Lương tối thiểu năm 2020 sẽ tăng 5,5%
Sau một buổi chiều đàm phán căng thẳng, phiên họp thương lượng tiền lương tối thiểu 2020 lần hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã kết thúc trong chiều 11/7, với mức tăng được 'chốt' là 5,5%...
Chiều 11/7, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tổ chức phiên họp lần hai bàn phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2020. Sau một buổi họp diễn ra căng thẳng, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất kết quả thương lượng và "chốt" mức tăng lương tối thiểu năm 2020 là 5,5%.
Đàm phán căng thẳng để đi đến quyết định cuối cùng
Trước khi đi đến kết quả thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng 2020 là 5,5%, phiên đàm phán lần hai diễn ra căng thẳng khi không bên nào chịu "nhún nhường". Cụ thể, trong khi quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là mong muốn cải thiện đời sống người lao động nên đề xuất mức tăng 6,7% thì phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng mức tăng phải đảm bảo khả năng chi trả của doanh nghiệp nên đề xuất tăng 4%.
Theo Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Doãn Mậu Diệp, dù mức đề xuất trong phiên họp hôm nay giữa các bên vẫn còn "vênh" nhau khá lớn, song đã thể hiện thiện chí chia sẻ với nhau. Do đó, với tinh thần cởi mở và trải qua suốt 4 giờ đồng hồ họp thương lượng, cuối cùng hai bên đã thống nhất chốt mức tăng lương tối thiểu năm 2020 ở mức 5,5%.
Theo phương án này, so với năm 2019, vào năm 2020, lương tối thiểu vùng 1 sẽ tăng từ 4.180.000 lên mức 4.420.000 (tăng 240.000 đồng); vùng 2 tăng từ 3.710.000 lên 3.920.000 (tăng 210.000 đồng); vùng 3 tăng từ 3.250.000 đồng lên 3.430.000 đồng (tăng 180.000 đồng); vùng 4 tăng từ 2.920.000 đồng lên 3.070.000 đồng (tăng 150.000 đồng).
Chia sẻ với báo chí sau khi kết thúc phiên họp, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) khẳng định, dù kết quả chưa đúng như kỳ vọng của cơ quan này, song với mức tăng 5,5% tiền lương tối thiểu vào năm 2020 đã đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Mặc dù vậy, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận, việc tăng lương tối thiểu quả thực gây áp lực cho doanh nghiệp, nhưng đây là động lực cần thiết để người lao động có điều kiện cống hiến vào sự phát triển của doanh nghiệp nói chung.
Phía đại diện người lao động cũng rất chia sẻ với VCCI khi đề xuất mức tăng thấp hơn do đứng trên góc độ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp. "Ngay tổ chức công đoàn chúng tôi cũng theo nguyện vọng của người lao động là muốn tăng cao hơn nữa, nhưng mục đích chung vẫn là cần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, đảm bảo tiền lương cho người lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp", ông Quảng bày tỏ.
Doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng
Trái ngược với sự hứng khởi của phía người lao động, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp dù đồng tình với mức tăng 5,5% song khẳng định "chúng tôi chưa thực sự hài lòng với kết quả hôm nay".
Như nhiều lần tăng lương tối thiểu vùng trước đó, ông Phòng cho rằng, mỗi một phần trăm tăng thì mức chi phí của doanh nghiệp đã tăng trên dưới 10%. Do đó, với mức tăng 5,5% trong năm 2020, dự báo chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên rất cao.
Trước đó, với mức tăng 5,3% trong năm 2019, nhiều doanh nghiệp đã trả mức lương tối thiểu tăng thêm tới trên 6% so với mức của năm 2018. Như vậy, theo ông Phòng, vấn đề là tăng tiền lương tối thiểu chỉ tác động vào các chi phí khác của doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh, "sức khỏe" của doanh nghiệp.
Để bù đắp chi phí và thích ứng với bối cảnh này, theo đại diện giới chủ, doanh nghiệp ngay từ bây giờ sẽ phải có các giải pháp để "khỏa lấp" bài toán này. Cùng với đó là đầu tư đổi mới công nghệ, tăng cường đào tạo để nâng cao khả năng chi trả. Dù vậy, ông cũng bày tỏ rất mong người lao động chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp, để doanh nghiệp có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh.
Dù vậy, đại diện phía doanh nghiệp cũng khẳng định, doanh nghiệp luôn yêu quý và coi người lao động là tài sản quý của doanh nghiệp. Ông cũng nhấn mạnh một lần nữa, quan hệ lao động ngày càng được cải thiện nhiều hơn, sự tồn vong của doanh nghiệp được quyết định bởi sự chia sẻ của người lao động với những khó khăn, như những "gam màu sáng tối" đan xen.
"Cả doanh nghiệp và người lao động đều cần nhau. Do đó, hai bên cần chia sẻ để doanh nghiệp có thể phát triển được, duy trì việc làm bền vững, nâng cao đời sống cho người lao động", ông Phòng nhấn mạnh.
Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/luong-toi-thieu-nam-2020-se-tang-55-20190711181338533.htm