Lương tăng, giáo viên mầm non vùng cao có thêm kinh phí mua sắm đồ dùng cho trẻ

'Vợ chồng tôi và con nhỏ đang ở trọ, chi phí khoảng 2 triệu đồng/tháng. Được tăng lương, tôi sẽ đỡ được khoản tiền này', cô Lùng Thị Vinh chia sẻ.

Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng.

Đối với giáo viên mầm non - những người phải "đi sớm, về muộn" làm thêm giờ không có phụ cấp, và nhiều khi phải bỏ tiền túi để làm đồ dùng cho học sinh học tập, họ cảm thấy vui khi được tăng lương là có thêm sự hỗ trợ tài chính để bớt đi những thiếu thốn trong giảng dạy, cũng như sinh hoạt tại vùng cao.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Lò Thị Hồng Duyên (Trường Mầm non Suối Lư, Điện Biên Đông, Điện Biên) cho hay, cô đã công tác trong ngành giáo dục được trên 10 năm và đều làm việc ở khu vực xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III). Hệ số lương của cô hiện tại là 2,67 cộng với các khoản phụ cấp 70% khu vực, và 70% đứng lớp, tổng cộng mức lương của cô nhận được khoảng 11 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, với số tiền lương nhận được, cô Duyên phải chi cho tiền thuê trọ, sinh hoạt... và thậm chí là bỏ tiền túi mua dụng cụ để làm đồ dùng dạy học...

 Sau khi mua sắm các nguyên vật liệu, cô Duyên tự làm ra sản phẩm những vật dụng được tạo hình sinh động để dạy trẻ. (Ảnh: NVCC)

Sau khi mua sắm các nguyên vật liệu, cô Duyên tự làm ra sản phẩm những vật dụng được tạo hình sinh động để dạy trẻ. (Ảnh: NVCC)

Cô Duyên kể, trước năm học mới, giáo viên sẽ phải tự trang trí lớp, tạo khuôn viên của trường, như đầu tư hoa, cây cảnh, tranh ảnh đầu năm học...

"Sau này, trong quá trình học tập, có những tranh ảnh học sinh nghịch bóc đi, giáo viên phải tự đầu tư trang trí lại", cô Duyên chia sẻ.

Về phía gia đình học sinh, cô Duyên cho hay, học sinh của nhà trường hầu hết là dân tộc Mông. Phụ huynh sẽ chi cho con cái việc mua sách vở, một số đồ dùng học tập như kéo, khăn mặt... cho con bước vào năm học mới.

Còn với giáo viên, một ngày họ giảng dạy 5-6 tiết. Mỗi tiết học, giáo viên sẽ phải chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cho học sinh. Nếu nhiều trẻ, giáo viên phải mua sắm thêm nhiều đồ dùng.

 Những đồ nhạc cụ được giáo viên làm. (Ảnh: NVCC)

Những đồ nhạc cụ được giáo viên làm. (Ảnh: NVCC)

Mỗi năm học, giáo viên có 3 lần được dự giờ thao giảng, mỗi tháng 1 lần dạy chuyên đề (dạy 1 tiết mẫu để cả tổ hoặc cả trường cùng xem để góp ý, những kinh phí của hoạt động này chia theo đầu người hoặc chia theo tổ)...

Giả dụ, tiết thao giảng về tạo hình để lãnh đạo trường dự giờ đánh giá giáo viên và học sinh, cô Duyên sẽ phải chuẩn bị 25 cái bảng nhỏ (tổng hơn 300 nghìn đồng) với 2 bảng giáo viên là 30 nghìn đồng, 2 bộ xếp hình cỡ lớn của giáo viên (tổng 50 nghìn đồng), sau đó là 25 bộ hình học (12 nghìn đồng/bộ, tổng khoảng hơn 200 nghìn đồng), 1 khung tranh để cho giáo viên treo hình mẫu (khoảng vài chục nghìn đồng)....

Nếu là tiết tạo hình ao cá, giáo viên phải chuẩn bị mô hình về ao cá, là những con cá bằng nhựa hoặc được khâu bằng vải bông để trẻ dễ hình dung, rồi các cây hoa bằng giấy để trang trí...

"Những khoản dụng cụ để phục vụ cho việc giảng dạy, giáo viên mầm non sẽ phải tự bỏ tiền túi ra để mua.

Trừ những tiết thao giảng cấp huyện, sẽ có nhà trường hỗ trợ một chút, còn lại là giáo viên phải tự lo chi phí. Còn thao giảng cấp trường, giáo viên phải tự chi trả hết những khoản đó", cô Duyên chia sẻ.

Bên cạnh khoản chi tiêu cho hoạt động giảng dạy, cô Duyên phải trả tiền thuê nhà mỗi tháng là 700 nghìn đồng/tháng, chưa tính tiền điện, ăn uống hằng tháng.

Chồng và con của cô Duyên cách trường khoảng 50 cây số. Mỗi lần đi về thăm nhà, cô lại đi xe máy về nhà.

"Khi con còn bé, nếu con bị ốm đau, tôi lái xe máy về nhà rồi đến sáng sớm, tôi lại đến trường", cô Duyên nhớ lại.

Chồng của cô Duyên cũng đi làm công ty và phải làm xa nhà, hai đứa con được gửi gắm cho ông bà nội chăm nom.

