tại 28 tỉnh, thành phố có biển trên cả nước, chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" sau đó đã mở rộng với các hợp phần: "Triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", "Cờ Tổ quốc biên cương", "Đường cờ Tổ quốc", "Chắc tuyến đầu, vững hậu phương". Đến nay, chương trình đã thực hiện gần 500 lễ trao cờ tại các địa phương. Với phương châm "đến tận nơi, trao tận tay", nhiều lễ trao cờ của Báo Người Lao Động với sự tham dự của các lãnh đạo Trung ương và địa phương đã được tổ chức trực tiếp ngay tại bến cảng hay cảng cá, thường là cạnh nơi tàu của ngư dân đang neo đậu.

Ngày 27-5, trong chuyến công tác cùng 100 nhà báo của Hội Nhà báo Việt Nam đến thăm quần đảo Trường Sa, nhà báo Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động - trao cờ từ chương trình “Tự hào cờ Tổ quốc” đến các chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn

Ngày 27-5, trong chuyến công tác cùng 100 nhà báo của Hội Nhà báo Việt Nam đến thăm quần đảo Trường Sa, nhà báo Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động - trao cờ từ chương trình “Tự hào cờ Tổ quốc” đến các chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn

Thật cảm động khi chứng kiến ở nhiều nơi, lúc ngư dân đến dự lễ, nhiều người vừa nhận xong những lá cờ từ chương trình liền đem thay cho những lá cờ bạc màu trên tàu của mình, xuất phát ra khơi đánh cá. Anh Lê Văn Ngành - một chủ tàu trẻ ở phường Quy Nhơn, tỉnh Gia Lai - tâm sự: "Khi ở ngoài khơi bám biển đánh cá, ngư dân nhìn lá cờ Tổ quốc như thấy hình ảnh đất nước mình".

Ông Đặng Văn Đông - một ngư dân lớn tuổi ở phường Tuy Hòa, tỉnh Đắk Lắk - bày tỏ: Những lá cờ Tổ quốc được tặng tuy giá trị vật chất không lớn nhưng những người làm nghề biển nhận được từ đó rất nhiều tình cảm, sự tin yêu của người dân cả nước đối với những ngư dân đang vất vả mưu sinh, tham gia bảo vệ chủ quyền Tổ quốc...

Nhiều lần trực tiếp tham dự chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc", Trung tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, nhận xét: "Báo Người Lao Động đã có sáng kiến rất hay, tạo nên một chương trình rất ý nghĩa. Các hoạt động đã giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo, đồng thời thể hiện sự chăm lo thiết thực đến đời sống người dân vùng biển".

Nhà báo Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" - cho biết chương trình nhận được sự tham gia nhiệt tình của các địa phương, người dân trên cả nước. Thành công của chương trình góp phần lan tỏa mạnh mẽ lòng yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền Tổ quốc đến mọi tầng lớp nhân dân.

Cũng từ nỗ lực đó, đến nay, Báo Người Lao Động đã ký kết và trao tặng gần 2,2 triệu lá cờ Tổ quốc đến đồng bào các tỉnh, thành phố - vượt hơn 200% so với mục tiêu đặt ra ban đầu.

Tính nhân văn sâu sắc

Báo Người Lao Động còn thực hiện các chương trình đa dạng và phong phú sau mặt báo. Về cốt lõi, các chương trình này có những điểm chung là dù dài hạn hay cấp thời đều ra đời rất đúng lúc, đáp ứng thiết thực yêu cầu của cuộc sống, được những người làm báo thực hiện với tinh thần trách nhiệm và nhân văn.

Có thể nêu vài ví dụ: Năm 2020 - 2021, khi đại dịch COVID-19 hoành hành - mà TP HCM là một điểm nóng, Báo Người Lao Động thực hiện chương trình "ATM thực phẩm miễn phí", "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" để vận động toàn xã hội đóng góp gạo, thực phẩm, vật phẩm chống dịch rồi đưa đến tặng người dân và đội ngũ chống dịch kịp thời.

Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động (giữa), tham dự lễ khánh thành 20 ngôi nhà tặng người dân ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng ngày 26-4-2025. Đây là những ngôi nhà được xây dựng từ kinh phí của chương trình “Hướng về miền Bắc yêu thương” do bạn đọc đóng góp giúp người dân khắc phục hậu quả sau bão Yagi

Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động (giữa), tham dự lễ khánh thành 20 ngôi nhà tặng người dân ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng ngày 26-4-2025. Đây là những ngôi nhà được xây dựng từ kinh phí của chương trình “Hướng về miền Bắc yêu thương” do bạn đọc đóng góp giúp người dân khắc phục hậu quả sau bão Yagi

Tháng 9-2024, các tỉnh, thành phía Bắc bị thiệt hại nặng nề do siêu bão Yagi (bão số 3), Báo Người Lao Động liền phát động chương trình "Hướng về miền Bắc yêu thương", kêu gọi bạn đọc, các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ đồng bào bị bão lũ tàn phá. Chỉ trong một thời gian ngắn, báo đã nhận được số kinh phí ủng hộ hơn 14 tỉ đồng. Bên cạnh việc kịp thời chuyển tiền hỗ trợ nhiều trường hợp khẩn cấp, Báo Người Lao Động còn tích cực phối hợp với Ủy ban MTTQ TP HCM và chính quyền, Ủy ban MTTQ các địa phương phía Bắc thực hiện những công trình tái thiết sau bão lũ thiết thực, hiệu quả.

Qua những chương trình công tác xã hội đầy ý nghĩa, Báo Người Lao Động đã thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao và tính nhân văn của một tờ báo.

Một chương trình có chiều sâu về sự nhân ái, góp phần chăm lo đời sống các văn nghệ sĩ, trí thức trên cả nước là "Mai Vàng tri ân" (tiền thân là "Mai Vàng nhân ái") với mục tiêu tôn vinh, hỗ trợ những người có nhiều đóng góp cho xã hội cũng được bạn đọc đánh giá cao.

Trong khi đó, từ năm 2022, Báo Người Lao Động đã tiếp nhận quản lý "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" từ Báo Công an Nhân dân. Hơn 2 năm qua, Báo Người Lao Động đã trao học bổng, quà, xe đạp tại 70 địa điểm ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, với tổng kinh phí hơn 19 tỉ đồng. Những món quà từ chương trình đã tạo động lực cho các học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa vượt khó, vươn lên trong học tập...

Chuyên nghiệp, trách nhiệm

Có thể nói, nhiều mảng công tác xã hội với những chương trình phong phú, đa dạng, nhân văn cũng là nơi ghi nhận sự đổi mới và sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của đội ngũ Báo Người Lao Động. Mỗi nhân sự được phân công đều luôn tâm niệm: Các chương trình công tác xã hội phải luôn có sự đổi mới để vừa ý nghĩa vừa thiết thực.

Với mỗi chương trình, Ban Biên tập đều chỉ đạo sâu sát đội ngũ làm sự kiện để có sự phối hợp chặt chẽ cùng bộ phận nội dung. Nhờ đó, những bài báo, phóng sự về các chương trình sau mặt báo của Báo Người Lao Động mang đậm hơi thở cuộc sống, truyền những thông điệp nhiều cảm xúc, tạo sự hưởng ứng của đông đảo tầng lớp trong xã hội.

Từ sự chỉn chu trong tổ chức sự kiện cũng như phối hợp truyền thông liên tục và đa dạng đó mà hiệu quả, độ lan tỏa của các chương trình đã được nhân rộng trên cả nước. Đó cũng là nền tảng giúp Báo Người Lao Động vận động được sự tham gia, phối hợp của nhiều ban ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân để triển khai thực hiện thành công.

Bài và ảnh: VŨ TÙNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/luon-huong-ve-cong-dong-196250724210838946.htm