Lương, phụ cấp của giáo viên thay đổi thế nào khi thăng hạng?
Bên cạnh việc nâng cao trình độ, chuyên môn, lương, phụ cấp cũng là một trong những vấn đề được nhiều giáo viên quan tâm. Vậy, sau khi thăng hạng, lương và phụ cấp của giáo viên có đương nhiên tăng hay không?
Cách giúp giáo viên được thăng hạng
Thăng hạng chức danh nghề nghiệp là việc viên chức được bổ nhiệm giữ chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn trong cùng một ngành, lĩnh vực (khoản 4 Điều 2 Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012).
Khi muốn thăng hạng từ hạng thấp lên hạng cao hơn trong cùng ngành, lĩnh vực phải thực hiện thông qua việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp (Điều 29 Nghị định 29 năm 2012).
Đồng thời, tại Điều 3 Thông tư 12/2012/TT-BNV, Bộ Nội vụ nêu rõ, căn cứ vào đặc điểm của hoạt động nghề nghiệp và điều kiện cụ thể của đơn vị, ngành, lĩnh vực hoạt động sự nghiệp, các cơ quan, đơn vị được phân công, phân cấp tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp quyết định hình thức thi hoặc xét thăng hạng với viên chức
Như vậy, việc lựa chọn hình thức thi thăng hạng hay xét thăng hạng là do cơ quan, đơn vị được phân công, phân cấp tổ chức quyết định căn cứ vào nhiều yếu tố như: Đặc điểm của hoạt động nghề, nghiệp, điều kiện cụ thể của đơn vị, ngành, lĩnh vực hoạt động…
Các cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào các yếu tố sau để tổ chức việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức:
- Danh mục, số lượng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Số lượng viên chức ứng với chức danh nghề nghiệp còn thiếu theo yêu cầu của vị trí việc làm.
- Đơn vị sự nghiệp có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
- Tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Với riêng đối tượng giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT ngày 18/8/2017 và Thông tư số 28/2017/TT-BGDĐT ngày 30/11/2017 quy định chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức của hai hình thức này.
Cụ thể, nhà trường sẽ căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp và nhu cầu của các cơ sở giáo dục công lập cùng tình hình thực tế của địa phương để cử giáo viên có đầy đủ điều kiện dự thi hoặc dự xét thăng hạng. Và giáo viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn:
- Được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác 3 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ.
- Có đầy đủ phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian bị kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét kỷ luật.
- Có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký.
Như vậy, chỉ khi có đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn nêu trên, giáo viên sẽ được cử để tham gia thi hoặc xét thăng hạng.
Lương, phụ cấp giáo viên thay đổi thế nào khi thăng hạng?
Thông qua thăng hạng, giáo viên sẽ được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề so với chức danh trước đây. Do đó, nhiều người vẫn nghĩ lương, phụ cấp giáo viên lúc này sẽ tăng cao hơn.
Về việc xếp lương cho giáo viên đã được bổ nhiệm sau khi thi hoặc xét thăng hạng, Điều 15 Thông tư 12/2012/TT-BNV quy định sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Theo đó, Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức tại Thông tư số 02/2007/TT-BNV. Cụ thể như sau:
- Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.
- Trường hợp đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, thì căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới và thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.
- Trường hợp có tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ lớn hơn hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới, thì xếp vào hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới và được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm nhiên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới (kể cả hệ số chênh lệch bảo lưu) và thời gian xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.
Hệ số chênh lệch bảo lưu này được hưởng trong suốt thời gian cán bộ, công chức, viên chức xếp lương ở ngạch mới. Sau đó, nếu cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được nâng ngạch hoặc chuyển ngạch khác, thì được cộng hệ số chênh lệch bảo lưu này vào hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm nhiên vượt khung, nếu có) đang hưởng để xếp lương vào ngạch được bổ nhiệm khi nâng ngạch hoặc chuyển ngạch và thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu kể từ ngày hưởng lương ở ngạch mới.
Như vậy, sau khi thăng hạng, tùy vào hệ số lương và phụ cấp hiện hưởng mà mức lương và phụ cấp mới của giáo viên sẽ thay đổi, có thể bằng hoặc lớn hơn mức lương hiện hưởng chứ không phải sẽ đương nhiên cao hơn mức lương hiện hưởng.
Bỏ phụ cấp thâm niên của giáo viên từ 1/7/2020
Từ 1/7/2020, Khi Luật Giáo dục chính thức có hiệu lực thì căn cứ tính lương của giáo viên cũng thay đổi. Điều 76 Luật Giáo dục năm 2019 nêu rõ, nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp.
Trong đó, vị trí việc làm được giải thích cụ thể tại Điều 7 Luật Viên chức: Đây là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng, là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện tuyển dụng, sử dụng, quản lý.
So với Luật Giáo dục hiện hành, việc xếp lương “phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp” là quy định hoàn toàn mới. Quy định này cũng phù hợp với tinh thần về cải cách tiền lương nêu tại Nghị quyết 27/NQ-TW do Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành.
Như vậy, theo quy định trên, tương lai giáo viên sẽ được xếp lương dựa vào kết quả, tính chất phức tạp của công việc từng người mà không phải xếp theo cách “cào bằng” như hiện nay.
Một trong những quy định mới mà mọi giáo viên không thể bỏ qua trong năm 2020 là việc chính thức bỏ phụ cấp thâm niên theo quy định tại Luật Giáo dục năm 2019.
Theo Luật này, nhà giáo sẽ được hưởng lương phù hợp với vị trí việc làm và được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề. Trong khi đó, hiện nay, Điều 81 Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi năm 2009 về tiền lương của giáo viên có nêu rõ: Nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác ...
Có thể thấy, Luật mới đã bỏ phụ cấp thâm niên. Thay vào đó, giáo viên sẽ được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề. Phụ cấp này được quy định tại Nghị định 113 năm 2015 và chỉ áp dụng với người vừa dạy lý thuyết, vừa dạy thực hành là nghệ nhân ưu tú trở lên hoặc người có trình độ kỹ năng nghề cao, dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.