Lượng tìm kiếm tăng vọt, bất động sản Bình Dương nổi sóng
Mức độ quan tâm, tìm kiếm thị trường bất động sản luôn bật dậy mạnh mẽ sau mỗi đợt Covid-19, đặc biệt là tại Bình Dương nhờ các ưu điểm về hạ tầng, tập hợp nhiều khu công nghiệp, vị trí địa lý gần TP.HCM
Hạ tầng giao thông tại Bình Dương sẽ được đầu tư mở rộng trong thời gian tới.
Thị trường bất động sản Bình Dương trong thời gian gần đây đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư. Báo cáo Thị trường Bất động sản tỉnh Bình Dương quý 1/2021 của Batdongsan.com.vn cho thấy mức độ quan tâm tại thị trường này đang tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua. Đáng chú ý, mức độ quan tâm của thị trường luôn bật dậy mạnh mẽ sau mỗi đợt Covid-19.
LƯỢT TÌM KIẾM TĂNG CAO
Theo dữ liệu từ Batdongsan.com.vn, trong quý 1/2021 mức độ quan tâm và tìm kiếm bất động sản ở các khu đô thị vệ tinh và các tỉnh lân cận thành phố lớn trong đó có Hà Nội và TP.HCM tăng mạnh so với quý 4/2020. Điều này phản ánh xu hướng dịch chuyển cả nguồn cung và cầu về các thị trường tỉnh.
Khu vực các tỉnh, thành phố lân cận TP.HCM, mức độ quan tâm cũng tăng cao, như Nhơn Trạch tăng 35%, Biên Hòa 17%, Bình Dương 15%. Bên cạnh đó, giá ở các khu vực này cũng thiết lập mặt bằng giá mới khi tăng đáng kể so với cùng kỳ. Ví dụ Nhơn Trạch tăng 15%, Biên Hòa tăng 16%, Tân Uyên tăng 7%. Trong đó, lượt quan tâm tìm kiếm bất động sản tăng cao ở các khu đô thị vệ tinh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Báo cáo cũng chỉ ra 50% số lượng người tìm kiếm bất động sản Bình Dương đến từ TP.HCM, 45% là người Bình Dương, chỉ còn 5% đến từ các khu vực lân cận.
Cũng theo báo cáo quý 1/2021 của Batdongsan.com.vn, trong số các tỉnh thành phía Nam, Bình Dương là thị trường được quan tâm nhất. Hiện tại mức độ quan tâm của nhà đầu tư bất động sản đến Bình Dương gấp đôi Long An, và vượt Đồng Nai.
Nếu mức độ quan tâm chung tới thị trường bất động sản sau làn sóng Covid-19 đợt 1 tăng 306%, sau Covid-19 lần 2 thị trường tăng 62%, sau Covid-19 lần 3 thị trường tăng mạnh 378%, thì riêng khu vực Bình Dương, lượt tìm kiếm gây bất ngờ với con số thống kê sau các đợt Covid 1,2,3 lần lượt là 620%, 36% và 668%.
Trong vòng bán kính 20-50km, số lượng tìm kiếm bất động sản tại khu đô thị vệ tinh TP.HCM tăng rõ rệt trong những tháng vừa qua. Trong đó, phân khúc nhà thấp tầng (đất nền, nhà phố, nhà riêng…) tại Bình Dương lượng người tìm kiếm tăng vọt. Đây cũng là phân khúc đang khan hiếm tại Bình Dương ở thời điểm này.
NỔI SÓNG NHỜ QUY HOẠCH
Sự thu hút của Bình Dương đối với nhà đầu tư đến từ loạt ưu điểm về hạ tầng, nhiều khu công nghiệp, giá bất động sản còn rẻ, tiềm năng phát triển cao… Đây cũng là lý do khiến nhiều nhiều doanh nghiệp bất động sản dịch chuyển đầu tư đến vùng đất này.
Chính quyền Tân Uyên đã vạch ra lộ trình bứt phá đầy tham vọng trong vòng 5 năm tới. Theo đó Tân Uyên phấn đấu đạt đô thị loại II trước năm 2025, phát triển theo hướng đô thị thông minh trên cơ sở bảo đảm định hướng quy hoạch, phát triển đô thị của tỉnh.
