Lương tối thiểu vùng 2020 tăng 5,5%

Lần đầu tiên sau 6 năm thành lập Hội đồng Tiền lương quốc gia, các thành viên đã chốt lương tối thiểu vùng ngay ở phiên đàm phán thứ 2

Chiều 11-7, tại phiên đàm phán thứ 2, sau nhiều giờ thương lượng, đại diện doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) đã tìm được tiếng nói chung về đề xuất tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2020 là 5,5%.

Lương tối thiểu tăng 150.000-240.000 đồng

Theo phương án này, so với năm 2019, vào năm 2020, LTT vùng 1 sẽ tăng từ 4.180.000 lên mức 4.420.000 đồng (tăng 240.000 đồng); vùng 2 tăng từ 3.710.000 lên 3.920.000 đồng (tăng 210.000 đồng); vùng 3 tăng từ 3.250.000 lên 3.430.000 đồng (tăng 180.000 đồng); vùng 4 tăng từ 2.920.000 lên 3.070.000 đồng (tăng 150.000 đồng).

Đời sống của đại bộ phận công nhân vẫn còn nhiều khó khăn Ảnh: KHÁNH AN

Đời sống của đại bộ phận công nhân vẫn còn nhiều khó khăn Ảnh: KHÁNH AN

Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia - đánh giá mức tăng này không những đáp ứng 100% mà còn vượt 0,3% mức sống tối thiểu theo đúng tinh thần của Nghị quyết 27 đề ra đến năm 2020 mức LTT đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ. Theo chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, trước khi thảo luận ở phiên họp này, Tổng LĐLĐ Việt Nam - đại diện cho NLĐ - đề xuất mức tăng 6,7%; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện chủ sử dụng lao động - đề nghị tăng khoảng 4%. Tuy rằng các mức đề xuất có sự chênh lệch nhưng đã thu hẹp khoảng cách rất nhiều so với phiên họp đầu tiên. Trong khi đó, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia tính toán thiếu hụt 5,2% thì bảo đảm được 100% mức sống tối thiểu của NLĐ. Nghị quyết 27 cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tiền LTT bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. "Chúng tôi kỳ vọng mức LTT đáp ứng mức sống tối thiểu. Vì thế, với việc các thành viên trong hội đồng bỏ phiếu và thống nhất mức tăng LTT vùng năm 2020 tăng 5,5%, không những bảo đảm 100% mức sống tối thiểu mà còn vượt lên hơn 0,3%. Như vậy, cuộc sống của NLĐ sẽ được cải thiện" - ông Diệp nhận định.

Đáp ứng mức sống tối thiểu

Nhận định về mức tăng LTT 5,5%, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho rằng DN chưa thực sự hài lòng với mức tăng này vì sẽ "đội" chi phí của DN lên cao. Điều này đồng nghĩa với việc DN phải nỗ lực rất nhiều trong thay đổi công nghệ, nâng cao tay nghề của NLĐ, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh để tăng sức cạnh tranh. "Mong muốn của DN là tăng lương dưới mức đó. Tuy nhiên, Hội đồng Tiền lương quốc gia hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, có trên 85% đồng ý với mức 5,5%. Do đó DN sẽ phải phấn đấu, đổi mới và có chính sách đào tạo nâng cao tay nghề của NLĐ, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt. Chúng tôi cũng mong NLĐ chia sẻ với DN để đôi bên cùng phát triển. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, các chủ DN phải đổi mới khoa học - công nghệ và quản trị, nâng cao tay nghề" - ông Phòng nói.

Trong khi đó, ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, tỏ ra hài lòng với mức tăng 5,5%. "Tham gia nhiều phiên đàm phán LTT, tôi nhận thấy quan hệ giữa các bên ngày càng hài hòa. Vì vậy, đàm phán LTT năm nay kết thúc sớm mà không cần phải chờ đến phiên thứ 3. Các bên đã thật sự hiểu nhau, chia sẻ và có trách nhiệm chung, nhận thức về tiền LTT của NLĐ. Chúng tôi hy vọng mức tăng khoảng 5,6%-6,5%. Phương án tăng 5,5% cũng có thể chấp nhận được. Mức tăng này đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ" - ông Quảng đánh giá. Tuy nhiên, theo ông Quảng, đây chỉ là tiền LTT vùng, còn lương của NLĐ vẫn rất thấp , cho nên sắp tới Công đoàn sẽ thương lượng với người sử dụng lao động để NLĐ nhận được mức lương tương xứng với công sức bỏ ra.

Trước đó, kết thúc phiên đàm phán thứ 1 diễn ra trong tháng 6-2019, các bên đã đưa ra 6 phương án LTT mà không đạt được sự đồng thuận vì khoảng cách quá lớn. Đại diện chủ sử dụng lao động là VCCI đưa ra 2 phương án, không tăng và tăng từ 1%-2%, trong khi Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất mức tăng từ 7%-8%.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/luong-toi-thieu-vung-2020-tang-55-20190711221140479.htm