Lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất: Thầy cô mong sớm thành hiện thực

Theo chuyên gia, việc ưu tiên xếp lương nhà giáo cao nhất trong bảng lương đơn vị hành chính sự nghiệp sẽ thu hút người giỏi vào ngành sư phạm.

Ngày 12/8, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Một trong những nhấn mạnh được nêu trong kết luận là : "Thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng...".

Thông tin này được thầy cô giáo cả nước quan tâm và bày tỏ sự vui mừng khi chủ trương này tiếp tục được nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ, chủ trương xếp lương của nhà giáo được ưu tiên xếp bậc cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp là điều đã được nêu trong Nghị quyết 29. Và kết luận lần này tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nội dung này.

"Đây là chủ trương rất nhân văn, qua đó tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên bớt lo cơm áo gạo tiền, ổn định tư tưởng dạy học tốt hơn. Bên cạnh đó, chủ trương này cũng sẽ lôi cuốn, thu hút sinh viên có kết quả học tập giỏi, xuất sắc phục vụ cho ngành giáo dục", ông Hòa nhận định.

Ông Phạm Văn Hòa phân tích thêm, trong thời gian qua, do chế độ đãi ngộ giáo viên chưa hấp dẫn nên nhiều học sinh giỏi không lựa chọn ngành sư phạm. Vì vậy, việc thực hiện yêu cầu trên là rất cần thiết.

 Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. (Ảnh: QH)

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. (Ảnh: QH)

Bên cạnh đó, việc đưa mức lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, cũng sẽ tạo điều kiện để giáo viên tập trung chuyên môn giảng dạy, hơn là việc dạy thêm, học thêm.

"Giáo viên có mức lương tốt, họ cũng sẽ phải có trách nhiệm toàn tâm, toàn ý giảng dạy chất lượng. Hạn chế thấp nhất việc dạy thêm, học thêm, đặc biệt là việc dạy thêm ngoài luồng", Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nhận định.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, để thực hiện mục tiêu nêu trên, cần đảm bảo việc chi đủ 20% ngân sách chi cho ngành giáo dục.

"Đã có quy định là phải chi đủ, Quốc hội đã biểu quyết cho phép chi 20% ngân sách cho giáo dục, đào tạo. Từ đó, mới nguồn để tăng lương cho giáo viên, đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất", ông Phạm Văn Hòa chia sẻ.

Lương chưa đủ đảm bảo mức sống, nhất là với giáo viên trẻ sống ở đồng bằng, thành phố

Chia sẻ quan điểm về nội dung nêu trên, thầy Vũ Đình Hưng (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang) cho hay: "Kết luận đã có nhiều chủ trương quan trọng để tháo gỡ những khó khăn, tạo ra nhiều động lực để thúc đẩy phát triển ngành giáo dục và đào tạo".

Giám đốc Sở chia sẻ thêm về tình hình tại địa phương, ở tỉnh Tuyên Quang, mỗi giáo viên được hưởng lương cơ bản và các loại phụ cấp khác….Tuy nhiên tổng mức lương vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, chưa đủ để đảm bảo mức sống cho giáo viên, nhất là những giáo viên trẻ và sống ở khu vực đồng bằng, thành phố.

"Áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng giáo viên không an tâm công tác, một bộ phận giáo viên bỏ việc, chuyển việc.

Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, địa phương thiếu nguồn tuyển dụng để bổ sung số giáo viên còn thiếu.

Vì vậy, Kết luận 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong đó có nội dung "lương nhà giáo được ưu tiên cao nhất" chính là nguồn động viên to lớn cho ngành giáo dục cả nước nói chung và tỉnh Tuyên Quang nói riêng, góp phần thu hút được nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, khuyến khích các thầy cô giáo có thêm động lực để toàn tâm, toàn ý cống hiến cho ngành giáo dục", Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang chia sẻ.

Để thực hiện lương nhà giáo được ưu tiên cao nhất đi vào thực tiễn, Giám đốc Sở đề xuất rằng, cần tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi đối với vùng đặc biệt khó khăn; Thâm niên nghề đối với nhà giáo; Thực hiện các Nghị quyết quy định chính sách thu hút trọng dụng nhân tài, hỗ trợ đào tạo sau đại học, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho ngành giáo dục.

Bên cạnh đó là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị dạy học trong các nhà trường; tiếp tục quan tâm, đầu tư cho hệ thống trường nội trú, bán trú của tỉnh.

Giáo viên hợp đồng dạy môn phụ bươn chải vì lương thấp

Là giáo viên giảng dạy hợp đồng môn Mỹ thuật, thầy giáo Vũ Văn Hào (Trường Tiểu học Hồng Tiến, Mỹ Đức, Hà Nội) cảm thấy phấn khởi khi chủ trương tăng lương nhà giáo cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp.

"Dù đó mới là chủ trương nhưng tôi cảm thấy rất phấn khởi. Nếu được áp dụng vào thực tế thì quá tốt, bởi sẽ bảo đảm cho đời sống của giáo viên.

