Lương chưa tăng đã lo giá tăng

Mức lương tăng từ 1/7 tới đang là tin vui đối với người lao động cả nước, tạo điều kiện cho nhiều người ổn định hơn về kinh tế. Tuy nhiên, niềm vui này đang xen lẫn nỗi lo giá cả thị trường cũng có xu hướng tăng theo.

Lương chưa tăng, giá cả đã tăng?

Cách đây khá lâu, thông qua việc đọc báo, nghe đài, chị Lan Anh – giáo viên tại một trường Tiểu học trên địa bàn quận Thanh Xuân cũng nắm được thông tin từ 1/7/2024 tới đây, những giáo viên như chị nằm trong diện các đối tượng được tăng lương, cao nhất có thể tới hơn 30%. Điều này đối với một giáo viên mới đi làm đang hưởng lương bậc 1 như chị là niềm vui khó tả. Bởi khoản tiền này sẽ phần nào giúp cuộc sống của chị trở nên “dễ thở” hơn.

Tuy nhiên, lương chưa kịp tăng, niềm vui chưa được “chạm tới”, thay vào đó là những nỗi lo.

Nhiều người lo lắng về việc giá cả sẽ tăng sau khi tăng lương

Nhiều người lo lắng về việc giá cả sẽ tăng sau khi tăng lương

“10kg gạo tám Điện Biên trước là 205.000 đồng, hôm nay lên 220.000 đồng, tăng 15.000 đồng; thịt lợn ba chỉ rút xương trước là 14.000 đồng/lạng, bây giờ tăng 2.000 đồng lên 16.000 đồng/lạng; rau muống trước 8.000/mớ, nay lên 10.000 đồng/mớ”, vừa đi chợ chiều về, chị Lan Anh thở dài về việc hàng hóa ở khu chợ gần nhà bắt đầu tăng giá.

Chị chia sẻ, việc tăng lương thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước đến đời sống của người lao động. Tuy nhiên, tăng lương lại đi kèm với việc tăng giá như một điều dễ đoán thì chưa thực sự giải quyết được gốc rễ vấn đề. Hơn nữa, điều này còn vô tình tạo khó khăn cho những đối tượng không thuộc diện được tăng lương.

Sống trong căn phòng trọ chưa đầy 15 mét vuông, với giá thuê 2,3 triệu đồng/tháng, em Đặng Tâm, sinh viên khoa Dược tại một trường Đại học trên địa bàn Hà Nội cho biết, chỉ khoảng 2 tháng nữa thôi, căn phòng này của em cũng như cả dãy phòng trọ sẽ tăng 200.000 đồng, lên 2,5 triệu đồng/tháng.

“Em thuê ở đây 3 năm rồi, bây giờ cũng ngại chuyển đi. Ở đây vừa gần trường, vừa ở khu trung tâm, tiện đi lại nên dù có tăng 200.000 đồng mỗi tháng chắc em vẫn phải thuê rồi xin thêm bố mẹ để bù vào”, em Đặng Tâm chia sẻ.

Tăng lương không tác động nhiều đến giá cả

Liên quan đến đề xuất của Chính phủ về việc tăng lương 30% cho cán bộ, công chức, viên chức và 15% cho người lao động đã nghỉ hưu, Bộ Tài chính cho biết, việc điều chỉnh tăng lương cơ sở theo lộ trình hằng năm là nỗ lực của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu đảm bảo đời sống cho người hưởng lương.

Để việc tăng lương thực sự có ý nghĩa tích cực trong đời sống, Bộ Tài chính cũng đã có các kịch bản kiềm chế lạm phát và tránh việc tăng giá bất hợp lý. Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã nhấn mạnh, thống kê từ trước tới nay, việc tăng lương cơ sở vào ngày 1/7 tới đây không có tác động nhiều tới việc tăng giá cả, hàng hóa.

Bộ Tài chính cũng cho biết, phương án này cũng bảo đảm khả năng chi trả của ngân sách nhà nước giai đoạn 2024 - 2026. Mức lương bình quân của công chức, viên chức dự kiến tăng khoảng 30% so với thu nhập bình quân người lao động. Từ 1,8 triệu đồng/tháng hiện nay, lên 2,34 triệu đồng. Sẽ có 4 đối tượng là công chức, viên chức được tăng mức lương khi cải cách tiền lương. Điểm đáng chú ý của chính sách tiền lương mới là quy định mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp.

Đối với khu vực doanh nghiệp, lương tối thiểu vùng cũng sẽ được điều chỉnh theo quy định của Bộ luật Lao động, với mức tăng 6%. Bên cạnh đó, mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng cho người lao động đã nghỉ hưu cũng được điều chỉnh tăng 15%. Ngoài ra, từ năm 2025, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh mức lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm.

Trước đó, trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý giá cả, thị trường, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công; "không tăng giá đột ngột, không tăng giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm, không tăng giá vào thời điểm tăng lương".

Bám sát thực tế, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung theo dõi, bám sát diễn biến tình hình trong và ngoài nước, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước. Từ đó, chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp kiềm chế lạm phát, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4-4,5% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội đã xác định.

Lệ Giang

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/luong-chua-tang-da-lo-gia-tang-123538.html