Ngoài ra, theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc chi nhánh TP.HCM và Bình Dương của Batdongsan.com.vn, một nguyên nhân nữa khiến Bình Dương trở thành tâm điểm thu hút nhà đầu tư nằm ở xu hướng "ly tâm" cũng như lợi thế địa lý nằm ngay cửa ngõ Đông Sài Gòn của hai thành phố này. Đặc biệt, là từ khi thành phố Thủ Đức thành lập, nhờ có đường biên giới tiếp giáp TP.HCM ngày càng mở rộng với hệ thống giao thông nối mạng được đầu tư bài bản, tạo điều kiện thuận lợi cho bất động sản Bình Dương "dậy sóng".
Dẫn thêm lý do khiến các chủ đầu tư chuyển dịch đầu tư từ các tỉnh thành khác sang Bình Dương, ông Nguyễn Trung Tín, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bất động sản An Gia, cho rằng "do thủ tục pháp lý ở TP.HCM siết chặt, nhiều doanh nghiệp phải tìm vùng đất mới, lân cận với TP.HCM để phát triển. Trong đó, Bình Dương được đánh giá là "thủ phủ công nghiệp" phía Nam, dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp với 48 khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn, chiếm 1/4 diện tích khu công nghiệp toàn miền Nam".
Tuy nhiên, yếu tố không kém phần quan trọng đẩy giá bất động sản Bình Dương tăng cao chính là quy hoạch.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc trung tâm quy hoạch - Viện Quy hoạch và phát triển đô thị Bình Dương, hiện chính quyền Tân Uyên đã vạch ra lộ trình bứt phá đầy tham vọng trong vòng 5 năm tới. Theo đó Tân Uyên phấn đấu đạt đô thị loại II trước năm 2025, phát triển theo hướng đô thị thông minh trên cơ sở bảo đảm định hướng quy hoạch, phát triển đô thị của tỉnh. Dự kiến đến năm 2030, đô thị này sẽ trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại và đến năm 2045 sẽ đạt tới tầm vóc của một thành phố thông minh của vùng và cả nước.
Chính thông tin quy hoạch này làm giá đất nền tại khu vực ngoại thành Tân Uyên, Bàu Bàng (Bình Dương) tăng cao trong thời gian qua. Mức giá rao bán đất nền trong quý 1/2021 có sự gia tăng đáng kể so với quý 4/2020. Cụ thể, Thủ Dầu Một tăng 19%, Dĩ An tăng 21%, Bắc Tân Uyên tăng 29%, Bàu Bàng tăng 103%.
Đáng chú ý, thị trường chứng kiến sự tăng trưởng về mức độ tìm kiếm ở loại hình nhà riêng (38%) và nhà phố (65%) ở Tân Uyên. Yếu tố này cho thấy kỳ vọng của người mua, nhà đầu tư vào Tân Uyên nhằm "đón đầu" thị trường khi mà biên độ tăng giá còn cao, hệ thống cơ sở hạ tầng đang được quy hoạch và tiếp tục đầu tư. Điều này cũng phù hợp với quy hoạch của tỉnh Bình Dương khi phát triển các dự án thấp tầng ở khu vực Tân Uyên, Bến Cát và tại một số khu vực phía Bắc do quỹ đất còn nhiều.
Về quy hoạch, các chủ đầu tư cần quan tâm đến kết nối hạ tầng, bởi trong thời gian tới việc phát triển thêm các khu dân cư, đô thị mới chắc chắn sẽ có thêm nhiều dự án mới mọc lên, điều này sẽ dẫn dấn tình trạng kẹt xe. Do đó, các doanh nghiệp cần chung sức với Tỉnh để tháo gỡ tình trạng này.
"Về đầu tư hạ tầng giao thông, trong thời gian tới, tỉnh sẽ mở rộng một số con đường huyết mạch theo trục Bắc Nam, trục Đông Tây. Đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để các dự án đã và đang triển khai phát triển hơn nữa", ông Hiếu chia sẻ thêm.
Nhấn mạnh việc chọn Bình Dương là nơi đầu tư cũng là cơ hội để kinh tế Bình Dương phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, nhưng ông Hiếu cũng lưu ý các chủ đầu tư rằng: "Về quy hoạch, các chủ đầu tư cần quan tâm đến kết nối hạ tầng, bởi trong thời gian tới việc phát triển thêm các khu dân cư, đô thị mới chắc chắn sẽ có thêm nhiều dự án mới mọc lên, điều này sẽ dẫn dấn tình trạng kẹt xe. Do đó, các doanh nghiệp cần chung sức với Tỉnh để tháo gỡ tình trạng này. Ngoài ra, cần chú ý vấn đề bảo vệ môi trường để sau này không làm gánh nặng cho cơ quan quản lý".