Lương 15 triệu, tôi làm quái nhân keo kiệt, 4 năm tích được 350 triệu để mua nhà

Tôi chấp nhận bị mỉa mai, thành kẻ ki bo đến lập dị trong mắt người khác để tích cóp mua nhà; với mức lương 15 triệu đồng, tôi tiết kiệm được 350 triệu sau 4 năm.

Những ngày đầu năm mới, trong khi nhiều bạn bè lên kế hoạch cho những chuyến du xuân tốn kém, những bữa tiệc tân niên lãng phí, tôi nhanh chóng trở lại nhịp sống bình thường ngay trong ngày đầu tiên đi làm. Đồ ăn là các loại thực phẩm Tết bố mẹ gói cho mang đi, về cơ bản tôi có thể dùng hết tháng Giêng.

Lì xì đầu năm, tôi chỉ trao cho mọi người phong bao có số tiền nhỏ mang tính tượng trưng, lấy may là chính. Trưa mùng 6 Tết, mọi người kéo nhau đi nhậu, còn tôi quay bánh chưng trong lò vi sóng, ngồi lại công ty làm nốt công việc, vừa "cày" KPI vừa để tiết kiệm tiền. Đầu năm ai cũng chán ngán với việc ăn uống rồi, hàng quán thì bán đắt, sao phải bỏ ra nhiều tiền để làm khổ cái miệng như vậy chứ!

Có đồng nghiệp lịch sự rủ tôi đi cùng, nhưng đa số bỏ qua, họ biết rõ tôi sẽ không tham gia. "Cậu đừng có ngăn cản người ta mua nhà nữa", một người pha trò. Chị ấy mỉa mai tính tiết kiệm của tôi. Ở cơ quan, một số người lén gọi tôi là "quái nhân keo kiệt"; nhưng tôi không giận khi đã chọn cách sống này vì mục tiêu lớn của mình.

Ở tuổi 26, khi bạn bè đồng trang lứa đang tận hưởng cuộc sống sôi động, mua sắm, ăn uống sang trọng và du lịch khắp nơi, tôi lại chọn cách sống tiết kiệm một cách nghiêm ngặt để tích cóp tiền mua nhà. Bạn bè luôn cho rằng tôi sống quá hà tiện, thiếu vui vẻ và lạc hậu so với xu hướng xã hội hiện đại, "chẳng có tí chất gen Z nào". Tuy nhiên, tôi thấy tiết kiệm để mua nhà là một quyết định sáng suốt và hợp lý nhất với mình trong tình hình hiện tại.

Làm việc trong một công ty nhỏ ở TP.HCM, hiện tại tôi được trả 15 triệu đồng mỗi tháng. Mức thu nhập này đủ để tôi chi tiêu cho những nhu cầu cơ bản. Nếu muốn sở hữu một căn nhà riêng tại thành phố này, tôi phải nghĩ đến việc tiết kiệm dài hạn.

Mua nhà không phải là chuyện đơn giản, đặc biệt là khi giá bất động sản ở TP.HCM vẫn không ngừng tăng cao. Vậy tôi phải làm thế nào?

(Ảnh minh họa: Diseasecalleddebt)

(Ảnh minh họa: Diseasecalleddebt)

Để có thể đạt được mục tiêu sở hữu căn nhà của riêng mình, tôi cắt giảm chi tiêu tối đa, dù điều này khiến tôi nhiều trở thành đối tượng bị chế giễu. Chẳng hạn, mỗi khi mọi người trong công ty quyết định đi ăn cùng nhau, tôi lại chọn ở lại văn phòng, tự làm một gói mỳ. Đồng nghiệp của tôi đã quá quen với điều này. Trước thì họ hết sức khuyên, nay đã coi là điều đương nhiên.

Những cuộc tụ tập với bạn bè, dù là sinh nhật hay lễ hội, tôi luôn từ chối việc đi ăn ở nhà hàng sang trọng. Tôi chỉ tham gia nếu buổi tiệc có sự kiện nào đó nhất thiết phải góp mặt.

