Lương phi công 300 triệu/tháng, tìm không ra người phải dừng bay
Vietnam Airlines thừa nhận có sự chuyển dịch về phi công lái Boeing 787. Thiếu phi công, hãng phải ra nước ngoài tìm kiếm nhưng không hề dễ dàng khi cả thế giới đều thiếu. Vì thế có thời điểm hãng phải dừng khai thác loại tàu bay này.
Thuê phi công, lấy đâu 300 triệu trả lương?
Trong khuôn khổ diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam sáng 9/12, ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho hay, cơ quan này đang gặp khó do mâu thuẫn giữa chính sách giảm biên chế của Nhà nước và nhu cầu giám sát viên an toàn bay và cơ chế trả lương cho phi công được thuê làm công việc này.
Cụ thể, theo ông Võ Huy Cường, khi hãng hàng không tăng thêm 10 chiếc máy bay thì quản lý Nhà nước phải tăng thêm 1-2 người mới đáp ứng được yêu cầu giám sát an toàn khai thác.
Do vậy, khi các hãng tăng đột biến về số lượng máy bay, quản lý Nhà nước lại không có nguồn nhân lực bổ sung. Ông Cường cho rằng, đây là một nút thắt lớn. Do giám sát an toàn bay, giám sát viên bay có hơi hướng thanh tra nên phải là công chức nhà nước. Song, chính sách tinh giản biên chế theo yêu cầu vô tình lại gây ra khó khăn. “Nhà nước dành 30 tỷ đồng/năm cho công tác giám sát bay, nhưng do không có công chức thực hiện, chúng tôi đành phải thuê nhân lực là phi công của các hãng”, ông Cường nói.
Trên thực tế, 2 năm nay, Cục Hàng không Việt Nam thuê phi công của Vietnam Airlines, Vietjet, Hải Âu để làm giám sát viên an toàn bay. Song, cơ quan này lại không trả được đồng lương nào cho họ vì bị chính sách “chặn”. Do vậy, Cục Hàng không đã phải xin tiền để đào tạo công chức làm phi công, sau đó chuyển sang làm thanh tra bay.
Ông Cường kiến nghị, cần có sự thay đổi chính sách để các hãng hàng không cử phi công đến Cục làm việc với danh nghĩa là người của cơ quan này, thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giám sát an toàn bay, như vậy mới đủ số lượng nhân lực.
Cục Hàng không Việt Nam mới đây đã gửi văn bản tới các hãng, trong đó cảnh báo nếu một vài tháng tới, cơ quan này không được tăng thêm 8-9 giám sát viên thì toàn bộ hoạt động giám sát bay chỉ dừng lại ở mức hiện tại, như vậy các hãng không thể nhận thêm máy bay nữa.
“Chúng tôi không có tiền để trả lương cho phi công khi thuê làm công chức giám sát bay. Họ làm phi công, lương 300 triệu đồng/tháng, gấp nhiều lần công chức, nhưng bất cập là nguồn nhân lực của Cục lại thiếu... mà ngoài giám sát an toàn bay, chúng tôi thiếu cả quản lý bay, an ninh hàng không tại cảng,... Đó là những nút thắt, nếu không tháo gỡ thì trong tương lai sẽ có thêm nhiều nút thắt khác nữa” - ông Võ Huy Cường lo ngại.
Dừng bay vì thiếu phi công
Cũng liên quan đến nguồn nhân lực, đặc biệt là phi công và kỹ sư máy bay, ông Lê Hồng Hà - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, bày tỏ nỗi lo lắng không chỉ của Vietnam Airlines mà hầu hết các hãng hàng không đang gặp phải.
Trong bối cảnh thị trường có thêm hãng hàng không mới, thậm chí sắp tới là 3-4 hãng, nguồn nhân lực đặc thù như phi công và kỹ thuật máy bay luôn khan hiếm. Trên thực tế, đã có hiện tượng lôi kéo, tranh giành nguồn nhân sự chất lượng cao này nên có sự dịch chuyển giữa các hãng trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, để đào tạo 1 phi công lái được các dòng máy bay thông thường, theo ông Lê Hồng Hà, phải mất 4-5 năm, còn với các dòng máy bay mới hiện đại như Airbus 350, Boeing 787 phải mất 7-8 năm. Kỹ sư máy bay cũng mất 3-4 năm mới đủ tay nghề làm được việc.
Đã có nhiều học viện, trung tâm đào tạo nhân lực hàng không ra đời, nhưng 3-5 năm tới mới đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tương lai. “Trong vòng 5-7 năm tới, nếu để thiếu hụt đội ngũ nhân lực này sẽ gây uy hiếp về an toàn bay” - ông Lê Hồng Hà nhấn mạnh.
Tại Vietnam Airlines, vị Phó Tổng giám đốc thừa nhận có sự chuyển dịch về phi công lái máy bay Boeing 787. Hãng phải ra nước ngoài tìm kiếm, nhưng việc thuê được phi công cũng không hề dễ khi cả thế giới đều thiếu. Kể cả khi thuê được cũng mất ít nhất 6 tháng để chuyển đổi nhà khai thác, vì thế có những thời điểm Vietnam Airlines phải dừng khai thác vì thiếu phi công và đảm bảo sử dụng phi công đúng quy định của nhà chức trách.
Tại diễn đàn, đại diện của Airbus cho hay, thị trường hàng không Việt Nam hiện có khoảng 200 tàu bay, cùng với sự ra đời của nhiều hãng hàng không mới, thời gian tới số lượng tàu bay sẽ tăng nhanh, lên tầm 500 chiếc và dự báo lên tới 800 chiếc trong vòng 20 năm tới. Khi đó, Việt Nam phải đối mặt với sự thiếu hụt gay gắt hơn về nhân lực hàng không. Tuy nhiên, vị này cho rằng đây là tình trạng chung ở tất cả các thị trường mà hàng không tăng trưởng mạnh. Do đó, cần gấp rút đào tạo bổ sung phi công và nguồn nhân lực chất lượng cao.