'Lưỡng quốc Trạng nguyên' Nguyễn Đăng được gọi là... Trạng Tỏi, vì sao?

Với quan niệm người đỗ đầu khoa thi đình là Trạng nguyên nên khi Nguyễn Đăng mất, người ta lập đền thờ gọi là đền Trạng nguyên. Dân gian thì quen gọi ông với cái tên gần gũi chân quê: Trạng Tỏi (tức là ông trạng làng Tỏi)...

Nguyễn Đăng sinh năm 1576 tại làng Đại Toán, huyện Quế Dương, Kinh Bắc. Làng Đại Toán, ngày ấy gồm 4 thôn đều có tên nôm là Tỏi: Tỏi Mão, Tỏi Thủy, Tỏi Đồng, Tỏi Mai. Ngày nay cả 4 thôn đều thuộc xã Chi Lăng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Thần tích kể rằng, bấy giờ ở 4 thôn Tỏi đều có nghề đan dó bị bằng cói. Nhà nghèo nên Nguyễn Đăng thường phải gánh dó đi bán ở các chợ vùng quê. Đến đâu thấy có trường học là Nguyễn Đăng lân la tới gần, đứng ngoài học lỏm. Có một thầy đồ thương tình nhận vào cho học.

Nguyễn Đăng nghèo không đủ tiền mua giấy bút, thầy bảo mang theo tấm ván để tập viết. Nhưng Nguyễn Đăng lại tưởng là tấm ván quan tài nên hôm sau chàng liền vác sang nhà thầy một tấm ván thượng mà người ta cất mả vứt bỏ ở bãi tha ma. Bọn học trò thấy thế cười ồ lên chế nhạo. Thầy đồ nhìn tấm ván mà rằng: Các trò chớ có coi thường Nguyễn Đăng. Cậu bé này sẽ làm đến thượng quan đó, ta không theo kịp đâu.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một lần, Nguyễn Đăng đang đi học gặp mưa phải vào trú ở đình Hán Đà, bấy giờ quan viên trong đình đang làm lễ tế thần. Khi Nguyễn Đăng vào đến cổng thì đèn nến trong đình tự dưng phụt tắt, chiêng trống vẫn khua nhưng chẳng hiểu tại sao không phát ra tiếng kêu. Lễ tế thần đành phải dừng lại. Lúc ấy, thần hoàng đình nhập vào chủ tế nói rằng: Có quan bác tới chơi, phải ra nghênh tiếp.

Mọi người tìm khắp cả đình chỉ thấy Nguyễn Đăng ngồi co ro tránh rét ở dải vũ bèn mời ngồi vào chiếu thần vị. Vừa lúc ấy, đèn nến lại tự dưng cháy sáng, chiêng trống lại kêu vang, ai nấy đều lấy làm ngạc nhiên. Đó là ký ức dân gian được các quan bộ Lễ sưu tập đưa vào thần tích, vậy nên đã có phần huyền thoại hóa. Song qua đó có thể thấy rõ sự thông minh, hiếu học, tài năng, đức độ của Nguyễn Đăng. Đồng thời cũng là thể hiện sự mến mộ của dân gian đối với ông. Sách "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú, phần "Khoa mục chí" ghi về sự đỗ đạt của Nguyễn Đăng như sau:

Kính Tông, năm Hoằng Định thứ 3 (tức năm 1602), khoa Nhâm Dần, lấy đỗ tiến sĩ 10 người. Hội nguyên, đình nguyên, hoàng giáp: Nguyễn Đăng thi hương, thi hội, thi đình đều đỗ đầu. Chính vì thế nên thời bấy giờ người ta gọi ông là Tam nguyên Nguyễn Đăng, mặc dù khoa thi đình năm ấy không lấy Trạng nguyên mà người đỗ đầu gọi là Hoàng giáp. Với quan niệm người đỗ đầu khoa thi đình là Trạng nguyên nên khi Nguyễn Đăng mất, người ta lập đền thờ gọi là đền Trạng nguyên. Còn như khẩu khí dân gian thì quen gọi ông với cái tên gần gũi chân quê: Trạng Tỏi (tức là ông trạng làng Tỏi).

