Luồng gió đẩy 'con thuyền an sinh' cập bến

Nếu nói tín dụng chính sách như cánh buồm đưa 'con thuyền an sinh' vươn khơi thì Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40) được xem như luồng gió đẩy con thuyền ấy đi nhanh, đúng hướng và cập bến bờ hiệu quả…

Tầm nhìn mới

Cái được lớn nhất sau 9 năm thực hiện chủ trương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội chính là việc thay đổi nhận thức toàn diện từ cấp ủy, chính quyền các cấp đến từng người dân, nhất là người nghèo.

Nhận thức thay đổi, hành động sẽ thay đổi; minh chứng rõ nhất đó là việc kiện toàn Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện được bổ sung thêm thành viên là Chủ tịch UBND cấp xã. Chủ trương này đã góp phần nâng cao vai trò quản lý Nhà nước và khẳng định được trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở.

Chỉ thị 40 đã mang đến cho người nông dân làng hoa Sa Đéc, Đồng Tháp cuộc sống đầy hy vọng. Ảnh: NHCSXH

Chỉ thị 40 đã mang đến cho người nông dân làng hoa Sa Đéc, Đồng Tháp cuộc sống đầy hy vọng. Ảnh: NHCSXH

Việc quản lý và thực hiện các chương trình tín dụng chính sách từ đây mang lại hiệu quả cao hơn, mọi chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về tín dụng chính sách được nắm bắt và triển khai kịp thời đến từng người dân. Thông qua đó, vai trò giám sát, phản biện xã hội và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp được phát huy cao độ trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội - một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị 40. Đặc biệt, sự nhập cuộc của các tổ chức, cơ sở Đảng trong vai trò chỉ đạo, điều hành và chính quyền các cấp đã góp phần quan trọng đưa nguồn vốn tín dụng chính sách phủ sóng khắp các vùng, miền trên cả nước và đến tận tay những người yếu thế.

Thực tiễn cho thấy, hơn 9 năm thực hiện Chỉ thị 40, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị và triển khai tích cực của NHCSXH, tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các địa phương đã dành trên 38.000 tỷ đồng ngân sách địa phương hỗ trợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Một số địa phương có nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay cao như Hà Nội trên 7.200 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh trên 6.500 tỷ đồng, Đà Nẵng và Bình Dương trên 1.900 tỷ đồng.

Nguồn vốn đã đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách ở 100% số xã, phường, thị trấn của cả nước; góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Mô hình tổ chức cùng phương thức hoạt động của NHCSXH được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới; xây dựng được phương thức cho vay ủy thác tín dụng chính sách xã hội hiệu quả, phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác tín dụng chính sách xã hội, giúp đỡ, khuyến khích các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng.

Cuộc sống mới…

Sa Pa - điểm sáng không chỉ của du lịch Lào Cai mà còn là của ngành du lịch cả nước; song, sự hưởng lợi của người dân bản xứ cũng chỉ điểm trên một vài bản quanh thị trấn. Phần còn lại là một Sa Pa đầy nhọc nhằn khi phải đối mặt với cuộc sống mưu sinh ở nơi ở của đồng bào bị chia cắt bởi các dãy núi cao, hiểm trở cùng thiên tai lũ quét và băng tuyết hàng năm. 17/17 xã đều có từ 5 - 10 thôn, bản đặc biệt khó khăn và hơn 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người Mông chiếm 52%, người Dao chiếm 22,4%.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã thay áo mới cho Mường Khương, Lào Cai. Ảnh: Trần Việt

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã thay áo mới cho Mường Khương, Lào Cai. Ảnh: Trần Việt

Khi Chỉ thị 40 chưa ra đời, hoạt động tín dụng chính sách ở Sa Pa thuộc "vùng trũng". Số xã có số lãi tồn đọng lớn lâu ngày chiếm đến 2/3 số xã của toàn huyện, với tổng dư nợ lãi tồn lớn trên 3,4 tỷ đồng, nợ quá hạn là 1,3 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,99%. Thêm vào đó, đa số hộ vay còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chế độ, chính sách được hỗ trợ cho không; không chấp hành quy định vay vốn…