Giáo viên đỡ vất vả lo kinh tế, dạy thêm, làm thêm ở ngoài, cũng như các vấn đề tiêu cực trong giáo dục, từ đó chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên", thầy Hào cho hay.

 Giáo viên Vũ Văn Hào (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Giáo viên Vũ Văn Hào (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Theo thầy Vũ Văn Hào, thực tế hiện nay, giáo viên mầm non là những người có mức lương thấp, không được dạy thêm, trong khi đó áp lực giảng dạy trông, dỗ trẻ là rất lớn. Từng có nhiều vụ việc, do giáo viên không kiềm chế được cảm xúc, nên có những hành vi bộc phát được camera ghi lại đã khiến họ phải trả giá đắt.

Chia sẻ về mức lương của bản thân, thầy Hào cho hay, anh là giáo viên hợp đồng và đang được nhận hệ số lương là 2,34, nếu chưa trừ bảo hiểm xã hội là được khoảng 4,6 triệu đồng/tháng.

"Đối với giáo viên Mỹ thuật không có dạy thêm, không có thâm niên công tác lâu năm thì mức lương rất thấp", thầy Hào nói.

Bên cạnh mức lương còn thấp, một giáo viên như anh giảng dạy 23 tiết/tuần, trong khi đó giáo viên bậc trung học cơ sở 17 tiết/tuần.

Để có thêm thu nhập trang trải cảnh "gà trống nuôi hai con", thầy Hào làm thêm công việc lao động chân tay vào thời gian tan lớp. Một tháng, thầy Hào được khoảng hai, đến ba triệu đồng/tháng.

"Vừa rồi, ở trường tôi có thầy giáo công tác hơn 30 năm gần về hưu, sau khi tăng mức lương cơ sở mới được hơn chục triệu đồng/tháng", thầy Hào chia sẻ.

Giáo viên mầm non vùng cao và những chi phí đắt đỏ

Cô Và Thị Già (giáo viên Trường Mầm non Sủng Trái, Mèo Vạc, Hà Giang) cho hay, cô công tác trong ngành đến nay đã 11 năm và cô được hưởng mức lương theo hệ số 2,72 (bậc cao đẳng), cô được nhận 10,7 triệu đồng/tháng.

“Ngoài mức lương được nhận từ nhà trường hằng tháng, tôi không có thêm thu nhập nào khác”, cô Già chia sẻ.

 Các trẻ trong lớp cô Già hoạt động giờ ngoại khóa.

Các trẻ trong lớp cô Già hoạt động giờ ngoại khóa.

Theo nữ giáo viên, từ nhà cô đến điểm trường với khoảng 25 cây số, lái xe mất khoảng 40 phút. Mỗi ngày cô đến điểm trường từ khoảng 6h sáng và khoảng hơn 4h chiều bắt đầu từ trường về. Có những hôm phụ huynh quá giờ đón trẻ, cô còn có thêm nhiệm vụ là chở trẻ về nhà trong thôn, bản.

Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, cô Già có hai con đang ở tuổi ăn học, chồng cô là giáo viên tiểu học và dạy ở xa, cuối tuần mới về. Vì vậy, cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn. Căn nhà trước lụp xụp, vợ chồng chị quyết định vay mượn để xây mới.

“Vừa qua, vợ chồng tôi vay tiền để cất căn nhà cấp bốn mới khoảng 400 triệu đồng. Giờ trả lãi ngân hàng, tiền sinh hoạt, cho con ăn học, có tháng tôi phải đi vay thêm để chi tiêu”, cô Già nói.

 Điểm trường nơi cô Già giảng dạy, người dân chủ yếu là dân tộc Mông, cuộc sống còn nhiều khó khăn. (Ảnh: NVCC)

Điểm trường nơi cô Già giảng dạy, người dân chủ yếu là dân tộc Mông, cuộc sống còn nhiều khó khăn. (Ảnh: NVCC)

Nữ giáo viên cho biết, mức chi tiêu sinh hoạt ở địa phương là vùng cao nên chi phí sinh hoạt đắt đỏ.

Cụ thể, hằng tuần, cô phải đổ đầy hai bình xe máy hết tổng khoảng 200 nghìn đồng; Đồ ăn cũng đắt đỏ, khi thịt lợn mông từ 140 nghìn đồng/cân lên 150 nghìn đồng/cân, gạo khoảng hơn 200 nghìn đồng/chục cân, 500 nghìn đồng/xe nước sinh hoạt dùng trong 2 tháng…

Bởi vậy, nếu lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất, cô Già cảm thấy rất phấn khởi và có thêm điều tốt đẹp để chờ đợi. Khi chủ trương này thành hiện thực, cô sẽ đỡ được những gánh nặng về kinh tế.

“Tôi vay mượn có tháng khoảng 3-4 triệu đồng để chi tiêu sinh hoạt”, nữ giáo viên chia sẻ.

Cô Già chia sẻ thêm, với giáo viên tốt nghiệp đại học mới công tác tại trường, họ có mức lương cùng các loại phụ cấp được khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Mạnh Đoàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/luong-nha-giao-duoc-uu-tien-xep-cao-nhat-thay-co-mong-som-thanh-hien-thuc-post244755.gd