Lương y thượng thọ đất Ngọc Kỳ

'Cụ ấy là học trò của cố Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tài Thu. Cụ có chuyên môn giỏi, giúp được nhiều người, trong đó có tôi'.

Cụ Hòa vẫn châm cứu chữa bệnh cho người dân dù đã 93 tuổi

Cụ Hòa vẫn châm cứu chữa bệnh cho người dân dù đã 93 tuổi

Đó là nhận xét của ông Nguyễn Thanh Trà, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ nói về lương y Nguyễn Xuân Hòa (93 tuổi ở xã Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ).

Chữa khỏi nhiều người bệnh

Đầu năm nay, ông Nguyễn Thanh Trà lần thứ 2 gặp tai biến sau hơn 20 năm. Được cấp cứu và điều trị kịp thời song miệng ông bị méo, không nói, không ăn được. Ông đã tìm đến cụ Hòa nhờ châm cứu và sau một thời gian ngắn thì đã nói, ăn uống được bình thường.

Anh P.H. ở cùng huyện Tứ Kỳ cho biết vợ mình bị liệt dây thần kinh số 7 gây ra méo miệng. Anh đưa vợ đi nhiều chỗ chữa trị nhưng không mang lại kết quả. Vợ anh ở nhà uống thuốc, kết hợp nhờ cụ Hòa châm cứu. “Vợ tôi bình phục nhanh chỉ sau 2 tuần châm cứu, giờ đã có thể đi làm”, anh H. chia sẻ.

“Bà con nghĩ tôi đã cao tuổi, sợ mắt mờ, chân chậm, không còn minh mẫn nên không dám nhờ. Đúng là tôi đã già, có chút nặng tai nhưng mắt vẫn tinh, trí óc vẫn minh mẫn và làm việc tốt”, cụ Hòa nói.

Trí nhớ của cụ Hòa rất tốt. Cụ nhớ cả tên, quê quán những bệnh nhân đầu tiên bị tai biến, liệt nửa người mà mình chữa khỏi bằng châm cứu cách đây hơn nửa thế kỷ. Đó là bà Nõn ở Thanh Miện hay ông Thảo ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc, đều đã mất)… “Tôi vẫn chưa quên bất cứ sự kiện gì trong cuộc đời mình. Từ ngày theo học cụ Tài Thu đến nay, tôi đã chữa khỏi cho 282 người bị méo miệng, 70 người liệt nửa người do tai biến và rất nhiều người bị thần kinh tọa…”, cụ Hòa kể.

Năm 1960, Trạm Y tế xã Ngọc Kỳ được xây dựng. Cụ Hòa là trạm trưởng đầu tiên. Từ năm 1968-1971, cụ được tham dự 2 lớp đào tạo châm cứu do Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tài Thu - người nổi tiếng ở cả Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực đông y, đặc biệt là châm cứu truyền dạy. Cụ được thầy nhận xét là một trong những học trò thông minh. Sau lớp học, cụ Hòa không ngừng tìm tòi, trau dồi kiến thức, kỹ năng về châm cứu.

Cụ Hòa cho biết châm cứu là phương thức chữa bệnh không chỉ đòi hỏi kiến thức, kỹ năng mà còn cả nghệ thuật, sự biến hóa vì không có công thức hay phác đồ cụ thể. Trên cơ thể con người có hơn 800 huyệt đạo, trong đó châm cứu chỉ can thiệp vào khoảng 300 huyệt. Người thầy thuốc phải hiểu được bệnh để tính toán huyệt đạo cần châm cứu. “Châm cứu đòi hỏi cả thầy thuốc và bệnh nhân phải rất kiên trì. Tôi chưa bao giờ bỏ cuộc và gần như chưa từng thất bại trước một ca bệnh khó nào”, cụ Hòa nói.

Bệnh nhân tìm đến cụ Hòa chủ yếu là người trong tỉnh, một số người đến từ Quảng Ninh, Hải Phòng. Người bệnh yêu mến cụ không chỉ bởi là người có tâm với nghề, giúp họ khỏi bệnh mà còn vì chẳng để ý nhiều đến chuyện tiền công. Dịch vụ châm cứu bên ngoài thu 75.000 đồng/lần điện châm, 61.800 đồng/lần thủy châm, riêng cụ Hòa từ trước tới nay thường chỉ lấy của người bệnh 30.000 đồng cho mỗi lần châm cứu. Một số người khó khăn cụ không lấy tiền.

“Hoạt động bí mật trong lòng địch”

Cụ Hòa là con duy nhất trong gia đình, cha mất khi mới lọt lòng mẹ được 3 tháng. Mẹ đi lấy chồng, cụ ở với bà nội, theo học Trường Tiểu học Đại Kim do Pháp lập tại địa phương. Cụ Hòa học giỏi, trí nhớ tốt. Bài thơ về Thống chế Pê - tanh dài mấy trang giấy hay những bài kinh Phật nghe bà nội đọc từ khi còn nhỏ cụ vẫn thuộc đến bây giờ.

Bà nội mất, họ hàng chẳng còn ai, cụ Hòa phải đi ở và làm thuê cho một nhà địa chủ ở địa phương. Năm 1947, khi vừa tròn 17 tuổi, cụ tham gia tổ trưởng công an trật tự, tổ trưởng Việt Minh bí mật và du kích xã Ngọc Kỳ. 2 năm sau, cụ được học cảm tình Đảng, chuẩn bị được kết nạp thì phải hoãn vì đầu năm 1950, giặc Pháp về Ngọc Kỳ chiếm đóng, lập tề. Cụ Hòa được giao “hoạt động bí mật trong lòng địch”, cung cấp thông tin cho Ủy ban Kháng chiến xã, đưa đón cán bộ về hoạt động bí mật, rải truyền đơn… Một số lần bị nghi ngờ nhưng bằng lòng dũng cảm, kiên định, thông minh nên địch không thể khai thác được gì từ cụ.

Năm 1954, cụ Hòa được xã cử đi học lớp nghiệp vụ y và gắn bó với nghề từ đây. Không chỉ châm cứu, cụ còn làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, được chính quyền ghi nhận. Cụ Hòa được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng cùng hàng chục bằng khen, giấy khen do các cấp, các ngành trao tặng… Cụ nghỉ hưu năm 1989.

Vợ chồng cụ Hòa sinh được 6 người con, đều học hành giỏi giang, có người làm đại tá quân đội, bác sĩ, giáo viên… Hai vợ chồng cụ dù tuổi cao nhưng hiện sống rất vui khỏe. Cụ Hòa chia sẻ bí kíp: “Tôi không hút thuốc, không rượu bia, không sử dụng chất kích thích và đặc biệt là không tức giận ai bao giờ”.

Ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, cụ Hòa giờ đây vẫn hằng ngày đạp xe khắp xã thăm bệnh nhân, vẫn đem hết tâm huyết chăm sóc sức khỏe cho những người còn cần đến mình.

TIẾN MẠNH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/y-te---suc-khoe/luong-y-thuong-tho-dat-ngoc-ky-210543