Lương tháng 15 triệu nhưng mắc nợ đến 87 tỷ đồng, nữ công nhân nộp đơn phá sản
Hành động của nữ công nhân nhận về nhiều lời chỉ trích gay gắt.
Một đơn xin phá sản cá nhân vừa được nộp lên Tòa án Nhân dân cấp trung thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc, đang thu hút sự chú ý lớn từ dư luận. Người nộp đơn là một phụ nữ 37 tuổi, họ Zhou, hiện có mức thu nhập hàng tháng chỉ khoảng 4.784 nhân dân tệ (khoảng 15 triệu đồng Việt Nam), trong khi số nợ cô đang gánh lên tới 25,44 triệu nhân dân tệ – con số vượt xa khả năng chi trả, tương đương hơn 87 tỷ đồng.
Thông tin này được công bố trong thông báo chính thức của Tòa án Nhân dân cấp trung Thâm Quyến về việc xem xét đơn xin phá sản cá nhân, khiến cộng đồng mạng Trung Quốc dậy sóng. Nhiều cư dân mạng không giấu được sự ngỡ ngàng trước mức chênh lệch khổng lồ giữa thu nhập và khoản nợ. Một số bình luận được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội như: “Người bình thường sao có thể nợ tới hơn 25 triệu?”, “Nộp đơn phá sản là được xóa nợ ư?”, hay “Nếu không ăn không uống gì, cô ấy cũng phải trả nợ suốt hơn 400 năm".

Văn phòng quản lý phá sản Thâm Quyến.
Theo ảnh chụp từ hồ sơ phá sản, ngoài thu nhập hàng tháng nói trên, Zhou chỉ có khoảng hơn 11.500 nhân dân tệ trong tài khoản quỹ dự phòng nhà ở – một con số rất nhỏ so với khoản nợ khổng lồ mà cô đang đối mặt.
Trả lời báo chí, một đại diện của Tòa án Nhân dân cấp trung Thâm Quyến cho biết: “Vụ việc hiện vẫn đang trong giai đoạn thông báo và xem xét, chưa chính thức được chấp nhận”. Trong khi đó, đại diện của Văn phòng Quản lý Phá sản Thâm Quyến nhấn mạnh: “Việc đăng tải thông báo trên mạng là bước để thu thập ý kiến từ các bên liên quan, nhằm xác minh thông tin khai báo của người nộp đơn, chứ không đồng nghĩa với việc đơn xin phá sản đã được chấp thuận".
Luật sư Nie Sha, thuộc Công ty Luật Bắc Kinh Yingke (chi nhánh Trùng Khánh), cho biết: theo quy định phá sản cá nhân đang được áp dụng thí điểm tại Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến, người mắc nợ có thể lựa chọn một trong ba hình thức xử lý: thanh lý phá sản, tái tổ chức hoặc hòa giải. Tuy nhiên, để được xem xét phá sản, người nộp đơn phải đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt, bao gồm công khai đầy đủ thông tin tài chính và đảm bảo hành vi trung thực trong suốt quá trình xét xử.
“Cơ quan xét xử sẽ điều tra kỹ lưỡng nguồn gốc khoản nợ và việc quản lý tài sản. Nếu phát hiện người nộp đơn gian lận – như khai sai, giấu tài sản hay cố tình chuyển nhượng để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ – người đó có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý và thậm chí đối diện án hình sự nếu vi phạm nghiêm trọng”, luật sư Nie phân tích.

Thực tế, Thâm Quyến là địa phương đầu tiên ở Trung Quốc áp dụng thí điểm chế độ phá sản cá nhân từ năm 2021 – một bước đi nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ người dân gặp khó khăn về tài chính vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, đây cũng là chủ đề gây tranh cãi khi không ít người lo ngại về việc lạm dụng cơ chế này để trốn nợ.
Trước đó, vào ngày 29/8/2024, Tòa án Nhân dân cấp trung Thâm Quyến từng tuyên bố một phán quyết phá sản cá nhân đối với một cặp vợ chồng mang họ Guo và Li. Theo đó, sau ba năm thử thách, nếu các bên tuân thủ đúng quy định, họ có thể được tòa án xem xét miễn trừ các khoản nợ chưa thanh toán.
Trường hợp của Zhou hiện vẫn đang được giám sát chặt chẽ và chưa có quyết định cuối cùng từ phía tòa án. Tuy nhiên, sự kiện này đã làm nổi bật những thách thức trong việc triển khai cơ chế phá sản cá nhân tại Trung Quốc – đặc biệt trong bối cảnh nhiều người dân vẫn còn mơ hồ về khái niệm này và dễ bị cuốn vào các tranh cãi chưa có lời giải rõ ràng.

Vụ việc cũng đặt ra câu hỏi về tính minh bạch và năng lực kiểm soát rủi ro tài chính cá nhân tại các đô thị lớn, nơi người dân dễ bị sa vào các khoản vay tiêu dùng, đầu tư rủi ro hoặc bị mắc bẫy tín dụng không kiểm soát, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng về lâu dài.
Trong khi chờ kết luận từ Tòa án Thâm Quyến, dư luận Trung Quốc vẫn tiếp tục dõi theo và tranh luận xung quanh câu chuyện phá sản cá nhân – điều từng được xem là “lạ lẫm” nhưng ngày càng trở nên thiết thực trong xã hội hiện đại.