Thông tin trên được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố sau khi thông báo lên Quốc hội. Cơ quan hợp tác an ninh của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Bộ Ngoại giao nước này đã phê duyệt việc bán cho Kuwait 84 tên lửa đánh chặn Patriot và các thiết bị liên quan.
Ngoài ra, bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông qua việc sửa chữa và nâng cấp hệ thống tên lửa Patriot hiện tại của Kuwait.
Lockheed Martin và Raytheon Technologies là các nhà thầu chính về radar, thiết bị phóng và tên lửa đánh chặn của hệ thống phòng thủ Patriot.
Hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo PAC (Patriot Advanced Capability), gọi tắt là Patriot, được Mỹ phát triển để thay thế hệ thống Nike Hercules (là hệ thống phòng không tầm trung và tầm cao của Lầu Năm Góc) và thay thế hệ thống MIM - 23 Hawk (hệ thống phòng không chiến thuật tầm trung của quân đội Mỹ).
Hệ thống Patriot đã phục vụ trong quân đội Mỹ từ tháng 12-1981.
Hệ thống Patriot có các phiên bản PAC-1, PAC-2, PAC-3 và biến thể mới nhất mang tên PAAC-4 đang được phát triển từ năm 2013.
Tuy nhiên nổi tiếng nhất hiện nay vẫn là hệ thống Patriot thế hệ thứ 3 mang tên Patriot PAC-3.
Patriot PAC-3 (hay còn gọi là MIM-104F) là biến thể nâng cấp gần như toàn bộ của hệ thống phòng không Patriot các phiên bản trước đó.
Ngoại trừ hình dáng xe phóng và radar điều khiển hỏa lực, nhà sản xuất Lockheed Martin đã thiết kế lại gần như toàn bộ các hệ thống bên trong.
Điểm khác biệt đầu tiên so với biến thể PAC-2 trước đó là tên lửa. Quả đạn tên lửa của PAC-3 được trang bị động cơ thế hệ mới điều đó cho phép đường kính của đạn thu gọn hơn so với trước.
Do kích thước tên lửa nhỏ hơn nên mỗi hộp phóng chứa được 4 tên lửa thay vì chỉ 1 tên lửa như PAC-2.
Như vậy, mỗi xe phóng mang đến 16 quả đạn và với 4 xe phóng mỗi khẩu đội thì tổng số đạn là 64 quả (so với 16 quả của PAC-2 trước đây).
Điều này mang lại lợi thế rất lớn về mặt hỏa lực trong cuộc đánh trả đòn tập kích từ máy bay đối phương.
Patriot PAC 3 có hệ thống Radar điều khiển hỏa lực AN/MPQ-53/65 được trang bị thêm các bộ phận khuếch đại tín hiệu bằng đèn chân không TWT giúp tăng cường khả năng phát hiện, phân biệt mục tiêu trong môi trường lộn xộn.
Hệ thống này có tầm hoạt động 100 km, với khả năng phát hiện và theo dõi cùng lúc từ 90-125 mục tiêu.
Đồng thời cung cấp dữ liệu hướng dẫn tên lửa tấn công đồng thời 6 mục tiêu cùng một lúc.
Hệ thống radar này cũng có thể nhận dạng mục tiêu từ khoảng cách 35-50km.
Một tính năng quan trọng khác của PAC-3 mà PAC-2 không có là, bổ sung đầu tự dẫn radar chủ động băng tần Ka cho việc khóa mục tiêu ở giai đoạn cuối.
Việc bổ sung đầu tự dẫn này mang lại khả năng phản ứng nhanh với các mục tiêu là tên lửa đạn đạo chiến thuật thay vì phải phụ thuộc vào việc khóa mục tiêu từ đài radar mặt đất.
Tên lửa PAC-3 mang lại khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật gấp 5 lần so với PAC-2.
Patriot từng đánh chặn thành công khi bắn hạ 70% các loại tên lửa đạn đạo của Iraq bắn đến Saudi Arabia, và 40% các loại tên lửa bắn tới Israel trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.
Trong khi đó đối thủ trực tiếp của nó là S-300 và S-400 của Nga lại chưa một lần khai hỏa thực chiến.
Hiện các hệ thống phòng thủ Patriot được triển khai nhiều nhất tại khu vực Trung Đông, trong biên chế của Saudi Arabia, Kuwait, Israel, Qatar và các căn cứ của Mỹ ở đây.
Việt Hùng