Lương tối thiểu vùng cần điều chỉnh để bù đắp lạm phát
Theo ILO, cần điều chỉnh lương tối thiểu theo kịp lạm phát để giữ giá trị thật của tiền lương cho người lao động.
Trước phiên họp thứ hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia dự kiến diễn ra vào tuần tới, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã gửi báo cáo "Tổng thuật về lương tối thiểu khu vực ASEAN trong khủng hoảng từ đại dịch Covid-19 và lạm phát tăng cao" tới Bộ LĐ-TB&XH.
Bản tổng thuật này tập trung vào mức lương tối thiểu tại ASEAN. Theo ILO, trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN, có 8 quốc gia có quy định về mức lương tối thiểu là Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Giai đoạn từ năm 2015 tới nay, tiền lương tối thiểu các nước đều điều chỉnh tăng.
Cụ thể, Việt Nam tăng lương tối thiểu ổn định và nhất quán, từ mức 119 USD/tháng (năm 2015) lên 168 USD/tháng; Campuchia tăng từ 128 USD/tháng lên 194 USD/tháng; trong khi Malaysia tăng mạnh từ mức 230 USD/tháng lên 341 USD/tháng (tăng gần 50%)...
ILO cho rằng, chính sách lương tối thiểu khác nhau trong khu vực ASEAN đã dẫn đến sự đa dạng về mức lương tối thiểu.
Trước những phân tích được đề cập về lương tối thiểu, ILO khuyến nghị rằng, các thiết chế lương tối thiểu cần tiếp tục tích cực bảo vệ người lao động không bị trả lương quá thấp, và tránh cho họ rơi vào hoàn cảnh nghèo khó bằng cách đảm bảo tiền lương của họ duy trì được sức mua, kể cả trong tình trạng lạm phát.
Theo ILO, lạm phát đang tác động làm giảm lương và thu nhập của khoảng 186 triệu người lao động khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, cần điều chỉnh lương tối thiểu theo kịp lạm phát để giữ giá trị thật của tiền lương cho người lao động.
Vấn đề cấp thiết nữa là các quốc gia phải thực hiện các bước cần thiết để mở rộng phạm vi bao phủ của lương tối thiểu cho tất cả các nhóm người làm công ăn lương, bao gồm phụ nữ, thanh niên, người giúp việc gia đình, người lao động tại nhà và người lao động di cư, bất kể người lao động đó làm việc với hình thức thỏa thuận việc làm nào.
Hội đồng Tiền lương quốc gia dự kiến khởi động lại thương lượng tăng lương tối thiểu vùng phiên thứ hai vào ngày 20/12 tới đây.
Theo thông lệ, mỗi kỳ họp hội đồng tiền lương diễn ra 2-3 phiên. Phương án và thời điểm tăng lương thường được chốt trong phiên họp thứ ba, nhanh nhất vào phiên thứ hai khi các bên tìm được tiếng nói chung.
Tại phiên họp đầu tiên vào đầu tháng 8, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất hoãn thương lượng tăng lương tối thiểu đến cuối năm nay mới bàn thảo tiếp về thời điểm và mức tăng. Nguyên nhân là kinh tế sụt giảm khiến hơn nửa triệu lao động mất việc, giảm giờ làm, CPI 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát tăng 4,74%.
Phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị tăng khoảng 6%, còn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng tìm kiếm đơn hàng, giữ được việc cho lao động cấp thiết hơn tăng lương.