Lượng xe dán thẻ ETC tăng mạnh sau 1 tháng thí điểm thu phí không dừng toàn tuyến
Sau 1 tháng triển khai thí điểm thu phí không dừng toàn tuyến trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, số lượng phương tiện dán thẻ tăng nhanh. Đến nay có khoảng 3,1 triệu xe đã dán thẻ, chiếm khoảng 70% phương tiện trên toàn quốc.
Từ ngày 1/6, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã dừng thu phí thủ công và chính thức thí điểm 100% thu phí điện tử không dừng. Theo đó, các phương tiện không dán thẻ ETC, hoặc có dán nhưng tài khoản không đủ để lưu thông không được đi vào tuyến cao tốc này.
Lượng xe tăng, doanh thu tăng
Ông Vũ Hữu Thành, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho hay, từ khi thực hiện thí điểm, đại đa số phương tiện chấp hành tốt, nghiêm túc. Hệ thống hoạt động ổn định, đáp ứng được yêu cầu. Người tham gia giao thông chấp hành và ủng hộ chủ trương chỉ áp dụng hình thức thu phí ETC của Chính phủ.
"Lưu lượng xe sử dụng ETC trên tuyến tăng theo từng tháng. Nếu như tháng 1/2022 số xe sử dụng ETC chỉ đạt 42,9%, thì trước khi chính thức thí điểm tháng 5/2022 đã tăng lên 71% tổng lưu lượng xe lưu thông trên tuyến đường", ông Vũ Hữu Thành cho biết.
Đáng nói, sau khi thực hiện thí điểm áp dụng thu phí không dừng tất cả các làn trên toàn tuyến cao tốc thì lượng xe qua tuyến tăng nhẹ so với trước khi thí điểm. Cụ thể, hiện nay cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có trung bình hơn 46.500 lượt xe/ngày, ngày cao điểm hơn 60.000 lượt xe, bằng 102% lưu lượng so với một tháng trước thí điểm.
Từ khi thí điểm, mỗi ngày có thêm khoảng 1.600 xe vào đường cao tốc dán thẻ mới hoặc kích hoạt lần đầu tiên. Bên cạnh đó, sau thời gian thí điểm, doanh thu trung bình đạt 6,1 tỷ đồng/ngày, bằng 103% so với thời gian trước thí điểm (doanh thu trung bình đạt hơn 5,5 tỷ đồng/ngày).
VIDIFI cũng cho biết, việc chỉ thu phí ETC đã giúp các phương tiện qua trạm nhanh hơn, không phải dừng lại trả phí như trước đây, nên không ùn tắc tại trạm, đồng thời giảm tải trong công tác đổi tiền lẻ, bảo quản tiền mặt tại các trạm thu phí. Song song với đó, việc duy trì trên mỗi chiều đường một làn xử lý sự cố đã phát huy hiệu quả, giải quyết được toàn bộ các tình huống bất thường.
Cần thiết thêm hình thức trả sau
Bên cạnh những tín hiệu tích cực sau một tháng thí điểm, đại diện VIDIFI cũng cho biết: Thực tiễn triển khai xảy ra nhiều trường hợp phương tiện chưa dán thẻ, hoặc số dư trong thẻ không đủ trả phí, xe có thẻ bị lỗi, xe có nhiều hơn một tài khoản ETC (49 trường hợp), phải dừng lại để xử lý.
Hoặc, xe không giữ khoảng cách, đi không đúng tốc độ cũng gây ra lỗi nhận diện xe, không thực hiện được thu phí không dừng.
Trong một tháng thí điểm có khoảng 35 xe/ngày đi nhầm vào đường cao tốc và từ chối sử dụng dịch vụ ETC đã được hướng dẫn đi ra khỏi đường cao tốc. Đặc biệt, có 3 trường hợp xe cố tình gây rối, đơn vị vận hành thu phí đã phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông xử lý.
"Thực tế nêu trên cho thấy, cần thiết triển khai hình thức trả sau. Kinh nghiệm sau một tháng triển khai thí điểm là cần phối hợp tốt với đơn vị dán thẻ, cảnh sát giao thông, thực hiện dán thẻ tại các nút giao trước khi vào cao tốc", đại diện VIDIFI cho hay.
Lượng phương tiện dán thẻ tăng mạnh
Đánh giá kết quả thí điểm, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, sau một tháng triển khai thí điểm thu phí không dừng toàn tuyến trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, số lượng phương tiện dán thẻ tăng nhanh. Đến nay có khoảng 3,1 triệu xe đã dán thẻ, chiếm khoảng 70% phương tiện trên toàn quốc.
Hiện, VIDIFI đang trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam phương án tiếp tục mở rộng thêm số làn. Tổng cục đã chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ tiếp tục đẩy mạnh công tác dán thẻ, phấn đấu đến tháng 9 đạt mục tiêu 90% phương tiện dán thẻ đúng theo chỉ đạo của Chính phủ.
"Việc thí điểm đến thời điểm này cơ bản thành công, lo ngại lớn nhất về các sự cố nghiêm trọng và sự phản đối của người dân đã không xảy ra”, ông Tô Nam Toàn vui mừng thông tin, đồng thời cho biết thêm, dịch vụ dán thẻ, mở tài khoản đang có những thay đổi để người dân, doanh nghiệp thực hiện thuận lợi nhất.
"Tới đây, các đơn vị sẽ nghiên cứu đề xuất cho phép xe qua trạm trả tiền sau, bỏ barie. Đây là xu thế tất yếu cần phải thực hiện. Tuy nhiên, để làm được cần sự phối hợp chặt chẽ của các ngân hàng, tháo gỡ cơ chế thanh toán với nhà đầu tư BOT và ngân hàng", ông Tô Nam Toàn nói.
Đối với đề xuất cần thêm hình thức trả sau, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế đồng tình và cho rằng cần hoàn thiện hành lang chế tài xử phạt truy thu trong trường hợp chủ phương tiện cố tình không trả tiền.
Từ thành công bước đầu thí điểm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ thu phí tự động không dừng mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo triển khai nhân rộng chỉ thu phí điện tử không dừng đối với tất cả các tuyến đường cao tốc kể từ ngày 1/8/2022.
Năm 2024 tiến tới không còn barrie, không còn cabin thu phí trên cao tốc
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, lộ trình triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng dự kiến qua 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (đơn làn ETC có barie) dự kiến thực hiện từ năm 2016 đến năm 2023. Giai đoạn này các trạm thu phí vẫn tồn tại có barie. Barie sẽ mở cho xe đi qua trong trường hợp khi xe có thông tin thẻ dịch vụ hợp lệ, có đủ số dư tài khoản thu phí. Khi xe chưa gắn thẻ dịch vụ, hoặc có gắn thẻ dịch vụ nhưng không đủ số dư tài khoản, thì hệ thống chuyển sang chế độ thu phí một dừng (MTC).
Giai đoạn 2 (đơn làn tự do ETC) dự kiến thực hiện từ năm 2024 đến năm 2025. Giai đoạn này tại các trạm thu phí không còn barie, chỉ duy trì các dải phân cách các làn, không còn cabin thu phí. Các phương tiện lưu thông tự do theo làn qua trạm thu phí.
Giai đoạn 3 (đa làn tự do ETC) dự kiến từ 2026 trở đi. Đây là giai đoạn cuối cùng, tại khu vực trạm thu phí chỉ còn duy trì giá long môn và các thiết bị thu phí gắn trên giá long môn. Các phương tiện lưu thông tự do đa làn qua khu vực trạm thu phí.
Theo chinhphu.vn