Mọi người thường rủ đi cà phê lúc rảnh việc, tôi tham gia nhưng không gọi đồ uống. Tôi chỉ ngồi đó, im lặng im lắng nghe câu chuyện của mọi người, cảm nhận không khí vui vẻ. Lần đầu, đồng nghiệp không nói gì, nhưng sau vài lần, họ bắt đầu cảm thấy khó coi và chủ động mời tôi uống.

Đến lần thứ ba, thứ tư, những lời chỉ trích bắt đầu xuất hiện: "Thế này thì đi làm gì? Tiết kiệm cũng vừa phải thôi, chẳng lẽ uống một ly cà phê cũng không nổi?". Mỗi lần như thế, tôi chỉ cười trừ và nói rằng mình đang hạn chế chi tiêu cho một mục tiêu lớn hơn. Nhưng lời này không thuyết phục được họ. Đối với họ, tôi là người không biết sống, khôn lỏi hoặc lập dị.

Tôi thường chọn ăn cơm nhà tự nấu, món ăn đơn giản nhưng đủ chất, vì mỗi bữa ăn đủ dinh dưỡng ngoài hàng sẽ gây tốn thêm một khoản chi phí.

Tôi cũng cẩn thận trong việc mua sắm. Những món đồ thời trang mới, điện thoại cao cấp hay những chuyến du lịch dài ngày đều bị từ chối. Chẳng phải tôi không thích những thứ đó mà vì biết rõ rằng mỗi đồng tiền tiết kiệm được sẽ giúp tôi tiến gần hơn đến mục tiêu sở hữu căn nhà của mình.

Tôi cũng không bao giờ chi tiêu cho những món đồ xa xỉ hay những bữa ăn xa hoa để chỉ để "khoe" với bạn bè rằng mình đang sống sành điệu. Khi thật sự cần mua sắm, tôi luôn tìm kiếm các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Mỗi lần đi siêu thị hay cửa hàng, tôi luôn so sánh giá cả và chỉ mua khi có giảm giá hoặc dùng các combo tiết kiệm.

Những thói quen này khiến bạn bè thường xuyên đùa cợt và gọi tôi là "chúa hà tiện". Tôi cảm thấy mình đang bị cô lập trong thế giới của bạn bè và đồng nghiệp, nhất là những người trẻ. Họ cho rằng tôi nên sống thoải mái hơn, tận hưởng những gì cuộc sống mang lại, thay vì lúc nào cũng chăm chăm nhìn vào giá trị của đồng tiền.

Tuy nhiên, đối với tôi, mua nhà là một bước đi thiết yếu cho tương lai. TP.HCM là nơi có giá nhà đất đắt đỏ, và tiết kiệm một cách nghiêm ngặt chính là cách để tôi vươn tới giấc mơ này. Tôi không muốn khi tuổi đã lớn vẫn phải sống trong căn phòng thuê, không có tài sản riêng, phụ thuộc vào người khác.

Mỗi lần từ chối những cuộc vui chơi xa xỉ hay mua sắm những món đồ không cần thiết, tôi luôn nhớ đến mục tiêu của mình: Một ngày nào đó sẽ có được căn nhà của chính mình, dù rất nhỏ và ở ngoại thành. Sau hơn 4 năm đi làm, tôi tiết kiệm được gần 350 triệu đồng. Chắc rằng không phải ai ở tuổi 26, đi làm với thu nhập khiêm tốn cũng có thể tích được một khoản như vậy.

Nhiều bạn bè nói tôi làm xấu mặt gen Z vì thói "ki bo đến cực hạn". Nhưng đây không phải chuyện keo kiệt hay thoáng tính, tôi chỉ đang đầu tư cho sự độc lập, an toàn trong tương lai. Chẳng lẽ phải chi tiêu vượt quá khả năng, không cần lo nghĩ đến ngày mai thì mới là gen Z sao?

Huế An

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/luong-15-trieu-toi-lam-quai-nhan-keo-kiet-4-nam-tich-duoc-350-trieu-de-mua-nha-ar917968.html