Lương cơ sở tăng từ 1.7, lo ngại hàng hóa tăng giá 'tát nước theo mưa'
Đại diện Cục Quản lý giá cho biết đã chuẩn bị đầy đủ các kịch bản để hạn chế tình trạng giá hàng hóa 'tát nước theo mưa' khi lương cơ sở tăng từ ngày 1.7.
Thông tin trên được ông Phạm Văn Bình - Trưởng phòng Quản lý thẩm định giá (Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính) đưa ra tại buổi họp báo chiều nay (16.6). Ông Bình cho biết đã lường trước nhiều kịch bản và đưa ra 3 giải pháp phòng chống việc hàng hóa tăng giá "tát nước theo mưa" khi lương cơ sở tăng từ 1.7.
"Chúng tôi đã xây dựng kịch bản cho những tình huống có thể xảy ra trong quá trình điều hành giá như tăng lương và một số tình huống khác trong thời gian sắp tới", ông Bình nhấn mạnh.
Theo Cục Quản lý giá, công tác quản lý giá mang tính thường xuyên, liên tục. Hiện nay, giúp cho Thủ tướng Chính phủ trong công tác này có Ban Chỉ đạo điều hành giá do Phó thủ tướng Lê Minh Khái làm trưởng ban, Bộ Tài chính là cơ quan thường trực. Ban Chỉ đạo thường xuyên đưa ra các kịch bản điều hành giá từ đầu năm đến nay.
Bộ Tài chính cũng đã chủ trì, báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành xây dựng kịch bản cho những tình huống, kế hoạch trong thời gian tới, trong đó có tính toán tới một số điều chỉnh cụ thể như tăng lương cơ sở và một số nội dung khác.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung chỉ đạo vào 3 nhóm nội dung cụ thể: Một là bám sát thị trường giá cả để đảm bảo kiểm soát mục tiêu đã đưa ra, đặc biệt chú ý đến các mặt hàng chiến lược như xăng, dầu… vì có thể từ giá cả của mặt hàng này sẽ tác động sang giá các mặt hàng khác. Liên tục nắm bắt tình hình, cân đối cung cầu của các mặt hàng này trong quá trình điều hành giá.
Đối với một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, phù hợp tình hình thực tế. Tiếp đó là theo dõi chặt chẽ việc kê khai, thông báo giá, đồng thời kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong việc quản lý giá để tránh xảy ra hiện tượng găm hàng, đầu cơ tăng giá.
Bộ Tài chính cũng sẽ chú trọng công tác truyền thông để tuyên truyền các thông tin, hoạt động trong lĩnh vực quản lý giá sau khi đạt được các mục tiêu về kiểm soát lạm phát.
Trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, khi bàn về vấn đề tăng lương cơ sở, lương hưu, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng phải nắm bắt thị trường, có giải pháp và kịch bản để điều hành. Mục tiêu là phải đạt được như Quốc hội giao: năm 2022 là 4% CPI, năm 2023 là khoảng 4,5%.
Cũng theo Phó thủ tướng, muốn giữ được giá, phải đáp ứng quan hệ cung - cầu. Điều này Chính phủ rất quan tâm, đặc biệt với mặt hàng thiết yếu như thực phẩm.
Trong thực hiện các quy định của pháp luật về giá, Phó thủ tướng quán triệt với mặt hàng Nhà nước không định giá phải niêm yết, kê khai và kiểm tra thường xuyên.
Đặc biệt, Phó thủ tướng cho rằng cần tuyên truyền, thông tin đầy đủ để người dân hiểu được công tác hành giá của Chính phủ, tránh trường hợp lạm phát, tăng giá mà không kiểm soát được. Trong thời điểm tăng lương cơ sở thì phải kiểm soát được giá, để cuối năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng CPI không vượt quá 4,5%.
Từ ngày 1.7, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng hơn 310.000 đồng). Mức lương cơ sở dùng để tính mức lương, phụ cấp... của các cán bộ, công chức, viên chức... Lương cơ sở khác với lương tối thiểu vùng ở chỗ đối tượng thụ hưởng của lương tối thiểu vùng là người lao động ở các doanh nghiệp ngoài công lập.
Hiện nay, lương tối thiểu vùng là 4,68 triệu đồng/tháng (vùng 1); 4,16 triệu đồng/tháng (vùng 2); 3,64 triệu đồng/tháng (vùng 3); 3,25 triệu đồng/tháng (vùng 4).