Năm 1613, Nguyễn Đăng cùng Nguyễn Đình Chính và Nguyễn Đường Xuyên đi sứ nhà Minh. Dọc đường, ông ngâm vịnh thơ cùng các quan lại Trung Quốc và sứ giả Triều Tiên, có nhiều câu hay. Khi đi qua Phi Lai, ông làm bài phú 8 vần, được mọi người truyền tụng. Sách "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú có chép lại bài phú này. Do có tài ứng đối và thơ phú nên ông được người Minh kính phục lắm. Dân gian vẫn truyền tụng rằng Nguyễn Đăng được vua nhà Minh phong làm Trạng nguyên, vì thế mà không ít người quen gọi ông là "Lưỡng quốc Trạng nguyên". Khi đi sứ về, ông được thăng làm Hữu bộ thị lang bộ Hộ.

Về sự nghiệp văn chương, Nguyễn Đăng để lại cho người đời sau tác phẩm "Phi Lai tự phú". Sách "Danh thần danh nho truyện ký" chép rất tỉ mỉ về bài phú nổi tiếng này. Sách viết rằng: Nguyễn Đăng về từ phú đứng đầu thiên hạ, đàn bà, con trẻ ai cũng biết tên, đặt câu mà nói rằng: Phú ông Tỏi, hỏi làm chi!... Trạng Tỏi Nguyễn Đăng mất vào khoảng năm 1657, thọ 81 tuổi. Ngày nay, người dân quê ông thờ phụng, ghi nhớ, truyền tụng và mãi tự hào về ông Trạng Tỏi Nguyễn Đăng hiếu học, tài hoa. Đền thờ ông ở làng Hán Đà, xã Hán Quảng (Quế Võ) đã được Nhà nước công nhận và cấp bằng di tích Lịch sử văn hóa.

Lời bàn về Nguyễn Đăng

Nói về truyền thống khoa bảng ở nước ta, ai cũng biết đến nguyễn Khuyến đạt danh hiệu "Tam nguyên" và hậu thế ngày nay thường gọi là "Tam Nguyên Yên Đỗ" để bày tỏ sự thán phục về tài học của cụ. Vậy nhưng người đời lại ít ai biết rằng ngoài "Tam Nguyên Yên Đỗ" còn có "Tứ Nguyên Nguyễn Đăng". Ông là một văn quan mẫn tiệp với triều Lê nên được hai triều vua là Lê Kính Tông và Lê Thần Tông rất mến phục, trọng dụng. Triều đình bổ nhiệm ông chức Hộ bộ Hữu thị lang, tước Phúc Nam hầu. Năm Quý Sửu (1613), ông cùng Thượng thư Lưu Đình Chất được cử đi sứ Trung Quốc. Đến nơi, ông cùng sứ Cao Ly đối đáp nổi tiếng. Trong dịp này, khi được vua Minh mời đến thăm ông có làm bài phú tả cảnh chùa Phi Lai được truyền tụng đến ngày nay. Tục truyền rằng, người Trung Quốc thấy bài phú của ông đều xuống ngựa vái lạy và khắc bài phú ấy vào bia đá đề cạnh chùa...

Với đức độ, tài năng uyên bác của mình, Nguyễn Đăng có nhiều cống hiến cho dân, cho nước. Ông luôn làm việc hết mình và được người đương thời ca ngợi, các quan trong triều nể phục. Đến khi về trí sĩ, ông lại mang nốt phần tâm lực của mình ra để giúp đỡ làng xóm, quê hương. Ông mở lớp dạy học ở làng Hán Đà, Hán Quảng, học trò theo học rất đông. Nhiều người trong số đó đã hiển đạt. Có thể nói ông đã có công xây đắp cho truyền thống giáo dục tại xứ Kinh Bắc trong quãng đời xế bóng. Chỉ với nhiêu đó cũng đã quá đủ để hậu thế hiểu rằng tổ tiên ta từ xa xưa đã sống hết mình vì quê hương, đất nước và nhân dân. Và điều đọng lại sau giai thoại trên là hậu thế nghĩ gì về trách nhiệm của mình với người xưa, với đất nước?

Theo Báo Bình Phước

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/luong-quoc-trang-nguyen-nguyen-dang-duoc-goi-la-trang-toi-vi-sao-2012025.html