Lương tối thiểu vùng 2020: Chốt mức tăng cao nhất 240 nghìn đồng/tháng
Mức tăng lương tối thiểu vùng 2020 đã được chốt ở mức 5,5% sau 4 giờ đàm phán lần 2 cuối giờ chiều 11- 7.
Thứ trưởng Bộ LĐ- TBXH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia Doãn Mậu Diệp cho biết phương án ban đầu, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đưa ra mức tăng lương tối thiểu là 6,7% còn phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và người sử dụng lao động đề xuất ở mức 4%. Tuy nhiên vẫn còn có sự chênh lệch giữa 2 bên và sau khi thương lượng thiện chí phương án chốt điều chỉnh lương tối thiểu năm 2020 là 5,5%.
Theo kết quả bỏ phiếu, hội đồng đã thống nhất với phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 lên 5,5%.
Theo đó, vùng 1 tăng lên 4,42 triệu đồng/tháng (tăng 240.000 đồng/tháng); vùng 2 lên 3,92 triệu đồng/tháng (tăng 210.000 đồng/tháng); vùng 3 lên 3,43 triệu đồng/tháng (tăng 180.000 đồng/tháng); vùng 4 lên 3,07 triệu đồng/tháng (tăng 150.000 đồng/tháng).
Phương án tăng 5,5% lương tối thiểu vùng sẽ được Hội đồng Tiền lương Quốc gia trình lên Chính phủ để quyết định mức tăng lương năm 2020.
Chia sẻ sau phiên đàm phán, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) cho biết mức tăng này dù chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động những cũng là điều hết sức phấn khởi với người lao động. Trong nhiều năm qua do điều kiện của nền kinh tế xã hội chưa bao giờ tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu.
“Tham gia nhiều phiên đàm phán lương tối thiểu tôi nhận thấy quan hệ giữa các bên ngày càng hài hòa. Vì thế đàm phán lương tối thiểu năm nay kết thúc sớm mà không phải chờ đến phiên thứ 3”.
Cũng theo ông Quảng, đây chỉ là tiền lương tối thiểu còn lương của người lao động vẫn rất thấp nên tới đây công đoàn sẽ thương lượng với người sử dụng lao động để người lao động nhận được mức lương tương xứng với công sức bỏ ra
Theo ông Lê Đình Quảng, tăng lương tối thiểu quả thực áp lực cho doanh nghiệp, nhưng đó là động lực cho người lao động để có điều kiện công hiến vào sự phát triển của doanh nghiệp. Bối cảnh hội nhập, giải quyết thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam.Hiện nay cách tính mức sống tối thiểu chưa có công thức chung do đó vấn đề phải tính toán sao cho phù hợp và căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội, khả năng của doanh nghiệp.
"Bộ phận kĩ thuật đưa ra các cho các bên thảo luận và biểu quyết, mức tăng khoảng 5,5% các bên có thể chấp nhận được", ông Quảng nói.
Theo ông Quảng, VCCI nêu lên khó khăn của doanh nghiệp khi tăng lương, nguyện vọng của doanh nghiệp. Tổ chức công đoàn thể theo nguyện vọng của người lao động muốn tăng cao hơn nữa, nhưng mục đích chung xây dựng quan hệ lao động hài hòa, đảm bảo tiền lương cho người lao động và chi trả của doanh nghiệp.