Lượng hóa, gắn với các biểu hiện sợ trách nhiệm của cán bộ để xử lý
Sáng 15/6, Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội (khóa XVII) tiếp tục diễn ra ngày làm việc thứ 2 để xem xét, thảo luận một số nội dung quan trọng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị.
Đại biểu đánh giá cao việc đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo
Tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo đã báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu về 3 nội dung, gồm: Báo cáo về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Báo cáo sơ kết 2 năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị và Dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội.
Theo đó, có 135 ý kiến góp ý vào 3 nội dung trên. Các ý kiến đều đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Ban Thường vụ Thành ủy về các nội dung.
Đối với dự thảo báo cáo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, các ý kiến đề nghị cần làm rõ bối cảnh khó khăn hơn dự báo; việc đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và sự đóng góp của Nhân dân.
Các đại biểu đặc biệt đánh giá cao việc đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, đổi mới phong cách quản lý, điều hành. Các đại biểu nêu các kiến nghị cụ thể về công tác luân chuyển cán bộ, việc khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu 50% bí thư, chủ tịch UBND xã không phải người địa phương.
Đối với báo cáo sơ kết 2 năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị, các đại biểu cơ bản đồng tình với dự thảo báo cáo; đồng thời tập trung phân tích, làm rõ kết quả; đề nghị bổ sung thêm biên chế của vị trí trí công chức văn phòng cấp ủy; tổ chức thi tuyển công chức phường, xã, thị trấn; tháo gỡ khó khăn về thủ tục luân chuyển cán bộ, công chức từ quận xuống phường, từ phường lên quận; tăng biên chế công chức cho các phường đông dân cư.
Về Dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội, các ý kiến thống nhất cao sự cần thiết và thời điểm ban hành Chỉ thị, đồng thời nêu các góp ý cụ thể về hình thức, nội dung Chỉ thị. Các ý kiến cho rằng, Chỉ thị không chỉ mang tính hiệu triệu mà còn phải gắn với chế tài cụ thể, nghiêm minh. Đặc biệt cần lượng hóa gắn với những biểu hiện cụ thể về đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức để xử lý.
Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực
Trước đó, ngày 14/6 trình bày Dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo nhấn mạnh: Xác định kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm là hàng đầu, 3 năm liền (2021-2023), thành phố đã lựa chọn và tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Nhờ đó, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục được nâng lên; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị được tăng cường.
Tuy nhiên, kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống chính trị thành phố còn một số mặt hạn chế. Việc chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền của một số cơ quan, đơn vị và một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nghiêm. Nhiều công việc nêu trong Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình công tác, Chương trình hành động, Kế hoạch, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành khác được thực hiện thiếu quyết liệt, chưa đúng tiến độ, chất lượng chưa đạt yêu cầu. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu công việc theo vị trí việc làm; có tâm lý “bàn lùi”, “không làm thì không sai”; không dám tham mưu, đề xuất, thậm chí không dám quyết định những nội dung công việc thuộc thẩm quyền...
Để khắc phục hạn chế tồn tại nêu trên, Dự thảo Chỉ thị đã nêu một số nhiệm vụ yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội nghề nghiệp từ thành phố xuống cơ sở tập trung thực hiện tốt như: Tập trung quán triệt, tạo chuyển biến mạnh về nhận thức của tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị thành phố về tầm quan trọng của việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm khi thi hành công vụ. Thực hiện có hiệu quả chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.
Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trên các lĩnh vực trên tinh thần cấp nào, địa phương nào làm tốt hơn thì giao cho cấp đó, địa phương đó thực hiện. Cá nhân các đồng chí cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương. Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, tâm huyết, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm, thực sự dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm...
Đồng thời, nâng cao tần suất, mật độ kiểm tra đột xuất về thực hiện các thủ tục hành chính. Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực và vi phạm khác. Kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu đối với những cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năng lực yếu, không chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, điều hành của cấp trên, có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, vi phạm đạo đức công vụ.