Đến khi Chỉ thị 40 ra đời - được coi là khoảng lặng để Huyện ủy, UBND huyện Sa Pa nhìn nhận lại việc thực hiện tín dụng chính sách cũng như công cuộc giảm nghèo phát triển bền vững của địa phương. Để từ đó, đã có 1 Nghị quyết của HĐND huyện, trích tối thiểu 5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện hàng năm chuyển sang NHCSXH huyện để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Hiệu ứng từ Sa Pa đã lan tỏa ra khắp vùng cao Lào Cai; đơn cử tại TP. Lào Cai, hết quý III. 2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 327 tỷ đồng, với 6.652 hộ dư nợ, tăng trên 17 tỷ đồng so với 31.12.2022, tỷ lệ tăng trưởng 5,6%. Đến nay, 20 chương trình tín dụng đang triển khai trên địa bàn đã góp phần tích cực vào mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội. Nguồn vốn đã giúp 685 hộ thuộc đối tượng được tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất; giúp 4.735 lao động có việc làm mới; 1.441 hộ vay và làm được 2.882 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giúp 63 cán bộ, viên chức, người thu nhập thấp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để xây mới và cải tạo, sửa chữa nhà ở, góp phần ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.

Không dừng lại ở Tây Bắc xa xôi, "ngọn gió" từ Chỉ thị 40 cũng đã đưa cuộc sống của người dân đại ngàn Kon Tum bước lên một tầm cao mới. Nếu như cuối năm 2014 - thời điểm Chỉ thị 40 được ban hành, tỷ lệ hộ nghèo của Kon Tum là 15,88% (theo tiêu chí cũ), thì đến cuối năm 2022, toàn tỉnh chỉ còn 10,86% hộ nghèo (theo tiêu chí mới), trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số là 15.215 hộ (chiếm trên 95% so với tổng số hộ nghèo).

Theo Giám đốc NHCSXH Kon Tum Lê Danh Thứ, hiện tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt khoảng 4.172 tỷ đồng, tăng 411 tỷ đồng (tăng 10,9%) so với cuối năm 2022, hoàn thành 89% kế hoạch, với 71.121 hộ còn dư nợ. Trong đó, dư nợ nguồn vốn địa phương 185 tỷ đồng; dư nợ nguồn vốn Trung ương 3.987 tỷ đồng. Nguồn vốn đã góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh Kon Tum đạt tốc độ tăng trưởng khá và thuộc nhóm cao trong khu vực Tây Nguyên. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 43,2 triệu đồng cuối năm 2020 lên 52,44 triệu đồng vào cuối năm 2022.

Tại Hậu Giang - nơi đã từng được coi là vùng trũng của hoạt động tín dụng chính sách nhưng nay cũng đã có bước đột phá ngoạn mục. Từ khi có Chỉ thị 40 và Kết luận số 06-KL/TW, ngân sách địa phương đã ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn đến nay là trên 253 tỷ đồng, tăng trên 45 tỷ đồng so với đầu năm (tỷ lệ tăng 22%), hoàn thành 153% kế hoạch được giao năm 2023; nâng tổng tổng nguồn vốn tín dụng chính sách toàn tỉnh đạt trên 3.781 tỷ đồng, tăng 319 tỷ đồng so với đầu năm. Nguồn vốn cũng đã đến tay hơn 5,5 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp bà con vượt qua khó khăn và trụ vững trước đại dịch Covid-19.

Những con số và quan trọng nhất là cuộc sống đang ngày một ấm lên ở những vùng xa xôi hẻo lánh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… một lần nữa khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo và nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, kết quả đạt được từ thực hiện Chỉ thị 40 đã góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, là yêu cầu có tính nguyên tắc, bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện tính ưu việt của chế độ, được các tổ chức, bạn bè quốc tế mến mộ và đánh giá cao.

Thái Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/luong-gio-day-con-thuyen-an-sinh-cap-ben-i355936/