Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp
Dự thảo Luật Nhà giáo quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề, các phụ cấp khác. Giáo viên mầm non, giáo viên trường lớp dành cho người khuyết tật được nghỉ hưu trước 5 năm.
Cuối buổi sáng 25-9, trong khuôn khổ phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo.
Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề, các phụ cấp khác.
Giáo viên mầm non, giáo viên trường lớp dành cho người khuyết tật được nghỉ hưu trước 5 năm nhằm bảo đảm phù hợp với yêu cầu triển khai chương trình giáo dục mầm non và phù hợp với hiện trạng, điều kiện lao động của giáo viên mầm non.
Báo cáo thẩm tra về dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đồng tình cần có chính sách tiền lương ưu tiên cho nhà giáo nhằm tạo động lực cho giáo viên an tâm công tác, thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, việc thể chế hóa chủ trương này cần phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương; tránh cách hiểu sẽ có một thang, bảng lương riêng dành cho nhà giáo.
Về độ tuổi nghỉ hưu, cơ quan thẩm tra và các ý kiến thành viên UBTVQH bày tỏ đồng tình với quy định giáo viên mầm non, giáo viên trường lớp dành cho người khuyết tật được nghỉ hưu trước 5 năm theo quy định về tuổi nghỉ hưu.
Một nội dung khác được nhiều thành viên UBTVQH quan tâm góp ý là việc đánh giá nhà giáo được thực hiện trên cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của nhà giáo, quá trình nhà giáo rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực nghề nghiệp gắn với các tiêu chí nghề nghiệp theo chuẩn nhà giáo kết hợp với kết quả học tập, rèn luyện, là sự hình thành phẩm chất, năng lực của người học và được thực hiện định kỳ hàng năm theo năm học hoặc thực hiện tại thời điểm bất kỳ để phục vụ công tác quản lý nhà giáo theo quy định.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhận định, quy định đánh giá nhà giáo là vấn đề khó, nhạy cảm. Trong khi đó, cách thức, phương thức, nguyên tắc đánh giá lại chưa được quy định trong dự thảo luật. “Cần có quy định thống nhất áp dụng trong cả nước”, ông nói và cho rằng, học sinh, sinh viên là đối tượng đánh giá rõ nhất chất lượng của nhà giáo.
Có cùng băn khoăn, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị cân nhắc khi đưa quy định mới, nhạy cảm này vào dự thảo luật.
Từng là một giảng viên đại học, bà Nguyễn Thanh Hải phát biểu: “Liệu quy định này có quá áp lực đối với giáo viên hay không? Cá nhân tôi không đồng tình. Giáo viên dạy giỏi, đạo đức tốt, học sinh sẽ tự tôn vinh”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng góp ý, dự thảo luật quy định “nếu nhà giáo không đồng ý với kết quả xếp loại, đánh giá của ban giám hiệu, lãnh đạo nhà trường thì có thể khiếu nại theo Luật Khiếu nại”, song Luật Khiếu nại chỉ quy định khiếu nại về quyết định hành chính và hành vi hành chính, mà không quy định khiếu nại về đánh giá cán bộ.
Lưu ý, đây là luật mới hoàn toàn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng các quy định như dự thảo có thể gặp nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng. Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tính toán thận trọng.