Với những khoản chi tiêu cho sinh hoạt, đi lại, làm đồ dùng học tập... có những tháng, chồng phải hỗ trợ thêm kinh phí cho cô.

Chia sẻ cảm xúc về việc tăng lương cơ sở, cô Duyên cảm thấy rất vui. Bản thân cô có thể được tăng khoảng 3 triệu đồng/tháng. Đây là sự hỗ trợ để cô có thêm khoản để chu cấp cho hai con ăn học, cũng như có thêm kinh phí hỗ trợ mua đồ dùng học tập.

Chia sẻ về nội dung trên, cô Y Nhung (giáo viên Trường mầm non Đắk Kroong, Đắk Glei, Kon Tum) cho hay, việc tăng lương cơ sở, bản thân cô cũng như các giáo viên cảm thấy rất phấn khởi.

"Mức lương của cô tôi được khoảng 9 triệu đồng/tháng và dự tính tăng lương được thêm khoảng 2 triệu đồng/tháng.

Tôi thích đi du lịch ra Hà Nội nhưng với việc có thêm số tiền đó, tôi sẽ phải tích lũy cả năm mới đi được. Bởi lẽ, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác là đang vay tiền ngân hàng để sửa sang lại nhà cửa..", cô Y Nhung cười nói.

Nữ giáo viên chia sẻ, để có thêm nguồn thu nhập, có những đồng nghiệp của cô tranh thủ đi làm thêm vào ngày nghỉ cuối tuần. Đó là những công việc tại các đồn cao su, cà phê...

Cuộc sống của những giáo viên mầm non ở vùng cao bên cạnh những khó khăn đó, còn là việc phải bỏ tiền túi để mua vật dụng làm đồ dùng học tập cho trẻ.

 Các giáo viên Trường Mầm non Đắk Kroong làm đồ dùng để giảng dạy.

Các giáo viên Trường Mầm non Đắk Kroong làm đồ dùng để giảng dạy.

Giả dụ, khi cô Nhung đến tiết dạy khám phá khoa học về hoa hồng cho một lớp khoảng 30 trẻ, cô có thể sẽ mua hoa tươi (một bông khoảng 5 nghìn đồng/bông, hoặc mua cả cây), để dạy học cho trẻ. Hoa cũng có thể dùng để dạy trẻ làm những sản phẩm khác cắm hoa, lãng hoa, bưu thiếp, hoa ép.

"Với bông hoa hồng có màu đỏ, giáo viên sẽ cho các em kiến thức đó là loài hoa gì, cánh ra sao, hoa hồng có những loại màu gì... Từ đó, giáo viên có thể mua các loại hoa khác cho trẻ hoặc chiếu video cho học sinh để biết được về những loại hoa đó.

Tất cả các học liệu phục vụ cho công tác, tự giáo viên phải tìm và cung cấp cho học sinh", cô Nhung kể.

 Các giáo viên trang trí khuôn viên sân trường. (Ảnh: NVCC)

Các giáo viên trang trí khuôn viên sân trường. (Ảnh: NVCC)

Cô Nhung cũng chia sẻ thêm về buổi học tạo hình, hoặc khám phá khoa học, văn học.

Ví dụ, về văn học, để kể chuyện, giáo viên phải chuẩn bị mô hình, những đồ dùng như mũ quần, áo, để trẻ hóa thân thành những nhân vật trong câu chuyện đó. Làm mô hình cũng mất nhiều thời gian.

"Khi giáo viên có tiết dự giờ, họ sẽ chuẩn bị chỉnh chu hơn, tốn kém chi phí nhiều hơn, trung bình, tốn tầm 300-400 nghìn đồng...", cô Nhung chia sẻ.

Theo giáo viên Lùng Thị Vinh (giáo viên điểm trường mầm non Há Đề 1, Giàng Chu Phìn, Mèo Vạc, Hà Giang), về việc tăng lương, cô ước tính có thể được tăng lên khoảng 2-3 triệu đồng/tháng. Mức lương hiện tại của cô được hiện tại được khoảng 10 triệu đồng/tháng.

"Vợ chồng tôi và con nhỏ đang ở trọ, chi phí khoảng 2 triệu đồng/tháng. Được tăng lương, tôi sẽ đỡ được khoản tiền này", cô Vinh vui mừng nói.

Chia sẻ về hoạt động giảng dạy, cô Vinh cho hay, trong tiết dạy trẻ về thơ, truyện, giáo viên sẽ bỏ "tiền túi" ra để in tranh màu, mỗi tờ A4 có giá khoảng 10 nghìn đồng, giáo viên in thường từ 2-5 tờ.

"Còn việc làm đồ dùng để phục vụ cho giảng dạy, giáo viên có thể đi kiếm lon bia, bìa giấy để làm đồ", cô Vinh chia sẻ.

Bên cạnh những hoạt động nêu trên, nếu giáo viên tham gia thao giảng cấp trường hoặc thi cấp trường sẽ phải đầu tư nhiều hơn, để có tiết dạy được đánh cao từ lãnh đạo, đồng nghiệp.

Mạnh Đoàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/luong-tang-giao-vien-mam-non-vung-cao-co-them-kinh-phi-mua-sam-do-dung-cho-tre-post243914.gd