Cảnh giác dịch sởi gia tăng sau Tết Nguyên đán

Trong kỳ nghỉ Tết, cả nước ghi nhận hàng nghìn ca nghi mắc sởi, dịch sởi có nguy cơ lây lan trong những tháng đầu năm nếu không quyết liệt các biện pháp phòng chống.

Đảm bảo tiêm chủng đầy đủ để phòng bệnh sởi cho trẻ. Ảnh: TTXVN

Đảm bảo tiêm chủng đầy đủ để phòng bệnh sởi cho trẻ. Ảnh: TTXVN

Ghi nhận hàng nghìn ca mắc

Chỉ trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ vừa qua, cả nước đã ghi nhận 1.562 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, không có ca tử vong.

Tại các địa phương, số ca mắc sởi vẫn cao. Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận hơn 200 ca mắc trong tuần nghỉ Tết; TP Huế đang "nóng" với hàng chục ca mắc. Hà Nội cũng dự báo trong 3 tháng đầu năm 2025, số ca mắc sởi có thể tiếp tục gia tăng tương tự theo xu hướng diễn biến dịch giai đoạn năm 2018-2019…

Theo đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; diễn biến thời tiết đặc trưng mùa đông xuân, khí hậu gió mùa, hanh khô, nồm ẩm... là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, dẫn đến nguy cơ gia tăng các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là bệnh sởi.

Với hàng nghìn ca mắc mới, trong khi đó, mùa xuân là thời điểm dịch sởi dễ gia tăng; dịch sởi có nguy cơ lây lan rộng trong thời gian tới nếu các địa phương không triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng bệnh.

Về khả năng lây lan của bệnh sởi, BS. Nguyễn Sỹ Đức, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Hà Nội cảnh báo: “Thời điểm mùa đông xuân, dịch sởi có nguy cơ lan rộng vì bệnh sởi là bệnh lây qua đường hô hấp. Bệnh lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện làm các giọt bắn li ti có chứa virus gây bệnh phát tán ra ngoài không khí. Với những trẻ chưa có kháng thể với bệnh sởi sẽ dễ dàng bị lây nhiễm bệnh khi hít thở phải các giọt bắn chứa mầm bệnh. Với cơ chế lây lan nhanh, bệnh sởi dễ phát sinh các ổ dịch phức tạp”.

Người mắc bệnh sởi thường có biểu hiện sốt kèm theo viêm long đường hô hấp, sổ mũi, mắt đỏ (viêm kết mạc mắt). Bệnh nhân có thể xuất hiện hạt Koplix thường xảy ra trước hay ngày đầu của ban và biến mất sau 24-48 giờ sau phát ban xuất hiện nốt trắng bằng đầu kim, ở niêm mạc má ngay phía trên răng hàm của trẻ. Trong giai đoạn toàn phát của bệnh, người bị sởi thường xuất hiện ban sẩn, mịn, các ban xuất hiện theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay, chân và biến mất theo thứ tự đã mọc.

Theo BS. Nguyễn Sỹ Đức, bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, đôi khi xuất hiện ở người lớn. Kể cả đối với người lớn bị mắc sởi thường có các biểu hiện như: Sốt, viêm long đường hô hấp, sau đó phát ban từ mặt, ngực lan xuống phần dưới cơ thể…

Với các bệnh nhân bị sởi, nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng…

Triển khai mạnh các biện pháp phòng dịch

Theo đại diện Bộ Y tế, để ngăn dịch sởi lây lan trong giai đoạn đầu năm và mùa lễ hội, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm tại các địa phương; chủ động nâng cao vai trò, trách nhiệm các địa phương trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Các địa phương cũng theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm nhất là sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, viêm phổi nặng do virus… và kịp thời xử lý, kiểm soát sự lây lan, hạn chế trường hợp bệnh nặng, tử vong.

Tại các cơ sở y tế cũng đảm bảo công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa trường hợp chuyển nặng, tử vong; thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân luồng, cách ly, đảm bảo phòng chống nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo và không để xảy ra ổ dịch trong các cơ sở y tế; bảo đảm đủ thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị, phương tiện phòng, chống dịch…

Để phòng tránh bệnh sởi trong mùa đông xuân, bác sĩ khuyến cáo, các gia đình có con đến tuổi tiêm phòng cần tiêm đầy đủ cho trẻ. Đặc biệt, trẻ cần được tiêm nhắc lại đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế tại các cơ sở tiêm chủng.

Bác sĩ Nguyễn Sỹ Đức khuyến cáo, người dân cần áp dụng các biện pháp dự phòng chung như: Đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc bệnh viện; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là khi chăm sóc trẻ; giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ; uống đầy đủ nước mỗi ngày…

Trẻ cần được ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Cha mẹ khi thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, không nên tự ý điều trị tại nhà, phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/canh-giac-dich-soi-gia-tang-sau-tet-nguyen-dan-20250204220920608.htm